Nhạc sĩ Hoàng Bách: Tôi muốn bắt đầu tình yêu đất nước bằng những rung cảm nhỏ nhất

Năm 2019, với dự án riêng Bach20, nhạc sĩ Hoàng Bách đánh dấu bước chuyển mới trong hành trình âm nhạc cá nhân. Đặc biệt, các sáng tác gần đây của anh thể hiện tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc sâu sắc. Trong những ngày lịch sử đặc biệt của đất nước, kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất non sông, Nhạc sĩ Hoàng Bách đã cho ra mắt MV 'Lời trái tim Việt Nam' - một bản tình ca dành tặng cho Tổ quốc mến yêu.

PV: Điều gì gắn bó nhất với âm nhạc và niềm đam mê sáng tạo của anh?

Nhạc sĩ Hoàng Bách.

Nhạc sĩ Hoàng Bách.

Nhạc sĩ Hoàng Bách: Tôi lớn lên cùng âm nhạc, với lời ru của mẹ - một ca sĩ chuyên nghiệp - và được mẹ dạy những nốt nhạc đầu tiên từ trước khi học chữ. Tôi cũng được học nhạc cụ từ rất sớm, guitar cổ điển từ năm 6 tuổi và sau đó là học organ. Suốt thời thơ ấu, tôi gần như gắn liền với âm nhạc, là cây văn nghệ chủ chốt của Nhà Thiếu nhi TP Nam Định và các trường tôi theo học.

Anh bắt đầu hành trình học tập âm nhạc chuyên nghiệp như thế nào, trong trường anh được học gì và điều đó hỗ trợ công việc sau này ra sao?

- Tôi bước vào môi trường âm nhạc chuyên nghiệp từ năm 15 tuổi khi được gia đình chuyển lên Nhạc viện Hà Nội học. Vì lúc đó tôi “lỡ cỡ” để học thanh nhạc nên chuyển sang học bộ môn trống. Nhưng chỉ học ở Hà Nội một năm, vì quá hiếu động khi lần đầu “tung cánh” khỏi gia đình, nên năm sau tôi được chuyển vào Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và bắt đầu học bộ môn kèn, cụ thể là Oboe - một nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng.

Tôi bắt đầu học thanh nhạc với NSND Trần Hiếu từ năm 2001. Lớp học ấy chính là nơi tôi gặp gỡ các thành viên AC&M, từ đó nhận ra khả năng của nhau và đi cùng nhau trong một giai đoạn rất đẹp của âm nhạc chuyên nghiệp. Việc trải qua nhiều môi trường, học nhiều nhạc cụ và hoạt động ở nhiều vai trò giúp tôi đa dạng hơn trong tư duy sáng tạo âm nhạc, đồng thời dễ thích nghi với sự thay đổi của thị trường trong suốt hành trình làm nghề.

Nhóm AC&M có phải là một điểm mốc quan trọng trong sự nghiệp của anh?

- AC&M chắc chắn là một điểm mốc rất đẹp và quan trọng trong hành trình âm nhạc của tôi. Chúng tôi gặp nhau khi phong trào nhóm nhạc ở Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh cao. Phải nói là chúng tôi đã may mắn gặp được nhau và cùng tạo dấu ấn với khán giả suốt gần 10 năm. Việc được công nhận bởi phong cách chuyên môn cao như acapella và có nhiều bài hát tự sáng tác gắn liền với tuổi trẻ của khán giả là những món quà lớn. Đến giờ, dù đã 16 năm từ ngày chia tay nhóm, nhưng năm nào cũng có lời mời tái hợp. Tuy nhiên vì nhiều lý do, điều đó vẫn chưa xảy ra.

Qua những hoạt động âm nhạc bền bỉ, anh nhận ra xu hướng của giới trẻ ra sao? Và anh có lộ trình hoạt động âm nhạc cụ thể như thế nào?

- Chúng ta đều đồng ý rằng văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng là bộ mặt của xã hội. Việc hoạt động trong nghề hơn 25 năm giúp tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về sự thay đổi của xã hội. Phải nói rằng hiện nay, guồng quay của ngành công nghiệp giải trí ở Việt Nam đang rất sôi động.

Thời điểm chúng tôi mới bắt đầu, ngành giải trí ở Việt Nam vẫn còn manh nha, được tiếp nối từ thế hệ đầu của Làn Sóng Xanh - thành quả của xã hội sau 10 năm đổi mới. Đó là khi người dân bắt đầu đủ ăn mặc và có nhu cầu giải trí. Ngày trước, những khái niệm như "nhà sản xuất", "người đại diện", "kế hoạch truyền thông" hay "hợp đồng biểu diễn" còn rất hiếm và mơ hồ. Còn hiện tại, ngay cả với những người thuộc thế hệ trước như tôi, mọi hoạt động đều phải được tính toán, quy hoạch và sản xuất bài bản với đội ngũ riêng cho từng khâu.

Tất nhiên, là một đất nước đang phát triển, chúng ta vẫn còn nhiều điều cần bàn về sự chuyên nghiệp thực sự. Nhưng rõ ràng, so với trước, mọi thứ đã rất khác. Cơ hội để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp đang mở ra cho mọi người - điều đó cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Tồn tại được sau vài năm hoạt động là điều không đơn giản. Sau gần 30 năm phát triển, ngành giải trí Việt Nam vẫn chưa tạo được vị thế rõ nét trong khu vực, chứ chưa nói đến thế giới. Tuy nhiên, với chất lượng ngày càng tăng, công nghệ xóa nhòa ranh giới và sự chuyên nghiệp được duy trì, tôi tin rằng trong 5 năm tới, nếu có sự đồng hành của may mắn, chúng ta có quyền hy vọng vào một dấu ấn.

Về xu hướng âm nhạc hiện nay - như cuộc sống, mọi thứ đều nhanh và đa dạng. Với những ai yêu giá trị cũ, có thể thấy hơi hời hợt, nhưng tôi nghĩ điều đó là thực tế và chúng ta cần chấp nhận, học cách thích nghi. Cũng giống như cha mẹ ngày xưa nhìn vào tuổi trẻ của chúng tôi, chắc cũng từng không vừa mắt. Nhưng rồi, mọi thế hệ đều cần được đi qua tuổi trẻ của mình.

Nhạc sĩ/ca sĩ Hoàng Bách trên sân khấu biểu diễn.

Nhạc sĩ/ca sĩ Hoàng Bách trên sân khấu biểu diễn.

Thông qua một loạt MV đã ra mắt, anh mong muốn truyền tải tinh thần tích cực đến giới trẻ như thế nào?

- Với tôi, trước hết đây là nghề, là công việc tôi được đào tạo và có những tham vọng riêng. Tôi hay gọi các dự án của mình là Bach20. Tinh thần của Bach20 là luôn mang trong mình năng lượng tuổi 20 - hào hứng khám phá, học hỏi không ngừng. Ekip của tôi có nhiều bạn trẻ, có cả các bạn sinh sau năm 2000. Tôi không bao giờ cho mình cái quyền áp đặt tư tưởng “người lớn”, hay bảo thủ với quá khứ. Kinh nghiệm là thứ quý giá, nhưng tôi thích được học hỏi từ các bạn trẻ - đó là cách để tôi làm mới mình. Thậm chí tôi thường xuyên chia sẻ playlist với các con để không bị tụt hậu.

Với “Lời trái tim Việt Nam”, tôi chọn một cách kể chuyện nhẹ nhàng, không lên gân để người trẻ dễ tiếp cận hơn. Tôi tin rằng, giáo dục là tốt, nhưng hành động còn tốt hơn. Không gì có sức ảnh hưởng bằng hình ảnh một “anh chú” vẫn đang cháy hết mình, làm việc chỉn chu, sáng tạo, cập nhật, thay vì ngồi ca thán và phán xét. Cuộc sống không chờ ai, và thời gian mỗi người là hữu hạn.

Nhắc đến “Lời trái tim Việt Nam”, anh chia sẻ về ý tưởng và quá trình thực hiện MV này?

- Với “Lời trái tim Việt Nam”, tôi muốn bắt đầu câu chuyện lớn bằng những rung cảm nhỏ nhất. Đó là hình ảnh một buổi sáng bình yên, đưa con đi học, nhìn thấy nụ cười của con, và thấy mình may mắn được sinh ra ở đất nước này. Đó là lúc những giai điệu đầu tiên bật ra.

MV được thực hiện từ những điều riêng tư đó, rồi mở rộng sang ký ức lịch sử, với mong muốn nhắc lại rằng, để có sự bình yên hôm nay, đất nước đã trải qua biết bao hy sinh. Trong MV có hình ảnh con trai tôi, năm nay vừa tròn 18 tuổi. Tôi muốn nhắn gửi đến con, như một lời dặn: dù con có bước chân ra thế giới, hãy luôn tự hào mình là người Việt Nam.

Qua MV này, anh mong muốn mang đến điều gì cho công chúng?

- Tôi hy vọng khi nghe ca khúc và xem MV, mỗi người sẽ thấy bản thân mình đâu đó trong đó, thấy yêu quê hương hơn. Với những người Việt xa xứ, tôi mong họ cảm nhận được sự kết nối, rằng trái tim Việt Nam vẫn luôn đồng điệu, dù ở bất kỳ đâu.

Cảm xúc và suy nghĩ của anh khi thực hiện MV và ra mắt vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước?

- Tôi thực sự xúc động. Trong suốt quá trình thực hiện dự án này, khi đi qua nhiều vùng miền Tổ quốc, tiếp xúc với bà con người Việt ở nước ngoài, tôi đều thấy một điểm chung, ai cũng yêu đất nước. Có thể mỗi người có trải nghiệm và góc nhìn khác nhau, nhưng điều dễ nhận ra nhất là ai cũng mong muốn Việt Nam phát triển, ai cũng mong được đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển ấy.

Chính vì vậy, đoạn verse với câu hát “Lạc bước chân nơi trời xa, thèm giọng nói, bữa cơm quê nhà. Vẫn nghe nơi trái tim, hằng thôi thúc bước chân quay về…” là phần tôi viết tại London, sau gần một tháng lang thang ở châu Âu để tìm chất liệu và cảm hứng hoàn thiện bài hát.

Gắn bó với TP Hồ Chí Minh từ tuổi thanh xuân, nhìn lại những thay đổi tích cực trên đất nước, anh có cảm nghĩ gì?

Gắn bó với TP Hồ Chí Minh từ tuổi thanh xuân, nhìn lại những thay đổi tích cực trên đất nước, anh có cảm nghĩ gì?

- Tôi tin rằng mình, thế hệ mình, và cả các con tôi là những người rất may mắn. Được sống và lớn lên trong một đất nước hòa bình, phát triển từng ngày là điều mà cha mẹ tôi và các thế hệ đi trước phải đánh đổi rất nhiều để có được. Nhìn vào sự đổi thay của đất nước hôm nay, tôi thấy rõ trong lòng mình sự biết ơn.

Và đó cũng là lý do tôi liên tục thực hiện những sản phẩm âm nhạc dành cho đất nước, ở nhiều khía cạnh khác nhau. Dự án “Lời trái tim Việt Nam” là chuỗi sản phẩm tiếp theo tôi muốn dành trọn cho quê hương.

Không chỉ là một ca sĩ, nhạc sĩ, anh còn có vai trò là một nhà sản xuất âm nhạc, theo anh một MV chất lượng mà vẫn thu hút công chúng cần tổng hòa những yếu tố nào?

- Hiện nay, thị trường âm nhạc mở ra rất nhiều phân khúc. Có những MV chỉ cần gây sốc, tạo tranh cãi là đủ thu hút. Nhưng để làm một sản phẩm thực sự chất lượng, có chiều sâu, có ý nghĩa tích cực, sống lâu trong lòng khán giả, thì đó là chuyện khác. Tôi cho rằng hình thái tiêu dùng văn hóa hiện nay thiên về sự dễ tiếp cận. Điều này vô tình đi ngược lại với những giá trị cần chiêm nghiệm. Do đó, làm nhạc hiện nay cần sự khéo léo, kết hợp tư tưởng có chiều sâu với cách tiếp cận dễ hiểu, dễ lan tỏa. Đó cũng là con đường tôi đang chọn: kể những câu chuyện tử tế bằng ngôn ngữ gần gũi nhất có thể.

Từ những quan sát của mình, anh có nhận xét gì về thị hiếu giới trẻ? Rõ ràng âm nhạc đang tác động mạnh tới tinh thần, lối sống của họ?

- Tôi nghĩ, chúng ta nên trân trọng, hơn là vội vàng phán xét. Có thể có những điều chưa vừa mắt, có cái lạ, cái khiến mình “giật mình”... nhưng rồi, nhìn lại thời trẻ của chính mình, nhuộm tóc, đeo khuyên, mặc quần hiphop… cũng từng khiến cha mẹ “đau đầu”.

Bản chất tuổi trẻ là phá cách. Và âm nhạc cũng thế. Tất nhiên sẽ có những sản phẩm tiêu cực, nhưng thời nào chẳng có. Tôi cho rằng mọi thứ không đúng, không sai, nó chỉ đang phản ánh trung thực những gì xã hội đang diễn ra. Nhìn từ góc độ đó, chúng ta sẽ hiểu và dễ cảm thông hơn với giới trẻ.

Nhạc sĩ Hoàng Bách sinh ra ở thành phố Nam Định, có cha là NSƯT Hoàng Hải, biên đạo múa, một người lính, nguyên Trưởng đoàn nghệ thuật Quân khu 3. Mẹ là nghệ sĩ Thục An, vốn là ca sĩ, biên tập viên của Đài Phát thanh Nam Định.

Từ đó, anh có ý thức để lại giá trị nghệ thuật, tinh thần cho thế hệ sau như thế nào - nhất là khi anh có các con đang lớn lên?

- Tôi không nghĩ nhiều đến chuyện “để lại cái gì” cho thế hệ sau. Tôi nghĩ về hiện tại, mình đang có gì, có thể làm gì tốt nhất với khả năng của mình. Và tôi chọn làm âm nhạc bằng tất cả những gì tốt nhất mình có. Tôi cùng ekip luôn nỗ lực tạo ra những sản phẩm âm nhạc tử tế, giàu cảm xúc và có ý nghĩa tích cực. Đó là cách tôi sống và tận hưởng cuộc sống, cũng là cách để các con tôi nhìn thấy một hình mẫu sống trách nhiệm.

Thời gian gần đây, âm nhạc thiên về giải trí, gợi cảm nhiều, công chúng sa đà vào drama và tin tiêu cực. Anh nghĩ gì về xu hướng này?

- Tôi nghĩ đó là hiện tượng tất yếu của thời đại. Công nghệ khiến việc lan truyền nội dung trở nên dễ dàng, nên ai cũng có thể đưa sản phẩm của mình ra xã hội. Trong đó, có những cái “làm nhăn mặt”, nhưng cũng không thiếu sản phẩm chất lượng, sáng tạo và tử tế.

Tôi tin rằng mặt bằng chung của thị trường đang phát triển tích cực. Các sân khấu lớn, các nhà sản xuất trẻ tài năng, họ đang góp phần đẩy chất lượng lên từng ngày. Vẫn có “cái này cái kia”, nhưng tổng thể, thị trường đang trưởng thành và mở rộng. Quan trọng là, bạn nhìn thị trường ở góc nào, và bạn chọn vị trí nào cho mình trong đó.

Anh có định hướng cho hành trình âm nhạc tích cực không?

- Tôi không tự gắn cho mình trọng trách lớn lao. Tôi chỉ lắng nghe tiếng nói trong trái tim mình. Rất may là trái tim tôi luôn hướng về những điều tích cực. Có lẽ vì vậy, âm nhạc tôi làm cũng mang tinh thần như thế. Tôi tin rằng âm nhạc là một bữa tiệc, ai thích vị gì thì tìm món đó. Có người thích buồn, có người thích sâu lắng, có người thích vui vẻ, lạc quan. Tôi chọn thể hiện con người mình trong âm nhạc sôi nổi, tích cực và truyền cảm hứng.

Dự án Bach20 là nơi anh mang tới tinh thần yêu nước ra sao?

- Với tôi, đất nước và con người là điều thiêng liêng. Một cách tự nhiên, kể từ khi tôi viết “Chạm vào vinh quang” tôi bắt đầu gọi các dự án của mình là Bach20. Đó là tinh thần tích cực, lạc quan và luôn tò mò như tuổi 20 của chính tôi.

Từ đó, tôi viết và hát nhiều hơn về cuộc sống, về con người, về đất nước. Như một quá trình trưởng thành và chuyển hóa, khi bạn biết yêu thương, bạn sẽ thấy mình muốn làm gì đó cho nơi mình sinh ra. Và âm nhạc là cách tôi chọn để thể hiện.

Làm sao để anh dung hòa truyền thống và hiện đại trong âm nhạc, khi thị hiếu đang biến động liên tục?

- Tôi nghĩ không cần so sánh truyền thống và hiện đại vì chúng hiện diện trong từng khoảnh khắc cuộc sống. Trong từng ánh mắt, trong từng âm thanh đều có truyền thống lẫn hiện đại song hành. Điều quan trọng là tri thức, để nhận diện, “pha chế” và dung hòa các yếu tố ấy một cách mới mẻ. Trong âm nhạc, tôi thường dùng thang âm ngũ cung Bắc Bộ, đôi khi là vô thức, nhưng càng về sau tôi hiểu rằng, đó là dòng chảy trong mình.

May mắn là hiện tại tôi có những cộng sự tài năng, họ đã giúp tôi nâng tầm các bài hát bằng bản phối hiện đại, nhưng vẫn giữ được hồn Việt. Ví dụ như ở “Những bước chân của Rồng”, đoạn solo đàn bầu là điểm nhấn giữa dàn nhạc giao hưởng hơn 60 nhạc công, đó chính là cách chúng tôi lồng ghép tự hào dân tộc một cách tinh tế và hiệu quả.

Dự định và mong muốn của anh trong thời gian tới là gì?

- Tôi và ekip hiện đang trong giai đoạn cuối để hoàn thiện hai bài hát tiếp theo thuộc dự án “Lời trái tim Việt Nam”. Bên cạnh đó là các show diễn đã lên lịch, cả trong nước lẫn nước ngoài. Ngoài những sản phẩm cá nhân, tôi cũng đang thực hiện các dự án âm nhạc theo đơn đặt hàng của nhiều đối tác khác nhau, trong đó phần lớn có liên quan đến thể thao, lĩnh vực mà tôi thực sự đam mê và đang cố gắng đóng góp một cách bền bỉ và chuyên nghiệp nhất.

Xin cảm ơn anh!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhac-si-hoang-bach-toi-muon-bat-dau-tinh-yeu-dat-nuoc-bang-nhung-rung-cam-nho-nhat-10304681.html