'Nhạc rác' lên ngôi: Sự nguy hại với nền âm nhạc, rộng hơn là văn hóa Việt Nam
Trong năm 2023, khán giả được đón nhận nhiều sản phẩm chất lượng, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những sản phẩm với nội dung nhảm, vô bổ xuất hiện tràn lan.
Những sản phẩm âm nhạc phản cảm từ lâu đã không còn xa lạ với nhạc Việt. Hiện tượng “nhạc rác” không mới, nhưng vẫn đang có những tác động tiêu cực, khiến không ít người lẫn lộn ranh giới giữa giải trí và nhảm nhí.
Điều đáng lo ngại là thứ nhạc này lại được không ít người yêu thích và nghe hàng ngày nên rất nhiều ca sĩ cũng cho đây là một xu hướng mới.
Trong cuộc trò chuyện với VTC News vào những ngày cuối năm, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ thẳng thắn về những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng cũng như đánh giá của anh về xu hướng nghe nhạc của khán giả hiện nay.
Sự “xuống cấp” nghiêm trọng về mặt thị hiếu thẩm mỹ
- Thời gian qua, Lê Dương Bảo Lâm liên tục câu view bất chấp bằng những MV nhảm, tuy nhiên trước phản ứng của khán giả, nam diễn viên lại luôn lấy lý do "MV chỉ để cho vui". Anh đánh giá thế nào về quan điểm này của Lê Dương Bảo Lâm?
Quan điểm trên của Lê Dương Bảo Lâm chỉ là ngụy biện cho “sản phẩm lỗi” mà “nghệ sĩ” này vừa ra mắt khán giả. Không một nghệ sĩ nào xem hoạt động nghệ thuật chỉ để “cho vui”.
Một sản phẩm nghệ thuật ra đời chỉ với mục đích làm thỏa mãn thú vui bản thân, lấp đầy thói hư danh ích kỷ, mà không cần quan tâm sản phẩm đó tác động tiêu cực đến văn hóa, nghệ thuật, đến tâm lý khán giả như nào, nghệ sĩ và sản phẩm ấy được xem là “rác”, là thứ lạc lõng, đáng bỏ đi trong đời sống con người.
- Anh đánh giá thế nào về MV "Oải cả chưởng" của Lê Dương Bảo Lâm?
Tôi không cho rằng Oải cả chưởng của Lê Dương Bảo Lâm là MV (sản phẩm video ca nhạc), mà là clip youtube thông thường, có yếu tố nhảm nhí, phản cảm thì đúng hơn. Với cơ chế quản lý nội dung youtube một cách tự do như hiện nay, việc sản xuất clip và phát tán trên mạng xã hội là quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Còn việc khán giả xem hay quay lưng lại với những clip nhảm, nhạt, nhàm đó mới là vấn đề thuộc về văn hóa.
Một clip với những tiết tấu tưởng như “đọc rap” nhưng lại chẳng phải, chỉ là học theo rap, “ăn hơi” theo rap thì đúng hơn.
- Dù gây tranh cãi nhưng MV này đã thu hút tới gần 3 triệu lượt xem, từng đứng vị trí thứ 14 trong Top các MV thịnh hành của YouTube. Điều này đồng nghĩa với các nguồn thu về kinh tế. Với thành tích này, anh có cho rằng nên coi đây là một "sản phẩm nghệ thuật" thành công?
Với không gian mở của youtube, bất cứ cá nhân nào cũng có quyền xây dựng nội dung trên đó. Từ những nội dung xấu độc tới những nội dung nhảm nhí thì mục đích chính vẫn là để câu view, nhận quảng cáo tự động từ youtube mà thôi. Việc Lê Dương Bảo Lâm làm nội dung xấu độc và phát trên youtube cũng không ngoại lệ. Song nếu xem Oải cả chưởng là một “sản phẩm nghệ thuật”, thì không!
Việc một nội dung có số lượng view lớn, đứng top trending thì cũng không đồng nhất với chất lượng của sản phẩm đó. Vì hiện nay việc “kéo view” cho những video trên youtube không phải là chuyện quá khó. Tất cả đều có công cụ hỗ trợ từ các đơn vị truyền thông để làm điều đó.
- Theo anh để được gọi là một "sản phẩm nghệ thuật" thì cần những yếu tố nào?
Thứ nhất, sản phẩm đó phải có chủ đề, phải là câu chuyện được kể bằng âm nhạc, phải có nội dung xuyên suốt. Thứ hai, phải được miêu tả bằng một thứ ngôn ngữ kết hợp giữa âm nhạc với điện ảnh (diễn xuất). Thứ ba, phải được thể hiện từ một ca sĩ hoặc nghệ sĩ chuyên nghiệp, có đào tạo chính quy trường lớp.
- Không chỉ Lê Dương Bảo Lâm mà thời gian qua rất nhiều nghệ sĩ cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc có nội dung vô bổ. Liệu những sản phẩm này có gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống văn hóa, hay chỉ có tính hài hước vui vẻ?
Rõ ràng, đây là sự “xuống cấp” nghiêm trọng về mặt thị hiếu thẩm mỹ. Nó cho thấy thực trạng tồn tại của một loại “sản phẩm rác mạng” đang lên ngôi, trong đó có “rác nhạc”. Tất nhiên, một sản phẩm “rác nhạc” lên tới cả triệu view cũng không có gì ngạc nhiên. Ngoài lượt xem thực của khán giả, việc các công ty truyền thông đứng sau “sản phẩm rác nhạc” ấy với các kỹ năng đẩy view để chiếm ấn tượng cũng là điều dễ nhận ra.
Song vấn đề đáng buồn, đáng báo động ở đây là: một sản phẩm gọi là “rác mạng” như vậy vẫn ngang nhiên tồn tại trong đời sống nghệ thuật, mà chưa thấy động thái xử lý nghiêm nào từ phía cơ quan quản lý văn hóa – thông tin, mới là vấn đề lớn.
Đúng ra những cơ quan này cần nhanh chóng phát hiện và cấm sóng những “sản phẩm rác nhạc đó” khi nó mới phôi thai trên mạng xã hội, chứ không phải là để nó phát triển mạnh như hiện tại. Đây chính là “lỗ hổng” trong cơ chế quản lý văn hóa, cần sớm được kiện toàn với những chế tài xử phạt mạnh tay.
- Theo anh, có quá nặng lời khi gọi một sản phẩm của nghệ sĩ là "rác"?
Rác là thứ không còn có ích đối với con người. Và con người một khi không còn thấy được công năng, tác dụng, giá trị từ nó, thì hiển nhiên, con người sẽ loại bỏ nó ra khỏi đời sống.
Sản phẩm âm nhạc – nghệ thuật cũng vậy! Nếu nó ra đời không vì mục đích mang đến ích lợi tích cực cho con người, khiến con người sống thiện hơn, trân quý giá trị cuộc sống hơn thì hiển nhiên nó đang tồn tại như một thứ vô ích. Thậm chí tệ hại hơn, khi những sản phẩm vô ích ấy lại tồn tại như một thứ xấu độc, gây hại lên tâm hồn khán giả thì nó là thứ cần phải được loại bỏ. Một thứ bị loại bỏ, vô ích, xấu độc, thì tất yếu nó là “rác”.
Khán giả đang có xu hướng “đổi chiều” trong âm nhạc
- Anh đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam trong những năm gần đây?
Có thể nhận xét về thị trường âm nhạc của chúng ta những năm gần đây ở 2 khía cạnh:
Thứ nhất, “vàng – thau lẫn lộn”. Những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, nhàm, nhảm, nhạt đang chiếm vị trí trung tâm trên mạng xã hội, trong khi đó những sản phẩm âm nhạc chất lượng, được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, được thể hiện bởi những nghệ sĩ tên tuổi thì lại không được chú ý trên bảng xếp hạng.
Thứ hai, khán giả có xu hướng “đổi chiều” trong âm nhạc. Thay vì hưởng ứng, cổ vũ, khích lệ những nghệ sĩ đích thực cho ra đời sản phẩm âm nhạc giá trị, đóng góp cho nền văn hóa, khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ lại đang có xu hướng “ngược nắng” tung hê, cổ vũ cho những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, thậm chí là nhảm nhí, chứa đựng nhiều nội dung phản cảm.
- Theo anh, việc các sản phẩm nhảm được chia sẻ với hàng triệu lượt xem có phải tín hiệu đáng buồn đối với giới nghệ thuật?
Không chỉ là dấu hiệu buồn, mà còn là sự nguy hại đối với nền âm nhạc, rộng hơn là văn hóa Việt Nam. Một sản phẩm gọi là nhảm nghĩa là hàm lượng nội dung thẩm mỹ ít, giá trị giáo dục xã hội không nhiều, mà lại được tung hô, được xem với lượng view lớn thì đó là dấu hiệu của một sự suy thoái thẩm mỹ, suy thoái nhân văn đến mức khó có thể phanh, hãm được.
Khi sản phẩm nghệ thuật ra đời không vì mục đích làm con người tốt đẹp hơn, không vì mục đích làm xã hội tiến bộ và văn minh hơn, sản phẩm ấy không thể được gọi là nghệ thuật. Mà cần gọi đúng, gọi trúng tên cho các sản phẩm này là “rác nhạc”, “rác nghệ thuật”.
- Anh có nghĩ rằng chính khán giả đang “tiếp tay” cho những sản phẩm âm nhạc này?
Khán giả đóng một vai trò không nhỏ để những sản phẩm “rác nhạc” ấy tồn tại. Tuy không phải tất cả khán giả đều ủng hộ cho sự tồn tại của các sản phẩm “rác nhạc” trên, song việc khán giả thờ ơ, không dám tẩy chay, không dám tắt màn hình điện thoại hay máy tính khi những sản phẩm đó được phát, cũng là nguyên nhân để những sản phẩm này leo cao, luồn sâu trong đời sống âm nhạc.
Thấy cái xấu mà không dám lên án, bài trừ cái xấu thì dù khán giả có tích cực phòng ngừa, chủ động ngăn chặn cái xấu độc đến đâu thì lâu dần cái xấu độc ấy cũng sẽ xâm lấn vào đời sống tinh thần họ.
- Khán giả cho rằng việc quá khắt khe với các sản phẩm âm nhạc đôi khi làm hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ?
Bản chất của nghệ thuật đã là sự khắt khe rồi. Nếu người nghệ sĩ không nghiêm khắc với chính mình thì làm sao có tác phẩm tốt được. Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa phê bình nghệ thuật khắt khe với sự soi mói cố tình. Hai vấn đề này khác nhau hoàn toàn. Tôi không tin một tác phẩm nghệ thuật vang danh nào, mà người nghệ sĩ đằng sau nó lại không trải qua quá trình lao động nghiệt ngã, phải đánh đổi bằng máu và nước mắt cả.
Một nghệ sĩ lớn, đích thực bao giờ cũng xem sự phê bình, góp ý nghiêm khắc là những bài học vô giá để đưa sản phẩm tinh thần của mình lên đỉnh cao sáng tạo. Chỉ có sự soi mói cố tình mới bóp chết sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Còn phê bình nghệ thuật đúng nghĩa giống như "ngọn lửa" thử giá trị vàng ròng nằm trong tài năng, sự cống hiến của người nghệ sĩ, cũng như tác phẩm của họ.
- Ngoài yếu tố chuyên môn, theo anh nghệ sĩ còn cần điều gì?
Nói đến nghệ sĩ, ngoài tài năng, ngoài chuyên môn nghệ thuật, tư cách đạo đức đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu anh chỉ có tài, có tầm mà anh thiếu đi chữ tâm, sản phẩm nghệ thuật của người nghệ sĩ không thể sống lâu trong lòng công chúng. Sản phẩm nghệ thuật ra đời làm nên tên tuổi của người nghệ sĩ.
Song người nghệ sĩ có sống lâu trong lòng khán giả, được khán giả tôn vinh, nhớ mãi hay không thì lại thuộc về nhân cách của người nghệ sĩ ấy. Nói đúng ra trí tuệ, tài năng của người nghệ sĩ là cây cầu giúp người nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng, song chính cách sống, sự cống hiến, làm đẹp cho xã hội mới là thứ để nghệ sĩ sống một cuộc đời trọn vẹn với nghệ thuật của mình.
- Rõ ràng, việc ngăn chặn những loại nhạc này không phải điều dễ nhưng có cách nào để giảm thiểu được những sản phẩm nhảm nhí như vậy?
Theo tôi để giảm thiểu “rác nhạc”, cần quan tâm đến 3 hướng sau:
Thứ nhất, cần có sự vào cuộc và kiểm soát quyết liệt từ phía cơ quan quản lý đối với những nội dung xấu độc trên mạng xã hội. Đã nhiều lần tôi đưa ra kiến nghị về việc các cơ quan quản lý cần đưa ra công cụ giúp phát hiện, ngăn chặn và từng bước loại trừ những nội dung xấu độc trên không gian mạng rồi.
Đứng trước sự lớn mạnh của người dùng mạng xã hội như hiện nay thì việc hoàn thiện các thiết chế đối với “không gian số” sớm ngày nào, chúng ta sẽ góp phần hạn chế những sản phẩm “rác” nói chung và “rác nhạc” nói riêng sớm ngày đấy.
Thứ hai, những nghệ sĩ chân chính cần lên tiếng đối với sản phẩm “rác nhạc”. Việc lên tiếng của các nghệ sĩ chân chính cần được hiểu là: các nghệ sĩ này cần cho ra đời nhiều hơn những sản phẩm có giá trị, đóng góp cho nền văn hóa Việt Nam. Đây chính phương thức tự nhiên nhất để thu hẹp những sản phẩm “rác nhạc”. Điều này cũng tương tự như khi mặt trời tỏa rạng lúc bình binh cũng là lúc bóng tối bị đẩy lùi.
Thứ ba, khán giả cần phát huy vai trò là người góp phần tích cực “thanh lọc” đối với môi trường âm nhạc. Chỉ với việc click vào nút xóa hoặc chặn đối với những sản phẩm “rác nhạc”, xấu độc, là khán giả đã góp phần xây dựng một không gian văn hóa nghệ thuật lành mạnh, trả nghệ thuật về vị trí đúng nghĩa của nó là làm cho thế giới tâm hồn con người trở nên trong trẻo, thân thiện và nhân văn hơn.