Nhà vua tương lai của Đan Mạch: Một vị quân vương hiện đại, một nhà hoạt động môi trường
Giống như Vua Charles III của Anh, Thái tử Frederik - người sẽ lên ngôi tại Đan Mạch vào cuối tuần này - là một phần của thế hệ hoàng gia mới, hiện đại hơn và rất quan tâm đến các vấn đề môi trường.
Nhà hoạt động môi trường nhiệt huyết
Giống như hầu hết người Anh, nhiều người Đan Mạch trong suốt cuộc đời của họ chỉ biết đến một nữ hoàng - một người nổi tiếng với tinh thần trách nhiệm, đúng mực và tận tâm với nhiệm vụ của mình.
Nhưng 5 thập kỷ trị vì Đan Mạch của Nữ hoàng Margrethe II sẽ khép lại. Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới đọc vào đêm 31/12, Nữ hoàng Margrethe II đã tuyên bố trước quốc dân rằng bà sẽ thoái vị trong tháng 1 này. Điều đó mở đường cho con trai bà là Thái tử Frederik, 55 tuổi, lên ngôi.
Giống như Vua Charles III của Anh, Thái tử Đan Mạch Frederik là một phần của thế hệ hoàng gia trẻ, những người đã có cuộc sống không ngừng được ghi lại trên các phương tiện truyền thông và ủng hộ những quan điểm hiện đại, đặc biệt là về đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
Thông thạo tiếng Anh, Pháp và Đức, Thái tử Frederik luôn quan tâm đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là các vấn đề môi trường. Vào năm 2000, Frederik từng tham gia một chuyến thám hiểm kéo dài 4 tháng tới vùng Greenland và Bắc Cực, một chuyến đi mà sau này ông mô tả đã thay đổi vĩnh viễn quan điểm của ông về cuộc khủng hoảng khí hậu. Frederik cho biết, ông cảm nhận được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với hành tinh này dữ dội như thế nào và điều đó thuyết phục rằng nhiệm vụ cá nhân của ông là phải lên tiếng.
Kể từ đó đến nay, Thái tử Frederik đã tham dự nhiều hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế lớn cũng như có nhiều bài phát biểu, trả lời phỏng vấn về vấn đề môi trường, nhấn mạnh tính cấp thiết phải hành động và gây áp lực buộc các nhà đầu tư sử dụng vốn theo cách giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.
Ông được xem như gương mặt đại diện cho nỗ lực thúc đẩy năng lượng bền vững của Đan Mạch, đồng thời hỗ trợ các dự án nghiên cứu khoa học xanh, với tư cách là người bảo trợ, nhà thám hiểm hoặc thông qua quỹ từ thiện Kronprins Frederiks Fond của ông. Thái tử Frederik còn là một trong những tác giả của cuốn sách “Polartokt Kongelig”, xuất bản năm 2009, viết về những thách thức của khí hậu với lời tựa do cố Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan viết.
Pernille Almlund, giáo sư truyền thông tại Đại học Roskilde ở Đan Mạch, cho rằng, giống như hầu hết các doanh nghiệp, một gia đình hoàng gia hiện đại không thể tách rời khỏi các vấn đề khí hậu khi xây dựng hình ảnh trong mắt công chúng. “Họ cũng có một thương hiệu”, bà nói. Và, ở khía cạnh này, có thể thấy Thái tử Frederik đang làm rất tốt nhiệm vụ xây dựng “thương hiệu” hoàng gia trong mắt công chúng.
Trưởng thành từ quân ngũ và đam mê thể thao
Trong cuốn tiểu sử về hoàng tử do nhà văn Jens Andersen viết, Frederik đã nói rằng thời trẻ, viễn cảnh trở thành vua là “một nhược điểm” khiến ông bất an, nhút nhát và ứng xử kém, đôi khi còn bị coi là nổi loạn. Nhưng, nhận thức ấy bắt đầu thay đổi sau khi ông tốt nghiệp Đại học Aarhus năm 1995 với bằng thạc sĩ khoa học chính trị.
Sau đó, ông còn dành thời gian học tại Đại học Harvard ở Mỹ, nơi ông ghi danh dưới cái tên Frederik Henriksen nhằm tránh khỏi sự chú ý. Nhưng, Frederik thực sự bắt đầu trưởng thành hơn trong vai trò của một thái tử trong thời gian tham gia quân ngũ tại Đan Mạch.
Thái tử đã phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm “người nhái” của hải quân - nơi ông có biệt danh “Pingo” (Chim cánh cụt) và trở thành một trong 4/300 tân binh xuất sắc vượt qua tất cả các bài kiểm tra vào năm 1995. Sau đó, Frederik lần lượt phục vụ ở cả không quân lẫn lục quân, nơi ông mang quân hàm thiếu tướng và tham gia nhiều chiến dịch cùng các binh sĩ như “Chiến dịch Endeavour” của NATO tại Địa Trung Hải hay “Chiến dịch Lá chắn đại dương” cùng liên quân nhiều nước nhằm ngăn chặn cướp biển ở vùng Sừng châu Phi.
Những năm tháng quân ngũ đã khiến vị vua tương lai nhìn nhận lại sứ mệnh của mình theo cách tích cực. Trong tiểu sử do nhà văn Jens Andersen viết, Frederik nói khi ông cảm thấy trở nên quen thuộc hơn với trách nhiệm hoàng gia của mình, viễn cảnh trở thành một vị vua “đã chuyển từ sợ hãi sang háo hức”.
Frederik cũng được biết đến vì lòng đam mê thể thao. Ông thường xuyên chạy Marathon và hoàn thành cuộc thi 3 môn phối hợp “Iron man” với thể thức vô cùng khắc nghiệt (bơi 3,9 km, đạp xe 180,2 km và chạy 42,2 km). Trên biển, Frederik cũng là một thủy thủ nhạy bén, là thuyền trưởng đội thuyền buồm đua kiểu Farr 40 từng tham dự nhiều giải vô địch trên khắp thế giới.
Nổi tiếng là một vận động viên liều lĩnh, Frederik từng phải nhập viện vì tai nạn xe trượt tuyết và xe tay ga nhưng không vì thế mà ông e ngại. “Tôi không muốn nhốt mình trong pháo đài. Tôi muốn là chính mình, một con người”, Frederik từng nói và khẳng định sẽ kiên trì với điều đó ngay cả sau khi lên ngôi.
Xây dựng hình ảnh hoàng gia thân thiện và cấp tiến
Chế độ quân chủ ở Đan Mạch ít bị giới truyền thông đặt vào tầm ngắm như nhiều hoàng gia khác, đặc biệt là nếu so sánh với Hoàng gia Anh. Các cuộc tranh luận xung quanh hoàng gia thỉnh thoảng bùng lên trên các phương tiện truyền thông nhưng chế độ quân chủ Đan Mạch không phải đối mặt với mức độ cao của tình hình như với những gì xảy ra ở xứ sở sương mù.
Trên thực tế, báo giới Đan Mạch cũng theo dõi sát sao các thành viên hoàng gia. Năm 1988, các phóng viên Đan Mạch đưa tin rộng rãi về một vụ tai nạn xe hơi mà Thái tử Frederik có liên quan sau khi em trai ông mất lúc đang lái chiếc Peugeot nhỏ của họ. 4 năm sau, thái tử đang ngồi trên ghế phụ khi cảnh sát chặn chiếc xe mà bạn gái ông lái, sau đó cô này bị phạt vì lái xe trong tình trạng say xỉn và không có bằng lái.
Vụ việc cũng được báo chí Đan Mạch đăng tải rộng rãi, chỉ có điều, mọi thứ chìm xuống nhanh chóng sau đó mà không cần có tác động hậu trường nào. Mấu chốt nằm ở việc người dân Đan Mạch vẫn dành cho hoàng gia một thiện cảm lớn. Trong một cuộc khảo sát dư luận vào năm 2018, có tới 76,7% dân số Đan Mạch ủng hộ hình thức chính phủ do hoàng gia đứng đầu. Để so sánh, cuộc thăm dò gần đây của YouGov tiến hành cho thấy, khoảng 62% người Anh ủng hộ việc duy trì chế độ quân chủ.
Sau lễ đăng quang gần đây của Vua Charles III, các cuộc thăm dò cho thấy người Anh, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng có xu hướng cảm thấy mệt mỏi khi chứng kiến những nghi lễ cổ kính và các quy tắc phức tạp của chế độ quân chủ. Nhưng, những người theo dõi hoàng gia ở Đan Mạch sẽ có cảm giác khác. Bởi Thái tử Frederik luôn thể hiện xu hướng cấp tiến và hình ảnh một chế độ quân chủ hiện đại, nhất là trong cách giao tiếp của ông.
Giáo sư sử học Lars Hovbakke Sorensen, chuyên gia về Hoàng gia Đan Mạch, cho biết Hoàng tử Frederik nổi tiếng là người ăn nói cởi mở, không chú trọng nhiều đến hình thức và tước vị. Giáo sư Hovbakke Sorensen nói: “Khi những người Đan Mạch khác gặp và nói chuyện với thái tử, họ luôn có cảm giác như vừa nói chuyện với một người bình thường có tên Frederik. Và, đó là điều phù hợp với thời gian cũng như tầm quan trọng của việc hoàng gia tự đổi mới và dần trở nên thân mật, gần gũi hơn với người dân”.
Theo giáo sư Hovbakke Sorensen, chế độ quân chủ Đan Mạch đã có xu hướng trở nên hiện đại. Vì thế, lễ đăng quang của Thái tử Frederik vào ngày 14/1 sẽ không phải là một sự kiện kéo dài hàng giờ với sân khấu dát vàng, lễ rước siêu hoành tráng và máy bay nhào lộn - như lễ đăng quang của Vua Charles III tại Anh - mà sẽ bao gồm một tuyên bố đơn giản của thủ tướng tại cung điện Christiansborg ở thủ đô Copenhagen. Phong cách lễ nghi tối giản đúng theo lối sống hiện đại Bắc Âu đó sẽ càng làm tăng thêm sự yêu mến của công chúng dành cho Hoàng gia Đan Mạch, cũng như với Thái tử Frederik.
Tuần trước, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã thay đổi chủ đề bài phát biểu năm mới của mình vào phút cuối để tập trung vào việc kế vị hoàng gia. Bà Frederiksen nói: “Nữ hoàng đã nói điều đó theo cách riêng của mình. Bà nói: “Tôi có một đứa con trai mà tôi rất tin tưởng”. Còn tôi có thể nói thêm rằng chúng tôi cũng có sự tự tin đó. Bởi vì, chúng tôi hiểu rõ vị vua tương lai của mình”.
Một phát biểu cũng rất gần với những gì mà cuộc thăm dò dư luận do Epinion thực hiện sau tuyên bố thoái vị của Nữ hoàng Margrethe II. Kết quả cho thấy 84% người Đan Mạch được hỏi khẳng định họ có cái nhìn tích cực về vị thái tử sắp trở thành vua, trong khi 85% ý kiến cũng đánh giá cao vợ ông, Công nương Mary.