Nhạc sĩ Lương Sơn: Người làm mới âm nhạc Khmer Nam Bộ
Giới nhạc sĩ trong cộng đồng Khmer Nam Bộ có rất nhiều người tài hoa, nổi tiếng với những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng truyền thống đậm dấu ấn bản sắc dân tộc. Nhưng số nhạc sĩ có nhiều công phu tìm tòi sáng tạo để làm mới âm nhạc Khmer truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), nhạc sĩ Sơn Lương, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng.
Khởi nghiệp từ nhạc công
NSƯT, nhạc sĩ Sơn Lương còn có bút danh là Chanh Sa Thia, sinh ngày 13/2/1959, tại xã Phú Tân, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Khi tới tuổi trưởng thành, theo phong tục truyền thống của người Khmer Nam Bộ, ông đi tu ở chùa Champa từ năm 1973 đến năm 1975. Là người đam mê âm nhạc, lại biết chơi một số nhạc cụ, nên sau khi hoàn tục trở về nhà, ông được tuyển vào Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng.
Những năm tháng tham gia biểu diễn với vai trò của một nhạc công đã giúp ông ngày càng am hiểu sâu sắc hơn, đam mê hơn, yêu thích hơn những tiết tấu, giai điệu của âm nhạc Khmer truyền thống. Thời gian này, ngoài tham gia biểu diễn, ông cũng bắt đầu tập sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân ca Khmer Nam Bộ, biên soạn khá nhiều những tuồng tích cũ, cải biên làn điệu Dù kê cho tươi mới phù hợp với khán giả, được đông đảo công chúng yêu thích.
Nhận thấy rằng, để có thể gắn bó và đi xa hơn với sự nghiệp sáng tác âm nhạc mà mình đam mê theo đuổi, năm 1978, ông quyết định theo học lớp sáng tác hệ Cao đẳng Sư phạm (Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp, ông được cử làm chuyên gia giảng dạy âm nhạc tại Trường Nghệ thuật Trung ương Campuchia, rồi trở về phụ trách Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng. Với cương vị phụ trách một đoàn nghệ thuật Khmer nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, ông đã có công xây dựng nhiều chương trình ca múa nhạc đặc sắc để biểu diễn phục vụ công chúng rộng rãi và tham gia các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc đạt chất lượng cao, ghi được dấu ấn với nhiều giải thưởng cho tập thể và cá nhân ông cùng một số nghệ sĩ.
Trong sáng tác, ông viết nhiều thể loại âm nhạc với chất liệu xuyên suốt là âm hưởng nhạc Khmer truyền thống như ca khúc, nhạc múa, nhạc phim, nhạc cho sân khấu Dù kê…, nhưng công chúng biết đến tên tuổi ông nhiều nhất chính là nhờ những ca khúc: “Đua ghe ngo”, “Niềm vui trên đất nước Angkor”, “Phum sóc đón tin vui”, “Cô gái đồng quê”, “Tông Lê Sáp yêu thương”.
Luôn tìm sáng tạo
Không chỉ phát huy những giá trị đặc sắc, độc đáo trong kho tàng âm nhạc Khmer truyền thống, mà suốt nhiều năm qua, nhạc sĩ Sơn Lương còn tìm tòi sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm âm nhạc vừa phong phú, đa dạng về đề tài, vừa mới mẻ về tiết tấu, giai điệu, ca từ.
Để tồn tại và đứng vững trong hiện tại và tương lai, rất cần các nhạc sĩ vừa nỗ lực tâm huyết bảo tồn, phát huy, vừa phải tìm tòi sáng tạo cách tân làm mới âm nhạc Khmer truyền thống. Ông cho rằng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer không chỉ đơn thuần mang tính văn hóa mà là nội dung quan trọng hàng đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc.
Là người luôn trăn trở với những điều kể trên, với vai trò là người phụ trách Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, ông đã chỉ đạo kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả khó tính, vừa góp phần duy trì bảo tồn các loại hình nghệ thuật Khmer truyền thống như Rô băm, Dù kê. Đồng thời, ông cũng dành nhiều thời gian và tâm huyết để sáng tác âm nhạc với nhiều thể loại, trong đó nổi bật là thể loại ca khúc, với những bài hát được viết bằng hai thứ tiếng Khmer - Việt.
Ca khúc của ông về tiết tấu, giai điệu vẫn mang đậm chất dân ca trữ tình Khmer truyền thống, nhưng phần đề tài và ca từ phong phú hơn, mới mẻ hơn, hiện đại hơn mà vẫn giữ được bản sắc. Tiêu biểu là những ca khúc: “Xuân về trên đất Sóc thân thương”, “Chung một niềm vui”, “Tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia”… đều mang âm hưởng dân ca Khmer truyền thống, nhưng nội dung rất thời sự, hiện đại, trữ tình đằm thắm, giàu chất nhân văn rất dễ đi vào lòng công chúng đương thời.
Đặc biệt, những năm gần đây, đề tài về Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo trong những ca khúc của ông với nhiều cung bậc cảm xúc. Nói về Người, ông bộc bạch, cũng giống như người Kinh, người Chăm, người Hoa ở Nam Bộ, đồng bào Khmer luôn tôn kính Bác Hồ và khắc ghi công ơn của Người đã hy sinh cả cuộc đời để mang đến độc lập, tự do, hạnh phúc cho cả dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Chính từ sự tôn kính với Bác Hồ, ông luôn ấp ủ những sáng tác âm nhạc về Người với mong muốn tri ân đối với những công lao trời biển của Người.
Có thể nói, trong giới nhạc sĩ ở miền Tây Nam Bộ nói chung, cộng đồng người Khmer Nam Bộ nói riêng, ông là một trong những nhạc sĩ đã sáng tác nhiều nhất bài hát viết về Bác Hồ. Hình tượng Bác Hồ được ông thể hiện với nhiều góc độ, nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều sắc thái thật sinh động, tinh tế được đông đảo công chúng yêu thích. Mỗi ca khúc của ông đều được viết bằng hai thứ tiếng Khmer - Việt thể hiện tình yêu, sự biết ơn sâu sắc của đồng bào Khmer với Bác Hồ kính yêu như: “Phum sóc nhớ Bác”, “Lời ru nhớ Bác”, “Nhớ ơn Bác”, “Lời Bác vang mãi trong tim”.
Không chỉ sáng tác âm nhạc, trong hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật của mình, ông còn có rất nhiều công trình nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ rất có giá trị. Ông đã có trình độ thạc sĩ và đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về hoạt động nghệ thuật và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa dân tộc.