Nhạc kịch học sinh kín vé mùa dịch
Đưa nhạc kịch đến gần hơn với trẻ em và góp phần phổ biến nhạc kịch tại Việt Nam - Đó là mong muốn của một nhóm những người đam mê nhạc kịch, loại hình nghệ thuật nổi tiếng ở phương Tây nhưng lại chưa thật phổ biến ở Việt Nam.
Tác phẩm phương Tây phiên bản Việt Nam
Khác với không khí ồn ào, căng thẳng sau cánh gà, khi tấm màn nhung mở ra, âm nhạc nổi lên, những “nghệ sĩ nhí” ùa ra sân khấu, hòa mình vào những vai diễn. Có cậu bé, sát giờ diễn vẫn còn mè nheo mẹ “Con mệt lắm!” thì nay hào sảng cất tiếng hát, cùng những biểu cảm xuất thần trên gương mặt. Có cô bé vừa ngúng nguẩy không chịu bôi son, nay đang ngồi thụp trên sân khấu, nhập vai hoàn toàn trong trích đoạn lấy nước mắt người xem.
Nếu không nhờ sự có mặt của các diễn viên nhí người Việt, hẳn người xem sẽ tưởng “Cô bé bán diêm” trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ là một dự án nhạc kịch nào đó của phương Tây. Thực ra, đây là sản phẩm nghệ thuật hoàn toàn “made in Vietnam” của nhóm HAY (Hanoi Arts for Youth), từ kịch bản, diễn viên đến âm nhạc, vũ đạo. Hơn 40 diễn viên nhí đều là học sinh tiểu học và trung học đến từ các trường trên địa bàn Hà Nội, hầu như chưa từng diễn kịch, chưa từng học thanh nhạc hay nhảy múa. Vậy mà, chỉ sau 6 tháng tập luyện cùng nhau vào cuối tuần, đã làm nên một vở nhạc kịch khá chuyên nghiệp, hoành tráng và diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Nhạc kịch vốn là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, đòi hỏi tài năng và tính sáng tạo cao, diễn viên đồng thời phải giỏi tiếng Anh, diễn xuất tốt, vừa hát vừa nhảy múa. Bởi vậy, ngay với các nghệ sĩ chuyên nghiệp ở Việt Nam, nhạc kịch vẫn còn là một “lãnh địa” khá mới mẻ.
Nhóm Hanoi Arts for Youth thành lập từ năm 2018, gồm các thành viên đến từ nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau nhưng cùng có mối quan tâm chung là nghệ thuật. Nhóm lựa chọn các dự án nhạc kịch thiếu nhi chuyển thể từ các tác phẩm văn học kinh điển Châu Âu nhưng với kịch bản và âm nhạc hoàn toàn mới, mang phong cách và triết lý của người Việt.
“Ban đầu, chúng tôi chỉ đơn giản muốn làm điều gì đó vui vẻ cho các bạn nhỏ, tạo môi trường để các em luyện khả năng tiếng Anh, cũng như thúc đẩy rèn luyện sáng tạo, thay vì dành quá nhiều thời gian cho máy tính, mạng xã hội… Nhưng ngay sau mùa đầu tiên, dự án đã thu hút sự đóng góp về trí tuệ, thời gian cũng như vật chất của cả học sinh và phụ huynh. Điều đó giúp chúng tôi có thêm động lực để làm tiếp mùa 2, mùa 3. Vở nào chúng tôi cũng có khoảng 16- 18 bài hát được sáng tác mới hoàn toàn, vũ đạo mới, gửi gắm những thông điệp nhân văn”, chị Hoàng Hường (Người sáng lập và điều hành trung tâm Hanoi Arts for Youth) chia sẻ.
Dự án đầu tiên của nhóm vào năm 2018 là vở nhạc kịch “Matilda” (chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Anh Roald Dahl) thu hút 60 em học sinh tham gia đã tạo được tiếng vang trong dư luận. Thừa thắng xông lên, năm 2019, nhóm tiếp tục cho ra mắt nhạc kịch “Matilda” mùa 2 và nhạc kịch “Không gia đình” (chuyển thể từ truyện Sans famille của nhà văn Pháp Hector Malot).
Năm 2020, với hơn bên cạnh việc chuẩn bị cho “Matilda” mùa 3 và “Không gia đình” mùa 2, nhóm đã ra mắt vở “Cô bé bán diêm” (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đan Mạch Andersen). Theo chia sẻ từ ê-kip, hai đêm đầu tiên của vở vào ngày 6 và 7/9 tại Nhà hát Tuổi trẻ đều bán hết sạch vé trước đấy một tuần. Một con số đáng mơ ước của các sân khấu trong mùa dịch. Nhưng không lạ đối với những dự án nhạc kịch của HAY. Năm 2018, vở “Matilda” mùa 1 đã phải tăng suất diễn sau 2 đêm “cháy vé”. Năm 2019, học trò cũng ngồi kín khán phòng trong những đêm diễn của HAY.
“Chuyện này là bình thường vì nhu cầu được xem nhạc kịch của học sinh là rất lớn. Trước nay, người ta vẫn mặc định chỉ trường quốc tế mới có nhạc kịch, mà lại chỉ diễn trong nội bộ trường nên nhiều khi mình muốn cho con đi xem cũng khó”, chị Minh Phương, một khán giả của vở “Cô bé bán diêm” nhận định.
Khai phá bằng nhạc kịch
Giám đốc dự án Hoàng Hường cho biết, HAY lựa chọn nhạc kịch vì tính kết nối, kích thích sáng tạo: “Nhạc kịch khó nhưng tiêu chí đầu tiên chúng tôi lựa chọn không phải các bạn diễn giỏi, hát hay, thậm chí tiếng Anh cũng không cần quá xuất sắc, mà cái chính là đam mê, yêu thích. Bởi vì điều chúng tôi muốn thực hiện là cùng các em khai phá những điều ẩn chứa bên trong mình, thông qua không khí của âm nhạc, lời hát, điệu nhảy... Thực sự, dự án là nhạc kịch nhưng không phải kịch là chính, mà đó là một dự án học tập, tiếp cận nghệ thuật”.
Nhạc kịch có thể mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ bởi đặc thù kết hợp nhiều bộ môn khác nhau: diễn xuất, hát, nhảy múa, tiếng Anh. Không những các em được hòa mình, hóa thân vào các nhân vật yêu thích, mà còn có cơ hội tìm hiểu văn học, nhạc kịch, lịch sử, văn hóa nước ngoài một cách thoải mái và hào hứng. Chị Hiền, phụ huynh của một học sinh tham gia dự án “Cô bé bán diêm”, xúc động: “Nhìn thấy con tự tin đứng trên sân khấu, biểu diễn bằng tiếng Anh như các bạn học trường quốc tế là niềm vui và tự hào của cả gia đình. Chưa kể, qua quá trình luyện tập và biểu diễn, con nhận thấy và học được ở nhân vật những điều tốt đẹp".
“Quá trình tham gia học được nhiều thứ. Có em buổi đầu đi thử vai khóc om sòm, ôm chặt mẹ, không dám casting. Sau mấy tháng, em tự tin lên sân khấu diễn trước hàng ngàn người. Đó mới là cái mọi người thu được nhiều nhất. Đó mới là điều cần hướng tới”, nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng (Nhà hát Tuổi trẻ) - người huấn luyện diễn xuất nhạc kịch cho các dự án của HAY chia sẻ.
Một điểm mới của dự án năm nay là lần đầu tiên kết hợp nhóm nhạc kịch 46 học sinh và dàn hợp xướng 40 người không chuyên gồm cả những người cao tuổi, LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới), người khuyết tật. “Bản thân dàn hợp xướng này mang tên là Đa dạng, nó sinh ra để tôn trọng sự khác biệt. Vở diễn có thêm hợp xướng sẽ có bè dày lên, thay vì chỉ một, hai người hát. Trước đây, nghệ thuật vẫn được coi là sân chơi của một nhóm gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp chỉ dành cho con em nghệ sĩ và một số cá nhân nổi bật. Nhưng với HAY, chỉ cần mọi người đam mê đều được khuyến khích và đào tạo, có cơ hội biểu diễn”, chị Hoàng Hường cho biết thêm.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhac-kich-hoc-sinh-kin-ve-mua-dich-1720490.tpo