Nhà vườn, bể bơi mọc lên ở công trường khai thác khoáng sản hết phép

Thời gian gần đây, hoạt động khai thác đất đá không phép với máy múc, xe Howo (hổ vồ) diễn ra rầm rộ tại khu vực đồi Ba Mào, Trại Vòng, xã Quang Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình). Điều đáng nói, khu vực này còn 'mọc lên' nhiều công trình nhà kiên cố và bể bơi hoành tráng không phép, khiến dư luận địa phương bức xúc.

Như Tiền Phong phản ánh “Đại công trường khai thác khoáng sản đã hết phép ở Ninh Bình” vào năm 2019. Tưởng chừng việc khai thác đất, đá tại đồi Ba Mào, Trại Vòng, xã Quang Sơn, TP Tam Điệp được ngăn chặn, xử lý. Ngược lại, tình trạng khai thác đất, đá tại khu vực đồi Ba Mào tiếp tục diễn ra rầm rộ hơn. Không những thế, nhiều căn nhà kiên cố, bể bơi…còn được xây dựng không phép tại khu vực đồi Ba Mào

Công trình kiên cố không phép mọc lên trên mỏ đất Ba Mào đã hết phép. Ảnh: N.B

Công trình kiên cố không phép mọc lên trên mỏ đất Ba Mào đã hết phép. Ảnh: N.B

Cụ thể, ghi nhận của Tiền Phong ngày 17/7/2024 cho thấy, tại khu vực đồi Ba Mào có quần thể công trình gồm 6 tòa nhà kiên cố, bể bơi, hòn non bộ, chuồng trại, ao cá... Các công trình này được xây dựng rất tỉ mỉ, công phu, không khác gì một khu nghỉ dưỡng. Nơi đây cũng trồng hàng nghìn cây cảnh, hoa và cây lâu năm có giá trị kinh tế cao.

Một người dân địa phương (giấu tên) cho biết, những công trình này đã được thi công suốt một thời gian dài, từ cuối năm 2017 đến năm 2021 mới hoàn thiện. "Khu vực này tồn tại cho đến thời điểm này là do chính quyền ngó lơ trong việc giám sát, buông lỏng quản lý", người này nói.

Đồi Ba Mào năm 2019 (ảnh trên) và hiện nay (ảnh dưới).

Đồi Ba Mào năm 2019 (ảnh trên) và hiện nay (ảnh dưới).

Ngày 18/7, trao đổi với Tiền Phong về thực trạng tại đồi Ba Mào trước đây tỉnh Ninh Bình cấp phép mỏ đất, đá hỗn hợp cho Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất khai thác, nay là công trình không phép, ông Trương Văn Hiên, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn (Tam Điệp) nói: “Chúng tôi đang cùng với thành phố giải quyết nên không thông tin được nhiều, chiều nay có cuộc họp để giải quyết”.

Theo ghi nhận của Tiền Phong năm 2019, đoạn đường từ TP Ninh Bình xuôi theo Quốc lộ 1, rẽ vào quốc lộ 12B qua xã Yên Sơn, Tam Điệp, đầy bụi bặm từ những chiếc xe tải nối đuôi nhau chở đất đá đến san lấp. PV lần theo đường mòn trong rừng phòng hộ Tam Điệp, vượt qua khe suối, leo lên đỉnh đồi Ba Mào, xã Quang Sơn, và chứng kiến đại công trường đang hoạt động sôi nổi. Các máy xúc vang lên tiếng, gào rú mạnh mẽ, lấp đầy chiếc xe tải đầu kéo nối đuôi nhau, sẵn sàng đón "hàng". Suốt từ sớm đến chiều tà, đại công trường không ngừng làm việc, không một phút giây nghỉ ngơi.

Rầm rộ múc đất đá năm 2019 (ảnh trên) và hiện tại (ảnh dưới).

Rầm rộ múc đất đá năm 2019 (ảnh trên) và hiện tại (ảnh dưới).

Những chiếc xe từ đại công trường này di chuyển ra quốc lộ 12B, rồi rẽ vào quốc lộ 1A, vượt qua một số trạm CSGT, đi đổ đất đá san lấp một dự án đang thực hiện bán đấu giá ở huyện Yên Khánh, Ninh Bình.

Công trình kiên cố, bể bơi được xây dựng không phép tại đồi Ba Mào. Ảnh: N.B

Công trình kiên cố, bể bơi được xây dựng không phép tại đồi Ba Mào. Ảnh: N.B

Năm 2019, thời điểm ông Dương Đức Đằng làm Chủ tịch UBND TP Tam Điệp từng trả lời Tiền Phong về khu vực đồi Ba Mào rằng, đã giao cho Chánh Văn phòng, ông Tống Đức Thuận xử lý vụ việc này. Ông Thuận nói rằng mỏ đất đá đã hết phép, đang trong quá trình làm thủ tục cấp lại. UBND TP Tam Điệp chỉ đảm bảo an ninh, trật tự và giám sát, trong khi quá trình cấp phép mỏ rất khó khăn và một số trường hợp có thể đã tham gia đào trộm.

Năm 2008, UBND xã Quang Sơn đã đề nghị thu hồi đất từ Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để giao cho Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất thuê khai thác trong 3 năm. Vào tháng 11/2008, UBND tỉnh Ninh Bình quyết định thu hồi 10.000m2 đất để giao cho công ty này.

Sau đó, Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất được UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép thăm dò mỏ đất đá hỗn hợp vào tháng 6/2011 và khai thác chính thức từ tháng 8/2013, kết thúc vào năm 2016.

Đức Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-vuon-be-boi-moc-len-o-cong-truong-khai-thac-khoang-san-het-phep-post1656042.tpo