Nhạc kịch tưng bừng sân khấu Việt
Thời gian vừa qua, nhiều vở nhạc kịch đã xuất hiện trên sân khấu Việt Nam thông qua các hình thức từ mua bản quyền rồi Việt hóa đến kịch bản thuần Việt… Điều này đã mang đến cho đời sống sân khấu sự đa dạng với hình thức thể hiện mới và tiệm cận xu hướng quốc tế.
Đa dạng về nội dung
Đầu tháng 8 vừa qua, khán giả yêu sân khấu Thủ đô đã có 2 đêm mãn nhãn với một ê kíp dàn dựng công phu từ âm nhạc, diễn viên đến sân khấu của vở nhạc kịch “Shrek”. Điều đáng nói là hầu hết các bạn diễn viên tham gia biểu diễn trong nhạc kịch này đều là học sinh, sinh viên đang học tại các trường của Hà Nội nhưng lại mang đến một tác phẩm chuẩn nhạc kịch Broadway. Trước đó, vở kịch này cũng đến với khán giả thành phố Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 7. “Shrek” là dự án nghệ thuật lớn và được nhà sản xuất The YOUniverse mang về Việt Nam từ năm 2023, dưới hình thức mua bản quyền.
Quay trở lại Việt Nam vào năm 2024, Shrek được cấp quyền trọn vẹn từ Broadway (Mỹ). Theo chia sẻ của đại diện YOUniverse trên báo chí thì “Shrek” mang một tham vọng lớn hơn là sẽ được mang đi lưu diễn cả nước. Sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là sẽ tới với khán giả của các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang. Đặc biệt, vở diễn sẽ không ngừng đổi mới qua mỗi đợt biểu diễn
Trước đó, vào tháng 5, vở nhạc kịch “Người cầm lái” do Nhà hát Kịch Công an nhân dân và Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân đầu tư thực hiện đã thêm một lần nữa ra mắt khán giả. Đây là tác phẩm đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước đó đã được ra mắt khán giả lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trở lại khán giả sau 2 năm, vở nhạc kịch “Người cầm lái” được đầu tư, bổ sung và hoàn thiện hơn so với trước như tận dụng và khai thác tốt hơn thế mạnh của công nghệ hiện đại cũng như đầu tư về nghệ thuật, dàn dựng.
Tại TP Hồ Chí Minh thì mới đây nhất, trong khuôn khổ “Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh” lần thứ 2 tại cảng Nhà Rồng, đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã đảm nhiệm đạo diễn phần nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại”. Đây được ví như một bộ phim về lịch sử và văn hóa Việt Nam, tôn vinh các giá trị truyền thống và tinh thần yêu nước...
Cuối tháng 6, Đoàn Ca múa Hải Phòng cũng đã chính thức ra mắt vở nhạc kịch “Bỉ vỏ”, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng. Vở kịch được dàn dựng với thời lượng 80 phút gồm 3 hồi, 15 cảnh tái hiện hình ảnh Hải Phòng - một thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Dương những năm 30 của thế kỷ trước thông qua bối cảnh, cùng số phận những nhân vật đã từng rất cuốn hút trong tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng. Một điều đặc biệt là những nghệ sĩ tham gia vào tác phẩm cũng đều là những người sinh ra, lớn lên ở vùng biển này, họ mang giọng nói Hải Phòng mạnh mẽ, hào sảng vào trong từng phân cảnh.
Trước đó, vào cuối năm 2023, vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” - chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào người Pháp Victor Hugo - cũng đã được công diễn tại Nhà hát thành phố Hải Phòng. Vở diễn được tái hiện trên sân khấu đầy ấn tượng trong 2 giờ đồng hồ với sự tham gia của hơn 150 nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cùng các thành viên Dàn Hợp xướng quốc tế Hanoi Voice kết hợp với dàn nhạc giao hưởng trình diễn trực tiếp và sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên các Đoàn nghệ thuật Hải Phòng.
Đầu tư vào dàn dựng
Theo các chuyên gia thì nhạc kịch là một loại hình sân khấu trong đó kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Nội dung và biểu cảm của nhạc kịch được thể hiện thông qua câu chữ, âm nhạc, vũ đạo và các thành phần khác của sân khấu, tất cả hợp thành một thể thống nhất. Đây là loại hình nghệ thuật đặc trưng và phổ biến ở các nước phương Tây. Những năm gần đây, nhạc kịch có những bước chuyển mình đặc biệt, thường xuyên được tổ chức biểu diễn tại sân khấu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ khiến cho đời sống sân khấu thêm phần phong phú, sôi động và khán giả có điều kiện thưởng thức, tiếp cận với những tác phẩm đỉnh cao, mang tiêu chuẩn quốc tế. Tại Việt Nam nhạc kịch có 2 dòng phổ biến là nhạc kịch do người Việt Nam sáng tác hoặc nhạc kịch được Việt hóa.
Việc thực hiện một tác phẩm nhạc kịch công phu và mất nhiều thời gian, công sức hơn nhiều so với một tác phẩm sân khấu thông thường. Đặc biệt là với những tác phẩm sáng tác mới thì tất cả các khâu đều cần đến sự dầy công sáng tạo. Với biên đạo Tuyết Minh khi thực hiện tác phẩm “Người cầm lái” là thành quả của một quá trình dài. Từ câu chuyện kịch bản, âm nhạc, lời hát, ca khúc đều được sáng tác dành riêng cho tác phẩm về Bác Hồ. Ngoài ra, tất cả các lời hát đều được biên tập, tuyển chọn sao cho khúc chiết, biểu cảm và kịch tính nhưng vẫn mang đậm bản sắc Việt Nam. Chất liệu, ngôn ngữ múa cũng là sự kết hợp giữa ngôn ngữ múa dân gian và đương đại cũng mang đến nét đặc sắc của Việt Nam.
Nhạc sĩ Lưu Quang Minh là người đảm nhiệm vai trò sản xuất âm nhạc cho vở kịch “Bỉ vỏ” đã rất kỳ công trong việc lựa chọn ca khúc. Để nhấn mạnh sự dữ dội của hiện thực xã hội cùng những giằng xé mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật, anh đã sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc như rock, funky hay cách điệu Jazz cùng một số kỹ thuật sáng tác chuyển điệu hòa thanh đột ngột…
Với mỗi vở nhạc kịch thì phần chọn nghệ sĩ tham gia luôn mất nhiều thời gian, công sức. Để có được gần 1.000 diễn viên chuyên và không chuyên tham gia vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” đạo diễn Phạm Hoàng Nam phải tìm những nghệ sĩ sân khấu có tiếng, hiểu biết, cảm nhận sâu sắc các sự kiện lịch sử. Ngoài tập luyện thì diễn viên phải có thời gian để thấu hiểu nhân vật trong bối cảnh lịch sử. Đặc biệt, việc tìm nghệ sĩ vào những vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ tịch Tôn Đức Thắng thật sự là một thách thức không nhỏ.
Những khởi đầu triển vọng
Dù nhiều khó khăn nhưng đã có không ít nghệ sĩ tâm huyết để nhạc kịch có một đời sống rộn rã trên sân khấu Việt. Trong sự phát triển của nhạc kịch tại TP Hồ Chí Minh phải kể tới nhóm kịch Buffalo mang đến cho công chúng nơi đây một loạt tác phẩm nổi tiếng cách đây cả chục năm như “Chicago”, “Tuyết đỏ”, “High School Musical” phiên bản Việt, “Vũ nữ”, “Tuyết Sài Gòn”, “Tấm Cám”, “Thủy tinh - Đứa con thứ 101”… Sân khấu Ideaf cũng ghi dấu ấn với “Tiên Nga”, “Ngàn năm tình sử”… Hay Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh mang đến cho khán giả nhí nhiều vở diễn chất lượng như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Quả phụ vui tính”, “Cuộc sống phải thế”, “Cây sáo thần”…
Nhiều vở diễn được công chúng yêu mến và giới chuyên môn đánh giá cao. Năm 2022, nhạc kịch cũng nở rộ với “Trại hoa vàng”, “Rồi tôi sẽ lớn” và “Sóng” của Nhà hát Tuổi trẻ. Mới đây nhất, Nhà hát hày cũng mang đến những tác phẩm dành cho lứa tuổi thơ như “Bữa tiệc của Elsa”, “Zorba - chú mèo thám tử”, “Đứa con yêu tinh”, “Bầy chim thiên nga”. Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng ghi dấu ấn bằng một loạt vở diễn kinh điển: “Mùa xuân thiêng liêng”, “Câu chuyện miền Tây”, “Những người khốn khổ”…
Một điều đáng nói là tình yêu nhạc kịch đã lan tỏa tới cả những người trẻ. Câu lạc bộ nhạc kịch G’lams của trường THPT Hà Nội - Amsterdam đã kiên trì bền bỉ trong 10 năm để thực hiện 10 vở nhạc kịch. Trong đó tất cả các khâu từ viết kịch bản, âm nhạc, tổ chức sản xuất đều do các em thực hiện. “Đèn trời rỗng”, “Người về nơi sóng lặng”, “Mưa bóng mây”… là những tác phẩm tiêu biểu cho thấy sự sáng tạo và đầy ắp ý tưởng trong sản phẩm của những người trẻ.
Theo nhà biên kịch Chu Thơm, nguyên Phó phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật - Biểu diễn, một trong những lý do khiến nhạc kịch hấp dẫn người làm nghề vì những lợi thế về âm nhạc, vũ đạo, đặc biệt là công nghệ phát triển khiến các đơn vị nghệ thuật có thể tận dụng nhiều hình thức biểu diễn, các yếu tố nghệ thuật được để gia tăng sức sáng tạo. Nhạc kịch được cho là mang đến sự tươi mới, nhiều năng lượng, đậm tính giải trí, tiệm cận đến với khán giả trẻ. Vì thế, những người làm sân khấu đã cố gắng để xóa bỏ quan niệm nhạc kịch là thể loại hàn lâm và khó thưởng thức bằng cách dựng nhiều vở thuần Việt phục vụ các khán giả tuổi teen.
Ngoài ra, kịch hát truyền thống vốn khá quen thuộc với người Việt cũng là sự kết hợp giữa cốt truyện với âm nhạc, vũ đạo. Việc phát huy di sản truyền thống của sân khấu kịch hát dân tộc đã khiến cho tác phẩm vốn là của phương Tây nhưng đậm hồn cốt Việt Nam.