Nhắc nhớ và tri ân công ơn của các Anh hùng Liệt sĩ
Ở Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) TPHCM vào những ngày tháng 7, chúng tôi chứng kiến những cuộc hội ngộ đặc biệt của các cựu chiến binh, những gia đình có thân nhân đã tham gia các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc; những người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Mỗi năm, cứ đến gần ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM (TP.Thủ Đức), người dân từ mọi miền Tổ quốc lại tìm về, thắp lên nén nhang thơm tỏ lòng biến ơn đến các Anh hùng Liệt sĩ đã không tiếc máu xương, dành lại độc lập tự do cho nước nhà.
Phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã có mặt ở Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM trong nhiều ngày cuối tháng 7 để ghi lại những khoảnh khắc, những câu chuyện ý nghĩa trong dịp đặc biệt, tri ân công ơn của các Anh hùng Liệt sĩ.
Trong những ngày có mặt tại NTLS TPHCM, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM được gặp gỡ hai chị em ruột vốn là những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn vang danh một thời: bà Phan Thị Thu (thương binh 2/4) và bà Phan Thị Hồng (thương binh 1/4).
Dù tuổi đã cao nhưng đều đặn gần 50 năm qua, cứ vào dịp 27/7 hai chị em bà Phan Thị Thu - Phan Thị Hồng lại cùng nhau đến NTLS TPHCM để thăm mộ phần của cha và các em trai, là những LS đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.
“Gia đình tôi có 7 anh chị em, tất cả đều tham gia Cách mạng, nhưng chỉ còn tôi và bà Hồng may mắn sống sót đến ngày đất nước giải phóng” - CCB Phan Thị Thu tâm sự và chia sẻ, trong một lần thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Củ Chi, bà bị trúng đạn, thương tổn nghiêm trọng ở đầu; còn bà Hồng không may bị địch bắt giữ, tra khảo dã man mong tìm được tung tích của tổ chức bí mật.
Dù trải qua biết bao trận đòn thừa sống thiếu chết nhưng nữ chiến sĩ biệt động vẫn quyết không khai nửa lời. Trước sự can trường ấy, những tên tay sai gian ác đã quyết định cưa sống chân phải của bà Hồng.
Sau ngày đất nước thống nhất, câu chuyện về hai chị em biệt động anh hùng mang trên mình nỗi đau thương, mất mát to lớn cả về thể xác lẫn tinh thần luôn truyền cảm hứng đặc biệt, nhắc nhở các thế hệ sau không quên về một thời oai hùng của đất nước. Giai đoạn mà biết bao Anh hùng LS đã ngã xuống, bất tử với thời gian.
Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Vinh từng tham gia chiến đấu ở Mặt trận 779 - chiến trường Campuchia. Ngày chiến tranh kết thúc, ông Vinh may mắn trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng người đồng đội từng một thời chung lưng đấu cật với ông, Liệt sĩ (LS) Dương Văn Niềm lại không may mắn như vậy!
Sau gần 40 năm, giờ đây ông Vinh mới thực hiện được tâm nguyện đến thăm phần mộ của người đồng đội cũ. Dõi về phía những ngôi mộ thẳng hàng nằm lặng lẽ giữa NTLS TPHCM, đôi mắt ông Vinh ngấn lệ: “Xung quanh đây đều là những đồng đội, đồng chí đã một thời trai trẻ gắn liền với tôi ở Mặt trận 779. Họ có người được gia đình tìm thấy, nhưng cũng có người vẫn mãi là LS vô danh…”.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nho-ve-cong-on-cua-cac-anh-hung-liet-si_150390.html