Nhạc kịch 'bừng sáng' sân khấu Thủ đô
Nhạc kịch bấy lâu vốn là thể loại 'chơi sang' của làng sân khấu, trong đó có Hà Nội, hiếm xuất hiện ào ạt trong một năm. Bởi ở đó, các nghệ sĩ không chỉ hát mà còn thoại, diễn xuất và nhảy múa hòa cùng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng trong một vở diễn xuyên suốt. Vậy mà, trong năm qua, liên tiếp các vở nhạc kịch ra mắt, làm 'bừng sáng' sân khấu Thủ đô, đưa công chúng qua nhiều cung bậc cảm xúc thú vị.
Vở nhạc kịch “Trại hoa vàng”.
Từ cổ điển đến hiện đại
Những buổi diễn đầu vở nhạc kịch kinh điển thế giới “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vào tháng 11-2020 trở thành hiện tượng trong đời sống văn nghệ Thủ đô. Các tấm vé được săn lùng như tài sản quý giá. Đến mức, khi chưa diễn xong đợt đầu, nhà hát đã công bố sẽ diễn tiếp 4 đêm vào đầu năm 2021 và những suất diễn này cũng nhanh chóng “cháy vé”, hứa hẹn sẽ còn nhiều đêm diễn tiếp theo.
“Những người khốn khổ” của đại văn hào Pháp Victor Hugo được nhà soạn nhạc Claude-Michel Schonberg chuyển thể thành vở nhạc kịch cùng tên vào năm 1985. Vở nhạc kịch này đã được dàn dựng và biểu diễn ở nhiều quốc gia nhưng phải đến năm 2020, lần đầu tiên, tại “thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Lớn Hà Nội, công chúng Thủ đô được thưởng thức trực tiếp vở nhạc kịch bất hủ trên do các nghệ sĩ Việt Nam thể hiện. Đó không phải là bản Việt hóa, mà theo Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Tổng đạo diễn vở nhạc kịch, âm nhạc, trang phục, tên nhân vật, cốt truyện và cả ngôn ngữ cũng hoàn toàn bằng tiếng Anh để giữ được “linh hồn” của tác phẩm kinh điển. Và vì thế, khi âm nhạc vang lên, cánh màn nhung mở ra, khán giả trải qua hai giờ đầy rung động với câu chuyện đầy tính nhân văn, xóa nhòa ranh giới về không gian và thời gian, sắc tộc và văn hóa. Các nhân vật Jean Valjean, Javert, Fantine, Cosette… bước sống động từ trang sách lên sân khấu. Đặc biệt hơn, vở diễn ra mắt trong bối cảnh toàn thế giới đang đấu tranh với dịch Covid-19, càng làm tư tưởng đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai của tác phẩm “Những người khốn khổ” thêm giá trị.
Cũng vào cuối năm 2020, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long công diễn vở nhạc kịch với phong cách hiện đại, có thể cảm nhận ngay từ cái tên: “Tôi đọc báo sáng nay”. Vở diễn từ ý tưởng của nữ ca sĩ Phạm Khánh Linh, do nhạc sĩ Dương Cầm đạo diễn, cùng tập thể nghệ sĩ nhà hát sáng tạo. Bắt đầu từ quán trà đá trong phố cổ - nơi mọi người thường tụ tập qua lại để đọc báo, hóng tin tức, những câu chuyện đời sống như yêu đương, va chạm hay điện nước, giá cả… đến những vấn đề thời sự như dịch Covid-19, môi trường, bão lũ… được kể bằng 100% sáng tác âm nhạc của các tác giả trẻ Việt Nam. “Chất” Hà Nội thấy rõ trong cách bài trí sân khấu, cách trò chuyện, ứng xử của từng nhân vật, đặc biệt là giai điệu, lời hát. Tất cả nghệ sĩ đều chuyên về ca hát và vũ đạo, nhưng họ diễn xuất, hội thoại rất tự nhiên, gần gũi và lay động. Chị Nguyễn Lan Phương (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ rất dí dỏm: “Một vở diễn quá “mặn”, đánh thức nhiều cảm xúc trong tôi, khiến tôi khóc cười đến tận cùng. Hà Nội cần thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật đậm đà như thế”.
Nhà hát Tuổi trẻ cũng khuấy đảo sân khấu Thủ đô với vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Qua những tình tiết nhẹ nhàng, những bài hát trong trẻo, sâu lắng, sân khấu vừa sôi động, vừa lãng mạn, “Trại hoa vàng” cuốn hút khán giả trẻ và truyền được thông điệp về chọn nghề, khởi nghiệp hiệu quả.
Vở nhạc kịch “Tôi đọc báo sáng nay” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.
Thăng hoa trên đất rồng bay
Nhạc kịch là loại hình sân khấu biểu đạt một câu chuyện bằng âm nhạc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Loại hình này không đòi hỏi kỹ thuật cao như opera mà chắt lọc những nét tinh túy của nhiều loại hình nghệ thuật, gắn với đời sống, mang “hơi thở” thời cuộc, nên dễ tạo nên sự “bùng nổ” cảm xúc và đạt được nhiều đích đến nghệ thuật.
Còn nhớ, hơn 8 năm trước, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh cùng các bạn trẻ Hà Nội đã khởi đầu những mùa hè sôi nổi trên sân khấu nhạc kịch Thủ đô với tác phẩm “Góc phố danh vọng”. Tình huống kịch tính, vũ đạo sôi động, ca khúc bay bổng quen thuộc của nước ngoài được viết lời Việt, dàn nhạc chơi trực tiếp trên sân khấu… - tất cả đã cuốn hút khán giả Thủ đô, đặc biệt là những người trẻ vốn ít có thói quen đến sân khấu. Họ tìm mua vé, chờ đợi, hẹn hò, ăn mặc thật đẹp để được góp mặt trong nhà hát. Đó mới chỉ là sản phẩm của những người trẻ chưa phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp (dù họ làm rất chuyên nghiệp), nhưng đã đo được nhu cầu và khát khao thưởng thức loại hình nghệ thuật này của công chúng Thủ đô.
Song, để thực hiện được một tác phẩm nhạc kịch hoàn chỉnh không hề đơn giản, đòi hỏi sự đầu tư về nhân lực, vật lực, trí tuệ, thời gian và trên tất cả là sự đoàn kết của cả tập thể. Ngay như ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam - đơn vị nghệ thuật hàn lâm hàng đầu trong nước, cũng phải nỗ lực và quyết tâm vượt bậc mới có thể dàn dựng thành công vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”. Được đào tạo và làm việc ở hai trung tâm nhạc kịch quốc tế tại Mỹ, đạo diễn Nguyễn Triều Dương từ Anh và biên đạo múa Linh An đều chung nhận định, điều khó nhất khi thực hiện một vở nhạc kịch ở Việt Nam là kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu. Các nghệ sĩ Việt Nam hát rất tốt, nhưng lại thiếu kỹ năng diễn xuất. Vì vậy, đạo diễn và biên đạo múa phải lăn lộn nhiều tháng trời để cùng diễn viên hoàn thiện. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - vị chỉ huy dàn nhạc duy nhất của vở nhạc kịch, không chỉ đứng liên tục trong toàn bộ các buổi diễn, mà còn nhiều đêm không ngủ soạn bài cho từng nhạc công, từng ca sĩ, để phù hợp với khả năng và thế mạnh của mỗi người…
Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”.
Các nghệ sĩ tham gia sáng tạo vở nhạc kịch “Tôi đọc báo sáng nay” cũng đã không ít lần thay đổi, điều chỉnh kịch bản, thậm chí có những cuộc tranh luận “nảy lửa” để mang một tác phẩm nhạc kịch hoàn chỉnh lên sân khấu. Nhạc sĩ Dương Cầm bộc bạch: “Chúng tôi gửi tình yêu với Hà Nội qua câu chuyện âm nhạc. Có những hiểu lầm, có những cãi vã…, nhưng tất cả lại gắn kết bằng tình yêu và sự đam mê”. Ca sĩ Bảo Trâm cũng cho biết, quan trọng là nghệ sĩ được thử sức, được sống hết mình với nghệ thuật và mỗi ngày một trưởng thành hơn trong nghề.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam bày tỏ: “Điều nuối tiếc nhất chúng tôi nhận ra là đã không thực hiện những vở nhạc kịch tuyệt vời như vậy sớm hơn cho công chúng Việt Nam. Và “Những người khốn khổ” mới chỉ là khởi đầu...”. Cùng chung quan điểm, Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chia sẻ thêm: “Nhà hát đang chuyển mình mạnh mẽ bằng những chương trình mang hơi hướng nhạc kịch. Tuy đây không phải là xu hướng mới trên thế giới, nhưng còn hiếm ở Việt Nam. Chắc chắn, các tác phẩm của chúng tôi sẽ luôn khác biệt bởi chất Hà Nội đậm sâu”.
Mùa xuân này, sân khấu Thủ đô sẽ còn tiếp tục "bừng sáng" với những tác phẩm nhạc kịch mới mẻ, đa dạng, từ cổ điển đến đương đại, từ câu chuyện quốc tế đến nét riêng Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả. Và những tác phẩm mới cũng đang được hứa hẹn sớm thăng hoa trên mảnh đất rồng bay.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giai-tri/991010/nhac-kich-bung-sang-san-khau-thu-do