Nhạc sĩ Huy Trân: Giữa trời xanh biếc xanh
Câu hát 'Con gà gáy le té le sáng rồi ai ơi/ Gà gáy té le té le sáng rồi ai ơi/ Nắng sáng lên rồi dậy lên nương đã sáng rồi ai ơi/ Rừng và nương xanh đã sáng rồi ai ơi...', trước nay tôi cứ ngỡ đây là bài dân ca của dân tộc Cống Khao, vậy mà hóa ra bài hát này lại là của một nhạc sĩ người Hà Nội.
Năm nay đã 83 tuổi, vậy mà khi nghe tôi ngêu ngao “Quả bóng tròn tròn là quả bóng xinh xinh/ Giữa thảm cỏ xanh sao bóng đứng một mình/ Phải đứng một mình vì quả bóng chưa ngoan/ Suốt ngày rong chơi nên các bạn cười chê” là ông cười tít. Nụ cười làm rạng rỡ hẳn gương mặt vốn gầy xương. Tôi biết nụ cười ấy phải là những người yêu trẻ con lắm mới cười được như thế.
Nhạc sĩ Huy Trân bảo: "Bài hát “Quả bóng” ngồ ngộ thế mà Văn cũng nhớ à. Tôi còn có bài hát tên là “Hòa bình cho bé” được in trong sách giáo khoa âm nhạc lớp 1". Rồi hứng lên ông khoe tiếp, bài “Gà gáy” thì in trong sách giáo khoa âm nhạc lớp 3, còn bài “Hãy cho em bầu trời xanh” in trong sách giáo khoa âm nhạc lớp 5.
Nhạc sĩ Huy Trân khoe in ít thế chứ tôi biết ông “nổi tiếng” lắm. Những bài hát sáng tác cho thiếu nhi của ông được các em ưa thích kể ra cũng ngót nghét hai mươi bài. Mà toàn những bài “có giá trị” mới oách chứ. Như bài “Hòa bình cho bé” đấy, những câu như “Cờ hòa bình bay phấp phới giữa trời xanh biếc xanh/ Kìa đàn bồ câu trắng trắng mắt tròn xoe hiền hòa/ Hòa bình là tia nắng ấm thắm hồng môi bé xinh/ Nhịp nhàng cùng vang tiếng hát tay vòng tay bé ngoan”, cứ hát lên đến người lớn còn mê nữa là.
Nhạc sĩ Huy Trân kể rằng, hồi cuối năm 1979, ông đang ngồi nhà bế cô con gái mới sáu tháng tuổi thì nhạc sĩ Trịnh Lại đến chơi. Ông đưa cho Huy Trân bài thơ “Việt Nam. Bầu trời này. Mặt đất này” của nhà thơ Diệp Minh Tuyền cùng bài thơ “Trái đất này là của chúng mình” của nhà thơ Định Hải và nói: “Cậu phổ nhạc hai bài thơ này đi. Chắc được giải đấy”.
Thì ra năm đó, năm 1979, là “Năm Quốc tế Thiếu nhi”, bởi thế nên UNICEF đã tổ chức cuộc thi sáng tác bài hát cho trẻ em thế giới. Một cuộc thi có tính toàn cầu nên khá ngặt nghèo. Ban tổ chức yêu cầu mỗi quốc gia tham dự phải tiến hành “thi thơ” trước để chọn ra 2 bài thơ rồi mới đưa 2 bài thơ đó cho nhạc sĩ chuyên và không chuyên cùng phổ nhạc.
*
Quê gốc đâu như ở xã Phù Đổng ngoại thành Hà Nội, nhưng các cụ đã lưu lạc rồi định cư ở thành Nam từ hai đời trước. Thế là chú bé Trần Huy Trân thành người Nam Định. Cách mạng thành công, được bạn của cha mình - nhà cách mạng Đặng Châu Tuệ - giới thiệu, chú bé Trân vào Đội Nhi đồng cứu vong. Đội chỉ có hơn chục đội viên nhưng “hoạt động” khá lôi cuốn. Nhưng chuyện nhớ nhất là đội được Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ trong lần Bác về thăm Nam Định ngày 10 tháng 1 năm 1946. Lần đó Bác khen các cháu tuy tuổi nhỏ nhưng có chí lớn và Bác còn thưởng kẹo.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chú bé Trân “vui như tết” khi được cùng cha tự tay châm lửa đốt nhà mình để “tiêu thổ kháng chiến”, trong khi đó mẹ chú thì khóc rấm rứt. Rồi chú một tay cầm lồng có con chim sáo, một tay cầm cần câu tung tẩy đi theo cha, lòng chộn rộn sướng vì nghĩ lần này về quê sẽ tha hồ câu cá bắt chim.
Tản cư vào Thanh. Gia đình cậu ở làng Ngò bên huyện Thiệu Hóa, chú bé Trân học tiếp phổ thông trong ngôi trường mang tên chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền. Nhưng thích nhất là chú được theo học đàn violon với thày Tạ Phước, đó cũng là “cơ duyên” mở ra con đường âm nhạc của nhạc sĩ Huy Trân.
Trở về Thủ đô, những tưởng cậu Trân sẽ theo học trường y nhưng “nỡ mang cái nghiệp vào thân” nên cậu “đột ngột” xin theo học lớp trung cấp ngắn hạn đào tạo cán bộ âm nhạc do Bộ Văn hóa mở. Học xong được giữ lại trường làm giáo viên theo kiểu người học trước dạy lại cho người học sau. Mấy năm “làm thầy” đáng nhớ ấy thật vui vì có những “học trò lớn” như ca sĩ Tường Vi, nhạc sĩ Trần Trương… đó là những năm 1955 – 1959.
Năm 1960, nhạc sĩ trẻ Huy Trân về công tác tại Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa. Ông ở đấy những hai mươi năm. Hai mươi năm làm công tác sưu tầm, nghiên cứu các loại nhạc cụ của các dân tộc nên ông đã hoàn thành nhiều công trình có giá trị như tập sách “Nhạc khí dân tộc Việt Nam và tính năng của nó” hay tiểu luận “Đàn bầu Việt Nam”, tiểu luận này được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp.
Nhưng đáng chú ý nhất là cái lần lên xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Chỉ mươi ngày “nằm” ở bản Bô Lếch mà anh cán bộ nghiên cứu dân ca trẻ đã “say đắm” những điệu hát, những câu hát do mấy chị mấy em người dân tộc Cống Khao hát lúc vui vầy. Những bài hát, những câu hát tuy ngắn ngủi về lời, còn thô mộc về giai điệu nhưng nó lại gợi lên những cảm xúc. Hỏi thì bà con chỉ cười, gặng mãi mới đại khái biết đó là bài “Ga phà té le”.
Lại hỏi và lại nghe cười vì chẳng có ai dịch dược ra lời Việt cho đủ nghĩa. Bà con chỉ nói là “tiếng con gà gáy sáng”, thế thôi. Thế thôi nhưng nhạc sĩ trẻ Huy Trân lại không "thôi". Anh cặm cụi suốt mấy buổi để nghe hát đi hát lại rồi ghi thành những nốt nhạc. Bản nhạc được hình thành và những ca từ do Huy Trân dựa trên giai điệu của lời hát cũng từ đó tuôn chảy. Chỉ mấy câu đơn giản nhưng nó đã đem lại niềm hứng khởi vui tươi mới mà lại vẫn rất Cống Khao.
Về Hà Nội, nhạc sĩ Huy Trân gửi bài “Gà gáy” tới Phòng Dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam. Không ngờ nó được đón nhận ngay và cô ca sĩ mới 17 tuổi tên là Thanh (sau này là Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa) hào hứng hát. “Bài hát chính thức được giới thiệu lần đầu vào năm 1965” - nhạc sĩ Huy Trân nhớ lại.
Quay về với “Cuộc thi sáng tác bài hát cho trẻ em thế giới” diễn ra năm 1979, nhạc sĩ Huy Trân kể: "Nhạc sĩ Trịnh Lại về rồi tôi thấy băn khoăn, thời gian còn ít quá, liệu mình có làm kịp không đây. Nhưng nhớ trước lúc về, ông Trịnh Lại đã động viên: “Năm 1960 cậu được giải A do Sở Văn hóa Hà Nội trao tặng cho bài hát “Gió nổi sóng trào” thì lần này “ăn giải” rồi.
Thế là những câu thơ “Hãy bay đi những mây đen/ Hãy cuốn đi những tiếng bom rền/ Em cần bầu trời xanh trong sáng/ Em cần mặt đất bình yên” cứ thôi thúc, cứ ngân nga trong đầu. Và 15 phút sau bài hát “Bầu trời này. Mặt đất này” với nét nhạc Tây Nguyên mạnh mẽ được hình thành. Lại cũng chỉ cần thêm 30 phút nữa là tôi đã phổ xong nhạc cho bài thơ “Trái đất này là của chúng mình”. Tôi thích lắm, đem khoe với vợ con. Vợ con động viên nên sáng hôm sau tôi đem 2 bài hát đi “thi”.
Tháng sau nhạc sĩ Vĩnh Cát, thành viên Ban giám khảo phía Việt Nam tới chơi, ông vui miệng kể, cuộc thi có gần 700 nhạc sĩ chuyên và không chuyên tham gia và trong cả ngàn bài hát dự thi có một bài mang nét nhạc Tây Nguyên được đánh giá cao lắm. Nhạc sĩ Huy Trân nghe mà “mở cờ trong bụng”, ông biết bài hát do mình phổ nhạc đã thành công.
Bài hát “Bầu trời này. Mặt đất này” (thơ Diệp Minh Tuyền), nhạc sĩ Huy Trân phổ nhạc, đội Sơn ca Cung thiếu nhi Hà Nội trình bày và bài hát “Trái đất này là của chúng mình” (thơ Định Hải) do nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc là 2 bài được ban giám khảo chọn từ 5 bài có điểm cao nhất cử đi dự thi quốc tế. “Một điều không ngờ tới” - nhạc sĩ Huy Trân lại cười tít, ông rất vui khi nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên (cuộc thi quốc tế năm ấy có 24 bài từ các quốc gia dự giải).
Nhạc sĩ Huy Trân chợt trầm xuống. Chặng đường công tác cuối của ông là khi ông về Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội làm biên tập viên âm nhạc cho đến khi nghỉ hưu năm 1996. Thời gian này ông ít sáng tác nhưng mấy trăm bài viết cho chương trình “Câu chuyện âm nhạc” lại đem lại cho ông sự cảm mến từ bạn nghe đài. Tôi ướm: “Nếu in thành sách chắc lý thú lắm”.
Cơn mưa rào do ảnh hưởng từ cơn bão số 6 đã dứt. Tôi xin phép ra về sau khi cảm thấy những gì mình cần khai thác ở nhạc sĩ Huy Trân đã ổn. Người nhạc sĩ già chìa bàn tay xương xẩu ra nắm chặt tay tôi, giọng buồn buồn: “Bây giờ người ta sáng tác bài hát cho trẻ em hình như trẻ em không thích lắm. Tôi nghĩ thế không biết có đúng không?”. Tôi gật đầu và hát khe khẽ thay câu chào: “Con gà gáy le té le sáng rồi ai ơi/ Gà gáy té le té le sáng rồi ai ời/ Nắng sáng lên rồi dậy lên nương đã sáng rồi ai ơi/ Rừng và nương xanh đã sáng rồi ai ơi”.