'Nhạc chế' TikTok remix nhạc vô tội vạ, xúc phạm nhân vật lịch sử
Hashtag #chubeloatchoat với đoạn nhạc cùng tên trending trên TikTok hiện đang bị cư dân mạng chỉ trích gay gắt vì lố lăng, thô tục.
Những ngày qua, bản nhạc chế từ bài thơ Lượm khiến netizen dậy sóng. Bài thơ về hình ảnh chú bé liên lạc anh dũng trong thời kỳ kháng chiến bị chế thành bài rap nhảm nhí.
Bài rap do 2see thực hiện và được remix bởi DJ FWIN. Hashtag #Chubeloatchoat gắn với bài rap này đã hút 18,4 triệu lượt xem. Có video lên tới 10 triệu lượt xem. Trong nhiều video, các TikToker tạo dáng lố lăng, đứng lên bàn ghế, mặc áo dài tạo dáng thô tục hoặc mặc bikini.
Ngoài ra, phần lời của đoạn nhạc cũng khiến nhiều người khó chịu khi đem hình ảnh biểu tượng cho tinh thần yêu nước, anh dũng của dân tộc ra "chế cháo", giễu nhại, cùng một mớ hổ lốn ca dao thành ngữ chế vô nghĩa.
Cụ thể, lời bài nhạc như sau: “Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi / Gió đưa cành trúc thật Prada / Trên mạng đang hot trend gì vậy ta / Họa hổ họa bì gian nan họa cốt / Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương / Cười người hôm trước hôm sau người cười / Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10 / Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều”.
Trên nhiều diễn đàn, nhiều người dùng bức xúc trước làn sóng bắt trend "bất chấp" này. Một người dùng nhận định, trên phần nhạc Hip-Hop dồn dập, các lời rap cứ tuôn ra như “đổ a-xít vào tai người nghe”.
Ngay sau khi nhận về "bão phẫn nộ", DJ FWIN đã gỡ bỏ bản nhạc trên, đồng thời thừa nhận bản thân đã lơ là trong việc tự kiểm duyệt nội dung cá nhân. Về phía rapper 2See cũng đã ẩn sản phẩm. Theo 2See, bài nhạc được thực hiện và cho ra mắt từ cách đây 2 năm. Khi đó, trào lưu "thơ chế" đang được ưa chuộng trong cộng đồng mạng. Hưởng ứng trào lưu, 2See lượm nhặt các câu trên mạng và ghép lại với nhau để làm thành bài nhạc. Rapper này khẳng định mình chỉ muốn làm ra sản phẩm để giải trí. 2see nói thấy có lỗi và hối hận khi chế bài thơ Lượm thành bản rap theo hướng không phù hợp.
Bạn Ngô Si Ghem (sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) bày tỏ sự phẫn nộ về bài nhạc đang trending trên TikTok này: “Bản thân mình lúc nhỏ khi được học bài thơ Lượm đã rất xúc động và cảm phục hình tượng cậu bé liên lạc hy sinh quên mình để làm nhiệm vụ giao liên rất quan trọng. Cho nên khi bài rap có đoạn chế lời báng bổ như vậy khiến mình cảm thấy rất khó chịu và bức xúc”.
Khi được hỏi về vấn đề này, bạn Bùi Kim Quỳnh Giang (18 tuổi, ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), đưa ra một góc nhìn so sánh: “Có thể tác giả của bài hát có dụng ý muốn tận dụng nguồn chất liệu văn học phong phú của Việt Nam để khiến cho bài hát thêm sinh động và truyền cảm. Song, với mình thì nó đã quá giới hạn. Cùng trường hợp như vậy, nhưng có rất nhiều nghệ sĩ và sản phẩm nghệ thuật vừa phá cách vừa đảm bảo tinh thần truyền thống, dân tộc và tôn trọng bản gốc hơn”.