Nhạc sĩ Hồ Văn Thành: Người tạo dấu ấn cho kịch và phim
Xuất thân từ phong trào sinh viên - học sinh trước năm 1975, nhạc sĩ Hồ Văn Thành đã sớm có những ca khúc thể hiện tinh thần yêu nước
Ca khúc dành cho vở kịch "Thành phố tình yêu" của nhạc sĩ - NSƯT Hồ Văn Thành đã làm say đắm người xem, mang về cho ông giải Nhạc sĩ xuất sắc nhất tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021.
Câu chuyện kể bằng âm nhạc
Ra mắt trong đêm tranh tài tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021, sau đó qua những suất diễn quảng bá, "Thành phố tình yêu" được đánh giá đã tạo nên một không gian mới, vượt khỏi tầm ảnh hưởng của vở kịch. Tất cả như một câu chuyện kể bằng âm nhạc.
Âm nhạc của nhạc sĩ Hồ Văn Thành trong "Thành phố tình yêu" là sự kết hợp giữa nhạc cổ điển và những chi tiết tươi mới, là nét duyên dáng và quyến rũ, từ giai điệu đến ca từ cứ như rót vào lòng người nghe những dạt dào thương yêu. Có thể nói, ca khúc viết cho vở kịch "Thành phố tình yêu" đã thể hiện chính tâm tư, tình cảm và sức sống của con người hôm nay, luôn muốn góp phần xây dựng thành phố ngày càng tươi đẹp hơn.
Nói về bí quyết sáng tác âm nhạc cho kịch, nhạc sĩ Hồ Văn Thành cho rằng đạo diễn đã "buộc dây" ắt hẳn phải là người "tháo dây" cho những tình tiết nội dung trong vở kịch. Trong khi đó, nhiệm vụ của nhạc sĩ là dùng âm nhạc để sợi dây "kịch bản" này chuyển biến đúng lúc, phù hợp, tạo được ấn tượng.
Nhạc sĩ Hồ Văn Thành rất kỹ khi nhận viết ca khúc cho vở kịch hay bộ phim. Khi viết nhạc cho kịch, ông đặt tim mình vào sự buồn vui của từng vai diễn. Chính sự khác biệt này mà không ít ca khúc của ông đã có đời sống độc lập, người yêu nhạc có thể nghêu ngao vài câu vì giai điệu, ca từ rất dễ thuộc, dễ nhớ.
Nhiều người yêu thích
Ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Hồ Văn Thành sáng tác là phổ thơ "Buổi sáng hôm nay" của Duyên Hải vào năm 1972. Từ đó, ông được nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên (lúc bấy giờ cũng tham gia phong trào sinh viên - học sinh) động viên đi theo con đường sáng tác và học nhạc chuyên nghiệp.
Nhạc sĩ Hồ Văn Thành đã học Khoa Quốc nhạc tại Đại học Vạn Hạnh và Khoa Triết học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tại đây, ông tích cực tham gia phong trào sinh viên đấu tranh. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục học ở Khoa Sáng tác - Nhạc viện TP HCM và tốt nghiệp năm 1986.
Những sáng tác của nhạc sĩ Hồ Văn Thành thường gắn với thời gian ông công tác tại Nhà hát Kịch TP HCM, Trung tâm Văn hóa TP, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP và Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (trước đây là Đoàn Xiếc TP HCM). Trong "Người thi hành án tử" của Nhà hát Kịch TP HCM, ông làm khán giả khóc nhiều bởi ca khúc viết cho vở kịch này đã chạm đến trái tim người xem.
Nhạc sĩ Hồ Văn Thành viết nhiều ca khúc cho các vở kịch như: "Mẹ yêu" (Kịch Sài Gòn), "Chuyện tình anh và em" (Nhà hát Kịch TP HCM), Thằng quỷ nhỏ" (Sân khấu Tuổi Ngọc), "Đôi cánh hạc tiên" (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam), "Ký ức" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), "Bước qua lời nguyền", "Bão không mùa", "Thời con gái đã xa", "Bến bờ xa lắc" (Nhà hát Kịch TP HCM), "Tình yêu và thiên sứ" (HTV)...
Ở lĩnh vực điện ảnh, nhạc sĩ Hồ Văn Thành viết nhạc cho các phim: "Nơi dòng sông dừng lại", "Ngày ấy ở quê tôi", "Cánh buồm ảo ảnh"; ca khúc "Tình bạn", "Áo trắng" (phim "Thằng câm"), "Dòng sông khoảng đời" (phim "Nơi dòng sông dừng lại"), "Ngày ấy ở quê tôi", "Cánh buồm ảo ảnh" (phim cùng tên)... Tất cả đều được giới chuyên môn đánh giá cao và nhiều người yêu thích. Ngoài ra, ông còn viết nhạc trong một số vở múa, cải lương, hát bội...