Nhạc rác lên ngôi?
Ca khúc 'Fever' của Coldzy và tlinh, đang gây sốc ngay cả với nhiều người trẻ, vì phần lời 'bá đạo'. Có người bảo đây là nhạc 'kích dục'. Người lại nói đó là nhạc 18+ không che…
Chính từ bài hát “Fever” nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải dán nhãn cảnh báo cho ca khúc, cho MV có tính bạo lực hoặc nặng mùi tình dục. Nhưng dán nhãn xem ra vẫn quá nhẹ nhàng, bao dung? Không có gì quá đáng, khi một số ý kiến đề nghị cần tẩy chay ngay lập tức những bài nhạc rác, vì chúng giống như “thuốc độc” đối với người nghe.
Sợ không ai nghe bèn dùng hạ sách?
Tình yêu vốn là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca, âm nhạc. Ngày trước, “thi sĩ tình yêu” Xuân Diệu viết về “Biển” với những chiếc hôn mãnh liệt đã được xem là mạnh bạo: “Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ, thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi/ Đã hôn rồi, hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt…”. Bên mảng ca khúc, nhạc sĩ trẻ mãi không già Đức Huy từng có ca khúc ăn khách một thời “Đừng xa em đêm nay” mùi mẫn: “Đừng xa em đêm nay khu phố quen đã ngủ say/ Đừng xa em đêm nay đêm rất dài/ Hãy yêu em đêm nay cho quên hết đi ngày mai/ Đừng xa em đừng xa em đêm nay”… Vì sao “Biển” của Xuân Diệu hay “Đừng xa em đêm nay” của Đức Huy có chỗ đứng vững chắc trong lòng người đọc, người nghe nhiều thế hệ? Có nhiều lý do nhưng chắc chắn có lý do này: Cả hai tác phẩm đều không tục tĩu, phản cảm. Gần đây, ca khúc “Martini” của Văn Mai Hương- Hứa Kim Tuyền nhắc đến việc “Quấn nhau đến gần sáng, tận sáng” cũng cần thiết dán nhãn để cảnh báo lứa tuổi khi thưởng thức nhạc phẩm song nó không trần trụi, miệt mài miêu tả chuyện sex như “Fever”.
Đây là một số câu trong ca khúc gây sốc được một tài khoản chép lại và chủ kênh YouTube Coldzy thả tim: “Áo hai dây buông lên sofa/ Nàng vội lại gần sát thêm/ Để đôi môi không còn khô/ Toàn thân ta tăng nhiệt độ/ Ướt át lúc đi vô/ Dù mưa nhưng không cần ô”; “Nằm lên giường cho chân gác lên vai”; “Từng tiếng kêu em đem rót vô tai/ Ngây ngất all night”; “Đôi tay lả lơi khám phá khắp nơi/ Cảm giác như sắp rơi”… Nhiều khán giả bình luận, không thể tưởng tượng lời ca khúc Việt bây giờ lại “bẩn” đến thế này: “Đoán xem lần này ai sẽ làm ướt đệm”; “Anh biết em ấm ở bên trong mà”…
Bạn trẻ 10X Đinh Ly (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi không thích ca khúc suồng sã. Mà phần nhạc cũng không đủ cuốn để lờ đi phần lời tục tĩu. Người ta cứ mặc định người trẻ thoáng nên dễ tiếp nhận những ca khúc như “Fever”, chẳng qua họ đang nhầm thoáng đồng nghĩa với thiếu văn hóa”. Một cô giáo dạy Văn, có con gái 15 tuổi, so sánh “Fever” với “Phiếu bé ngoan” ra đời cả chục năm trước và đánh giá: “Đều rác như nhau mà không hiểu sao vẫn có người nghe, còn khen rất hay mới lạ. Đáng nói lại đặt tên bài là “Phiếu bé ngoan” có khi lại khiến nhiều trẻ em và phụ huynh tưởng nhầm là ca khúc dành cho các em bé”. “Phiếu bé ngoan” từng bị một số “thượng đế” phản ứng gắt, xếp nó vào hàng thảm họa âm nhạc hoặc gây nhiễm trùng âm nhạc, vi phạm đạo đức, pháp luật: “Nhưng anh quên mất em là con gái mới mười bảy mười ba/ Nghe xong đoạn này đừng đòi lấy chồng kẻo mẹ lại la nha”. Theo khán giả Đinh Ly: “Nghệ sĩ đừng lợi dụng rap để bắn bừa bãi. Rap Việt vẫn nên mang hồn Việt. Tiếng Việt đẹp thế, người viết nếu giỏi phải chơi vần, chơi ẩn dụ mới hay. Đen Vâu được thích có lẽ vì thế: “Mộng mơ anh nhiều như niêu cơm của Thạch Sanh/ Ai muốn lấy cứ lấy, không thể nào mà sạch banh”. Cứ viết ca khúc trần trụi, người nghe còn xấu hổ thay”.
Phụ huynh Thu Hà (Hà Nội) nói: “Nghe “Fever” hay “Phiếu bé ngoan” như xem truyện sex rác tràn lan trên mạng. Không thể chấp nhận được. Tôi thấy bài Bigcityboi của rapper Binz còn tạm được, cùng lắm cũng chỉ là “Anh on top, em ở trên anh”; “ Trói em bằng cà vạt/ Penhouse trên Đà Lạt/ Nếu mà ngoan em sẽ bị thương/ Nếu mà hư em sẽ được phạt”. Tìm trong Bigcityboi ít ra còn có câu vui tai, thí dụ: “Nghiện thuốc lá có thể Lào Cai/ Nhưng nghiện em không thể nào cai”. “Fever” thì chẳng có gì, chỉ có tục”.
Một số ca khúc phản cảm ngay từ tựa đề bài hát thí dụ: “Như lời đồn” (sáng tác: Khắc Hưng). Đáng nói, trước khi “Như lời đồn” ra đời, Khắc Hưng đã có “Như cái lò” khiến người trong giới và khán giả khó tính lắc đầu. Hay Phạm Toàn Thắng với “Nắng cực”, chỉ cần đọc ngược đã làm người ta đỏ mặt. Thể hiện cái tôi, sự nổi loạn, phá cách trong âm nhạc bằng cách đặt tưạ̣ bài hát như thế có phải quá dễ dãi với bản thân và coi thường khán giả? Khi ồn ào tựa bài hát phản cảm nổ ra, một nhạc sĩ đánh giá: “Mong muốn bài hát được chú ý đến mức đánh đổi cả sĩ diện của mình lẫn cảm tình thật sự của khán giả dành cho bài hát, có đáng không? Không lẽ, bài hát bên trong dở đến mức sợ không có ai nghe nên mới dùng đến hạ sách này”.
Nghệ sĩ hay người nghe đều cần có ý thức
Một nhà thơ chuyên nghiệp bình luận về “Fever”: “Với một ca khúc, nhạc và lời luôn luôn là một chỉnh thể, chắp cánh và nâng nhau lên. Tách lời ra khỏi nhạc để phân tích sẽ là thiếu sót với tác phẩm, giống như khen hay chê một đoạn trích trong tác phẩm văn học vậy. Tuy nói vậy không có nghĩa là bênh vực cho những bài hát có ca từ trần trụi và thô thiển như trong ví dụ này. Đây có thể xem là một sự bệnh hoạn trong tư duy của người viết ra nó mà không lý do gì có thể bênh vực được. Sự hài hòa của nhạc và lời chỉ là để khiến cho bài hát trở nên hoàn thiện. Còn cái hay, cái đẹp của nó thì phải được bắt đầu từ tâm hồn người viết. Ranh giới giữa cái hay, cái đẹp và cái tục, cái thô thiển nhiều khi tưởng rất mong manh nhưng không phải không nhận ra được”.
Giáo viên dạy văn Lê Thị Thiện (Quảng Ninh) đặt câu hỏi: “Biết đâu những người sinh ra ca khúc “rác” không thấy họ có tội mà lại là có công vì ca ngợi cuộc sống hoan lạc, nhục cảm, giải phóng tình dục? Ở đây nhận thức của người viết có vấn đề. Họ muốn tự do trong sáng tác song tự do khác với làm càn”.
Nhưng vì sao nhạc rác vẫn sống? Cứ nhìn sự tồn tại của “Fever” có thể lý giải phần nào. Đến nay “Fever” đã ra mắt 10 ngày, với 615 ngàn lượt xem, giữ vị trí 9 trong danh mục âm nhạc thịnh hành YouTube Việt Nam. Có khán giả bất bình: Nhạc rác đang lên ngôi? Trong khi các bậc phụ huynh lo lắng nhạc kích dục thì một số tài khoản lại khen ngút ngàn: “Bài này hay điên”; “Chắc chắn phải viral”; “Má ơi sao có thể hay đến vậy được, phải gọi là yêu ngay từ khi vừa nghe lần đầu”… Chủ kênh thả “tim” với những bình luận khen. Còn những bình luận chê thì bỏ qua. Một tài khoản kêu gọi: “Hãy là nghệ sĩ có ý thức với cộng đồng” nhưng chắc Coldzy, tlinh không để ý vì còn mải đo lượt xem và đọc lời khen?
Năm 2014 những người tham gia phổ biến ca khúc “Phiếu bé ngoan” đã bị xử phạt, các trang mạng trực tuyến đăng tải “Phiếu bé ngoan” cũng bị cơ quan quản lý văn hóa nhắc nhở và xử phạt. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt vài triệu đồng không làm ai phải sợ. Cho nên ca khúc rác vẫn tiếp tục ra đời, chễm chệ trên danh mục âm nhạc thịnh hành YouTube Việt Nam. Cùng với kêu gọi nghệ sĩ có ý thức với cộng đồng thì cũng nên kêu gọi người nghe nhạc có ý thức. Khán giả Vĩnh Linh (Hà Nội) nói: “Xã hội không bao giờ hết rác, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, dù đã cấm xả rác bừa bãi. Quan trọng là nhìn thấy rác phải biết tránh, đừng thấy rác lại khen thơm”. Dù khó quét sạch rác song vẫn cần những cuộc “tổng vệ sinh”. Khán giả chính là “thượng đế”. “Thượng đế” đồng loạt tẩy chay những bài hát rác và những nghệ sĩ tham gia phổ biến bài hát rác, “đòn” này có lẽ mới đủ sức răn đe.
10 năm vẫn u mê “rác”
Đến nay “Phiếu bé ngoan” vẫn có thể tìm thấy trên YouTube với trên 268 ngàn lượt xem và trên 200 bình luận khen, chê. Có tài khoản khen “Phiếu bé ngoan” hay quá còn cộng thêm một điểm vì… yếu tố tuổi thơ. Bài hát rác ra đời cách đây chục năm có lẻ mà hơn mười ngày trước còn nhiều bình luận thích thú “khai”: 1/6 nào cũng vào nghe. Nó ám ảnh đến độ một người nghe trẻ tuổi hoan hỉ thú nhận: “Nghe từ lớp 6 không hiểu gì chỉ thấy hay. 2 năm sau nghe mới hiểu, bây giờ nghe vẫn cuốn”. Tài khoản khác vui vẻ chia sẻ: Sinh năm 2012, học ở Hà Nội. Suốt ngày nghe “Phiếu bé ngoan” còn gửi cho cả mấy em gái nghe.
Trở lại với “Fever”, “thần” tạo “trend” TikTok cũng đã quan tâm sản phẩm của Coldzy và tlinh. Quá nhanh, quá nguy hiểm!
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhac-rac-len-ngoi-post1646553.tpo