Nhạc kịch 'Sóng' - Kỳ vọng những thể nghiệm mới mẻ
Trong tháng 3 này, đúng tháng tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ chính thức công diễn 'Sóng' - vở nhạc kịch thuần Việt lấy cảm hứng vẻ đẹp trong thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Tác phẩm được đánh giá nóng hổi tính thời đại, với những thử nghiệm mới mẻ.
Làm mới và tô đẹp thơ Xuân Quỳnh
Nói về thông điệp chuyển tải qua “Sóng”, Tổng đạo diễn, NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cô đọng trong mấy từ ngắn gọn “ước mơ và tình yêu”. Theo chị, ai cũng có ước mơ và tình yêu với ước mơ của mình, bởi khi có tình yêu thì con người ta mới dám hy sinh, mới dám chấp nhận khó khăn để đạt được ước mơ mà mình hoài bão vươn tới. NSƯT Cao Ngọc Ánh cho biết, chị có đồng cảm rất lớn đối với chữ “ước mơ và khát vọng” nằm trong thơ Xuân Quỳnh.
“Xuân Quỳnh luôn luôn có những ước mơ, những khát vọng. Và người phụ nữ để thực hiện được những ước mơ của mình luôn khó khăn gấp đôi đàn ông nên người phụ nữ phải dám đấu tranh, dám hy sinh và cả kiên định nữa mới đạt được những ước mơ đó của mình”, NSƯT Cao Ngọc Ánh chia sẻ.
Để chuyển tải thông điệp này, NSƯT Cao Ngọc Ánh đã chọn cách làm mới và chắp cánh cho thơ Xuân Quỳnh bằng âm nhạc. Đặc biệt, trong “Sóng”, hình tượng thuyền và biển được khai thác như người kể chuyện để khắc họa cuộc đời và những thăng trầm của nữ thi sĩ. Là bài hát chủ đề xuyên suốt vở nhạc kịch, ca khúc “Thuyền và biển” được phối khí biến hóa, phù hợp với tâm trạng của nhân vật, tình tiết diễn tiến của câu chuyện. Khán giả sẽ được nghe “Thuyền và biển” lúc êm đềm ngọt ngào, lúc vui tươi háo hức và cũng có lúc cuộn trào dữ dội.
Ngoài “Thuyền và biển”, trong “Sóng”, các nhạc sĩ Minh Đạo, Tường Văn đã phổ nhạc cho hơn 15 bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ như “Sóng”, “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”, “Tự hát”, “Mắt của trời xanh”, “Nhà chật”...
“Chắc hẳn là những người yêu thơ Xuân Quỳnh khi xem “Sóng” họ sẽ thấy thơ của bà được tô đẹp hơn, được truyền tới khán giả với một cung bậc nữa thông qua âm nhạc và thông qua những lớp diễn”, NSƯT Cao Ngọc Ánh nói.
NSƯT Cao Ngọc Ánh cho biết, điều mới mẻ và cũng là điều mà chị tâm đắc nhất là phần âm nhạc của “Sóng”, bởi trong thể loại nhạc kịch, âm nhạc gần như là linh hồn, là kịch tính, là xương sống của vở diễn. Trong vở này, tất cả phần lời của ca khúc đều sử dụng thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, kể cả những câu thoại.
Các nghệ sĩ tập luyện vở nhạc kịch “Sóng” để chuẩn bị công diễn vào trung tuần tháng 3/2022. Ảnh: Ðình Trung
“Có thể nói đây là sự sáng tạo rất mới mẻ bởi vì thường khi các nhạc sĩ phổ nhạc một bài thơ chỉ dùng ý thơ thôi, để làm sao có thể chủ động trong giai điệu của mình. Nhưng ở đây, chúng tôi đều cố gắng giữ nguyên bản các bài thơ, có bài chỉ sửa một từ thôi, đó là sự kỳ công của ê-kíp dựng vở”.
NSƯT Cao Ngọc Ánh cho biết, chị bắt tay xây dựng vở nhạc kịch “Sóng” từ năm 2021. Nói về việc chọn thơ Xuân Quỳnh làm cảm hứng sáng tạo, chị bộc bạch rằng, chị đã đọc thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, càng đọc càng bị cuốn vào và thấy mảng thơ của hai người rất đẹp. Theo chị, hầu như ai cũng thuộc ít nhất một vài câu thơ của Xuân Quỳnh vì thấy mình ở trong đó, nhất là phụ nữ, xuất phát từ đó, chị đã ấp ủ ý tưởng làm Sóng.
Chia sẻ thêm về việc “làm mới” câu chuyện cũ mà nhiều người đã biết, những sự kiện xảy ra cách đây vài chục năm, do đó, làm sao để có cái mới, để kéo khán giả đến rạp, NSƯT Cao Ngọc Ánh cho rằng, trong 120 phút của vở diễn, không thể kể hết cuộc đời cũng như những cung bậc cảm xúc của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ vì họ sống trong giai đoạn chiến tranh, hậu chiến tranh và bao cấp, rất xa bây giờ.
“Sóng” lấy cảm hứng về vẻ đẹp trong thơ Xuân Quỳnh và cuộc đời của bà nhưng tất cả các công đoạn của vở diễn, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được làm sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời. “Sóng” lại được thể hiện bằng thể loại nhạc kịch, nơi hội tụ tất cả các yếu tố nhảy múa, diễn xuất, ca nhạc… Đồng thời, Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng với phong cách hiện đại, sử dụng các kỹ thuật sân khấu mới, kỹ xảo hiện đại để đánh thức, trợ giúp thêm thị giác khán giả.
“Tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật mà phải là một sản phẩm nghệ thuật. Nếu như đã có một sản phẩm tốt thì tôi tin là sẽ có khán giả đến với mình”, NSƯT Cao Ngọc Ánh tự tin.
Hướng tới việc đưa công nghiệp văn hóa vào sân khấu
Theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, Nhà hát Tuổi trẻ đặt mục tiêu xây dựng “Sóng” là vở nhạc kịch thuần Việt mang tính thời đại với ê-kíp thực hiện cũng như cốt truyện đậm chất Việt. Nhà hát cũng hy vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch nước nhà bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn và trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch “made in” Việt Nam.
Tham gia dàn dựng “Sóng” có đội ngũ khá hùng hậu gồm Tổng đạo diễn NSƯT Cao Ngọc Ánh, đạo diễn sân khấu Duy Anh, nhạc sỹ Minh Đạo, Tường Văn, thiết kế sân khấu Phùng Nam Thắng…
“Sở dĩ gọi “Sóng” là vở nhạc kịch thuần Việt bởi ê-kíp do 100% người Việt sản xuất, sáng tạo và biểu diễn. Với “Sóng”, Nhà hát Tuổi trẻ mong muốn tìm ra một phương thức mới ngay từ khâu tuyển chọn diễn viên, đào tạo bài bản, sáng tác âm nhạc riêng biệt, xây dựng kịch bản, vũ đạo cùng công tác truyền thông, hậu sản xuất đều được đầu tư đúng nghĩa”, NSƯT Cao Ngọc Ánh cho hay.
Điều đó lý giải dù Nhà hát Tuổi trẻ có những diễn viên đã có “thương hiệu” nhưng khi làm “Sóng”, Nhà hát vẫn tổ chức casting rộng rãi để chọn diễn viên. Để chọn vai nữ chính Xuân Quỳnh, có tới 6 gương mặt ở vòng casting, nhưng cuối cùng Thu Thảo (hiện đang là sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội) được chọn. Ca sĩ Sao Mai Lê Việt Anh cũng là diễn viên ngoài Nhà hát, được chọn vào vai Đăng Dương (nguyên mẫu Lưu Quang Vũ).
Ðạo diễn sân khấu Duy Anh (bên phải) chỉ đạo nghệ sỹ trẻ Thu Thảo (vai Xuân Quỳnh). Ảnh: Ðình Trung
Theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, đây là thử nghiệm tạo sự công bằng cho diễn viên và tạo động lực cạnh tranh lành mạnh. Với việc này, Nhà hát Tuổi trẻ cũng tạo cơ hội cho lớp diễn viên trẻ thể hiện khát vọng và khả năng của mình, đồng thời chuẩn bị cho chặng đường dài hơn, với kỳ vọng đào tạo, xây dựng được lớp diễn viên nhạc kịch chuyên nghiệp.
Cũng thông qua việc làm “Sóng”, Nhà hát Tuổi trẻ kỳ vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch ở Việt Nam bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn cũng như trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch hiện đại. Tuy nhiên, theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, khi sản xuất vở diễn còn rất nhiều vấn đề, từ con người, vật chất cho đến vận hành,… nên câu chuyện xã hội hóa, câu chuyện đồng hành cũng được Nhà hát Tuổi trẻ tính đến.
“Trước đây, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam gần như không có và ít được nhắc tới, tuy nhiên gần đây đã được Nhà nước định hướng rõ nét hơn nhưng vẫn là khái niệm tương đối mới. Làm “Sóng” chính là Nhà hát Tuổi trẻ đang thể nghiệm việc đưa công nghiệp văn hóa vào sân khấu”.
NSƯT Cao Ngọc Ánh cho biết thêm, trong quá trình làm “Sóng”, cá nhân chị và ê-kíp gặp rất nhiều thử thách. Thể loại nhạc kịch dù đã xuất hiện ở Anh 300 năm, ở Mỹ cũng hơn 100 năm nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, đạo diễn chuyên sâu về nhạc kịch được đào tạo bài bản hầu như không có. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã khiến việc tập vở vô cùng khó khăn, vở diễn đã phải kéo lui thời gian ra mắt gần 1 năm. Trong bối cảnh ấy, cá nhân chị có thể chọn hướng đi khác, cách làm khác, nhưng chị vẫn quyết tâm làm, bởi chị nhận thấy: “Trên con đường mới đang phát quang này tôi không đi một mình”.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhac-kich-song--ky-vong-nhung-the-nghiem-moi-me-post183730.html