Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam: Bước phát triển mới trong quan hệ song phương

'Nhà vua và Hoàng hậu chỉ thực hiện một hoặc hai chuyến thăm cấp Nhà nước mỗi năm - một chuyến trong Liên minh Châu Âu (EU) và một chuyến ngoài EU. Và năm nay, chuyến đi ngoài EU duy nhất của họ là đến Việt Nam. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của chuyến thăm này, không chỉ đối với Hoàng gia Bỉ mà còn đối với Việt Nam', Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche nhấn mạnh.

Mối quan hệ ngoại giao đặc biệt

Trong cuộc gặp gỡ báo chí trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde cùng phái đoàn Hoàng gia Bỉ (từ ngày 31/3 đến 4/4), Đại sứ Karl Van Den Bossche khẳng định, Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ đã có sự hiểu biết sâu sắc về Việt Nam. Đặc biệt, mỗi năm Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ chỉ thực hiện một hoặc hai chuyến thăm cấp Nhà nước và Việt Nam là quốc gia ngoài EU duy nhất được lựa chọn trong năm nay, thể hiện sự coi trọng của Bỉ đối với Việt Nam.

Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde.

Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde.

“Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ tới Việt Nam, nhưng không phải là lần đầu tiên họ đặt chân đến đất nước các bạn. Nhà vua từng đến Việt Nam vào năm 1994 khi còn là Thái tử, Hoàng hậu Fabiola quá cố cũng đã đến Việt Nam vào năm 1995. Hoàng hậu Mathilde từng thăm Việt Nam trong một sứ mệnh về kinh tế và vào năm 2023 với tư cách Đại sứ UNICEF. Những chuyến thăm trước đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hoàng gia Bỉ đối với Việt Nam”, Đại sứ Karl Van Den Bossche nói.

Tháp tùng Nhà vua và Hoàng hậu trong chuyến thăm có gần 150 đại biểu cấp cao, thành viên Hoàng gia, quan chức, doanh nghiệp, đặc biệt có sự góp mặt của 5 Bộ trưởng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Maxime Prevot; Bộ trưởng, Chủ tịch vùng Thủ đô Brussels Rudi Vervoort; Bộ trưởng, Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Elisabeth Degryse; Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Wallonia Adrien Dolimont và Bộ trưởng Brussels của chính quyền vùng Flanders Cieltje Van Achter.

Bỉ là một quốc gia có hệ thống chính quyền đặc biệt, bao gồm 3 vùng chính: Flanders (nói tiếng Hà Lan), Wallonia (nói tiếng Pháp) và Brussels (Thủ đô, song ngữ). Do đó, sự hiện diện của các bộ trưởng với đầy đủ quyền hạn chính trị các vùng không chỉ thể hiện sự đa dạng của đoàn cấp cao của Bỉ, mà còn là sự coi trọng dành cho Việt Nam.

Nhắc lại chuyện Bỉ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Việt Nam vào năm 1973 và từ đó đến nay, hai nước luôn duy trì mối quan hệ đối tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, Đại sứ Karl Van Den Bossche khẳng định, năm 2023, Việt Nam và Bỉ đã long trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và chuyến thăm của Nhà vua cùng Hoàng hậu lần này như một dấu ấn đặc biệt, mở ra một chặng đường 50 năm hợp tác tiếp theo giữa hai nước.

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche.

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche.

Tăng cường hợp tác đa lĩnh vực

Theo Đại sứ Karl Van Den Bossche, Việt Nam đang nổi lên như một “con hổ châu Á” với tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh chóng. Các doanh nghiệp Bỉ rất quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực như: công nghệ sạch, logistic thông minh, công nghệ sinh học và dược phẩm.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt 3,7 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Bỉ. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Bỉ vào Việt Nam đạt 886 triệu USD, xếp thứ 49 trong số các quốc gia xuất khẩu sang Việt Nam.

Đại sứ Karl Van Den Bossche kỳ vọng rằng, nhân dịp này, hai bên sẽ đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, ký kết các văn bản hợp tác, bao gồm 4 văn kiện cấp cao tại Phủ Chủ tịch, 21 văn kiện khác tại các địa điểm của Hà Nội và 9 văn kiện tại TP Hồ Chí Minh.

Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác là phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và Bỉ mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình này.

“Một điểm tương đồng nữa trong lịch sử của chúng ta là Bỉ là nơi đầu tiên trên thế giới chịu ảnh hưởng của vũ khí hóa học trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1917). Chúng tôi hiểu rõ tác hại của vũ khí hóa học. Tương tự, Việt Nam cũng gánh chịu hậu quả nặng nề từ chất độc da cam/dioxin. Chính những tổn thất chung này đã tạo nên sự đồng cảm sâu sắc giữa hai dân tộc. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ đến thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại TP Hồ Chí Minh, gặp gỡ các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin và thảo luận về các giải pháp hợp tác trong lĩnh vực này. Hiện nay, Bỉ đang hỗ trợ Việt Nam trong các dự án tẩy độc các vùng bị nhiễm chất độc da cam/đioxin, tái sử dụng đất đai cho nông nghiệp, phát triển công nghiệp và nhà ở”, Đại sứ Karl Van Den Bossche khẳng định.

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche và đại diện các cơ quan của Bỉ trong cuộc gặp gỡ với báo chí.

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche và đại diện các cơ quan của Bỉ trong cuộc gặp gỡ với báo chí.

Thúc đẩy giao lưu nhân dân và tháo gỡ rào cản về thị thực

Chưa hết, một trong những điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm lần này là thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác học thuật. Hơn 5.000 cựu sinh viên Việt Nam học tập tại Bỉ đã tạo thành một mạng lưới kết nối bền vững giữa hai quốc gia. Bên cạnh đó, Bỉ cũng tập trung vào việc thúc đẩy các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong hợp tác kinh tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Về văn hóa -xã hội, một trong những dự án tiêu biểu là sự hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam trong lĩnh vực làm bánh. “Nhà vua và Hoàng hậu sẽ đến thăm chi nhánh của Puratos tại Việt Nam - công ty thành lập trường dạy làm bánh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học nghề và phát triển tương lai. Bỉ cũng mong muốn mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa khác, như tổ chức lễ hội bia Bỉ tại nhiều thành phố ở Việt Nam”, Đại sứ Karl Van Den Bossche nói.

Ngoài ra, Đại sứ Bỉ cũng bày tỏ mong muốn chính phủ Việt Nam xem xét việc miễn thị thực cho công dân Bỉ nhằm thúc đẩy giao thương và du lịch giữa hai nước. “Chúng tôi mong muốn chính phủ Việt Nam có thể miễn visa cho du khách và doanh nhân Bỉ, vì điều đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn, không chỉ cho chúng tôi mà còn cho chính Việt Nam”, Đại sứ Karl Van Den Bossche chia sẻ.

Sông Thương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nha-vua-va-hoang-hau-bi-tham-cap-nha-nuoc-toi-viet-nam-buoc-phat-trien-moi-trong-quan-he-song-phuong-i763423/