Nhạc sĩ Giáng Son có bị 'đánh gậy bản quyền' ca khúc trên Youtube?
Vấn đề bản quyền trên các nền tảng kỹ thuật số gần đây có nhiều vi phạm và tranh chấp. Mới đây nhất là vụ việc liên quan tới kênh Youtube của nhạc sĩ Giáng Son. Theo BH Media, nhạc sĩ Giáng Son dùng từ 'đánh gậy bản quyền' với trường hợp của cô là chưa chính xác.
Trước những tranh cãi video bản quyền ca khúc “Giấc mơ trưa”, phía nhạc sĩ Giáng Son và BH Media đưa ra những phản hồi và luận điểm riêng. Theo đó, phía BH Media cho biết vụ việc của Giáng Son thực ra rất đơn giản và đơn vị cho rằng "đang có sự hiểu lầm về bản quyền trên YouTube"…
Thư thông báo xác nhận bản quyền có tóm tắt trạng thái bản quyền, ghi rõ “Không ảnh hưởng” đến kênh của nhạc sĩ Giáng Son.
Bức xúc khi bị đánh bản quyền tác phẩm của chính mình
Theo đó, "Giấc mơ trưa" là ca khúc do Giáng Son và Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác. Tuy nhiên thời gian vừa qua, khi đăng tải ca khúc "Giấc mơ trưa" (do Khánh Linh thể hiện) trên kênh YouTube của mình, nhạc sĩ Giáng Son đã nhận được khiếu nại bản quyền.
Tối 14/10 trên trang Faecbook cá nhân, nữ nhạc sĩ bức xúc chia sẻ câu chuyện bị đánh bản quyền trên YouTube một nhạc phẩm do chính mình sáng tác. Theo thông báo từ hệ thống, video của cô đăng lên có chứa một đoạn âm thanh tương tự sản phẩm "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh (thuộc sở hữu của BH Media).
Điều này khiến nữ nhạc sĩ vô cùng bất ngờ, thậm chí sốc. Cô khẳng định không ký độc quyền tác phẩm này cho bất cứ ai hay tổ chức nào. Cũng ngay sau chia sẻ này, nhạc sĩ Giáng Son đã liên hệ với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCMPC) - nơi chị ủy quyền để trao đổi và tìm hướng giải quyết.
Nhạc sĩ Giáng Son bức xúc khi bị đánh bản quyền trên YouTube một nhạc phẩm do chính mình sáng tác.
Ngày 15/10, nhạc sĩ Giáng Son đã gửi đơn kiến nghị lên Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để ủy quyền cho trung tâm này thay mặt nữ nhạc sĩ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chị trong vụ việc mà chị cho rằng mình bị "đánh bản quyền" với ca khúc "Giấc mơ trưa".
Trong đơn kiến nghị gửi Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Giáng Son cho biết: “Tôi mới thành lập một kênh YouTube cho riêng mình mang tên “Giáng Sol Official” để chia sẻ những bài hát, album cũ, mới của mình đến khán giả yêu nhạc vào ngày 25/9/2021. Tôi đã rất cẩn thận về vấn đề bản quyền và chỉ đưa bản “Giấc mơ trưa” được phối khí riêng với giọng ca Khánh Linh trong album đầu tiên Giáng Son được sản xuất và phát hành năm 2007. Tức là mọi bản quyền về tác giả, phối khí, thu âm là thuộc về tôi”. Tuy nhiên, sau khi đưa ca khúc này lên YouTube được vài ngày, nhạc sĩ đã nhận được thông báo khiếu nại của BH Media. Đơn vị này cho biết, thay mặt Hồ Gươm Audio Video là chủ sở hữu bản quyền để khiếu nại về việc này.
Ngoài việc ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Giáng Son cũng đưa thông tin lên trang Facebook cá nhân phản ánh vụ việc, khẳng định chị “bị kiện”.
Giáng Son cho biết, sau đó BH Media có liên hệ với chị, giải thích đó là máy quét tự động của YouTube nhưng nữ nhạc sĩ không chấp nhận lời giải thích và cho biết ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam giải quyết.
Trước sự việc trên, nhiều nghệ sĩ cho rằng nhạc sĩ Giáng Son đang hiểu lầm về vấn đề bản quyền. Bởi không ít nghệ sĩ cũng gặp trường hợp tương tự. Nhạc sĩ Minh Châu tâm sự: “Tôi cũng nhiều lần bị YouTube gửi cảnh báo như Giáng Son rồi. Khi tôi đưa bài hát của mình lên YouTube thì tôi nhận được cảnh báo của YouTube nói rằng bản ghi của tôi có đoạn giống với một bản ghi khác có chủ sở hữu là BH Media. Tôi đã từng bấm phản hồi để liên lạc với chủ sở hữu bản ghi BH Media và họ gỡ xác nhận bản quyền. Chỉ sợ nhất là những chủ sở hữu bản ghi ở tít đâu đâu mình không thể liên lạc được thôi. Tóm lại, cảnh báo chỉ là thư thông báo xác nhận bản quyền do hệ thống tự động gửi. Bị “đánh gậy” tức là có dấu hiệu vi phạm bản quyền, bị đánh 3 gậy là bị mất kênh”.
Thư thông báo xác nhận bản quyền (tự động) của YouTube gửi cho nhạc sĩ Giáng Son.
Hoàn toàn không có chuyện "đánh gậy bản quyền" xảy ra
Liên quan tới vấn đề này, mới đây, công ty có liên quan là Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ truyền thông BIHACO (gọi tắt là BH Media), thay mặt cho Hồ Gươm Audio - đã chính thức lên tiếng phản hồi về vụ việc.
Theo đó, lãnh đạo BH Media cho rằng, không có chuyện bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son bị “đánh gậy bản quyền”, mà đây chỉ là “thông báo xác nhận bản quyền của Youtube”.
BH Media ghi nhận nhạc sĩ Giáng Son rất có ý thức về bản quyền. Tác giả của ca khúc “Giấc mơ trưa” đã cẩn thận chuẩn bị một bản ghi – thuộc quyền sở hữu của chị để đưa lên kênh YouTube riêng của mình. Nhưng vì trên YouTube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Do đó, khi phát hiện bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã up lên trước đó, YouTube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.
Đây chỉ là cơ chế quét bản quyền tự động của Youtube nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son. Khi các kênh Youtube nhận được những thông báo như thế này đều kèm theo hướng dẫn cách phản hồi để xác nhận bản quyền.
Bản ghi "Giấc mơ trưa" do nghệ sĩ Dương Thùy Anh trên YouTube đã được YouTube ghi nhận. Dòng chữ Licensed to YouTube tức là: Cấp cho YouTube bởi BH Media (được chủ sở hữu ủy quyền) và ba tổ chức bảo vệ bản quyền (trong đó Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam). Ghi nhận này rất quan trọng, vì YouTube sẽ trả tiền tác quyền cho Giáng Son về Trung tâm bảo vệ tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi Giáng Son ủy quyền.
Ông Nguyễn Hải Bình - Tổng Giám đốc BH Media cho biết, sau khi nhận được ý kiến từ nhạc sĩ Giáng Son, đơn vị này đã "nhả xác nhận bản quyền ngay lập tức" và trả bản quyền về cho nữ nhạc sĩ.
Ông Nguyễn Hải Bình cho biết, doanh thu từ quyền tác giả ca khúc "Giấc mơ trưa" luôn được YouTube đối soát và gửi về VCPMC và cơ quan này có trách nhiệm chuyển tới nhạc sĩ Giáng Son.
Đang có sự nhầm lẫn về khái niệm bản quyền
Trước câu hỏi về việc nhiều nhạc sĩ từng phản ánh việc bị yêu cầu xác nhận bản quyền khi đăng tải trên mạng xã hội, BH Media cũng cho biết những hiểu lầm về quyền tác giả, quyền bản ghi rất phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nghệ sĩ lớn trên thế giới như Justin Bieber, Taylor Swift,... đều có.
Theo đó, mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành, sẽ chứa 2 loại quyền tách biệt là: Quyền bản ghi - liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi; Quyền tác giả - liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm.
Theo luật bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền.
Với trường hợp của Taylor Swift sáng tác và hát các ca khúc trong các album Red nhưng quyền bản ghi âm của các album này thuộc về hãng đĩa Big Machine Records. Vậy sau khi chấm dứt hợp đồng với hãng, Taylor Swift đã phải thu âm lại toàn bộ các album của mình với phần hòa âm phối khí mới để có thể tiếp tục sử dụng và trình diễn các bài hát đó.
Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube.
"Tại Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình. Ví dụ một nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc cho các show truyền hình của VTV, HTV nhưng không có nghĩa nhạc sĩ được quyền đăng tải các chương trình này lên kênh YouTube của nhạc sĩ, bởi VTV, HTV mới là chủ sở hữu thực sự", BH Media giải thích.
Theo BH Media, hiện nay ở Việt Nam có 5 tổ chức bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan như: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAF), Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả việt Nam (VCCA), Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC).
Nhiều năm qua, BH Media đã dành rất nhiều tâm huyết để chuẩn hóa dữ liệu và đăng tải lên YouTube gần 100.000 bản ghi âm nhạc của các ca sĩ, các nhà sản xuất âm nhạc trong và ngoài nước. Có thể kể đến các trung tâm lớn như: Bến Thành Audio, Hồ Gươm Audio, Sài Gòn Vafaco, Hãng phim Trẻ, Hãng phim Giải phóng…
Tất nhiên, để làm được điều này BH Media phải có ký kết hợp đồng đầy đủ với chủ sở hữu bản ghi. Nhờ có cơ sở dữ liệu nhạc Việt BH Media cung cấp cho YouTube, mà các tổ chức bảo vệ bản quyền tác giả ở Việt Nam (đã ký kết với YouTube) mới có cơ sở để thu tiền tác quyền. BH Media cũng đã góp phần không nhỏ trong việc giúp các tác giả ở Việt Nam thu được tiền bản quyền triệt để hơn.