Nhạc sĩ Cung Tiến qua đời
Nhạc sĩ Cung Tiến - tác giả của loạt tình khúc kinh điển Hương xưa, Hoài cảm... đã qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.
Theo cáo phó của gia đình, nhạc sĩ Cung Tiến qua đời ngày 10.5 tại Los Angeles, California (Mỹ). Tang lễ và lễ hỏa thiêu được tổ chức ngày 2.6, do nguyện vọng của gia đình là tang lễ chỉ tổ chức riêng, thông báo rất giới hạn đến một số thân hữu. Sau khi hỏa táng, tro cốt của nhạc sĩ sẽ được đặt tại Nhà tang lễ, Công viên tưởng niệm núi Conejo, California (Mỹ).
Từ Thụy Điển, nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ lặng lẽ thắp nén nhang tưởng nhớ đến người bạn cố tri - Cung Tiến, người nhạc sĩ có phong cách sống kín đáo, cuối đời cũng đã ra đi thầm lặng như vậy.
Nhạc sĩ Cung Tiến - Ảnh: Internet
Nhạc sĩ Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh năm 1938 tại Hà Nội, nổi tiếng với dòng nhạc tiền chiến. Ông bắt đầu sinh hoạt văn nghệ từ thời còn là học sinh tiểu học, đi học hát trong nhà thờ, hát trong các ca đoàn Công giáo và được giao điều khiển ban hợp ca của các trường. Thời kỳ trung học, Cung Tiến từng học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ Chung Quân và Thẩm Oánh.
Với hai sáng tác đầu tay bất hủ Thu vàng và Hoài cảm viết từ khi mới 13-14 tuổi, nhạc sĩ Cung Tiến được nhiều người ca tụng là thần đồng âm nhạc dù ông xuất thân từ gia đình không ai có năng khiếu âm nhạc.
Đến năm 1957, nhạc sĩ Cung Tiến tiếp tục cho ra đời thêm một ca khúc để đời khác mang tên Hương xưa, đề tặng người bạn thân của ông là Khuất Duy Trác (danh ca Duy Trác). Duy Trác cũng là người trình bày thành công nhất ca khúc này.
Những ca khúc do nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác thường mang tính nhạc thuật cao, ca từ trau chuốt, lãng mạn và đẹp như thơ. Mặc dù chính nhạc sĩ Cung Tiến tự nhận rằng mình chỉ "dạo chơi trong âm nhạc", thế nhưng những nhạc khúc của ông đều là điển hình cho sự điêu luyện và chuyên nghiệp bậc nhất.
Từ năm 1957-1963, nhạc sĩ Cung Tiến du học ở Australia ngành kinh tế, đồng thời nghiên cứu các khóa về dương cầm, hòa âm, phối khí tại Sydney. Thập niên 1970, ông sang Anh du học và tiếp tục tìm tòi về âm nhạc. Năm 1987, sau khi ra nước ngoài định cư, ông sáng tác tấu khúc Chinh phụ ngâm.
Bên cạnh lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Cung Tiến cũng đóng góp nhiều cho lĩnh vực văn học. Thập niên 1950-1960, ông từng sáng tác, phê bình văn học, dịch thuật cho các tạp chí với bút hiệu Thạch Chương. Hai truyện ngắn ông dịch và xuất bản ở Việt Nam là cuốn Hồi ký viết dưới hầm của Dostoevsky và cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovich của Solzhenitsyn.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhac-si-cung-tien-qua-doi-182688.html