Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang: Tôi đã chạm vào nét tinh túy của âm nhạc cổ truyền
Ngô Hồng Quang dành 10 năm học và nghiên cứu về âm nhạc dân tộc để tạo ra một không gian âm nhạc riêng của mình. Quang chia sẻ: "Mỗi lần đưa những tác phẩm hoặc chất liệu âm nhạc của Việt Nam vào một không gian âm nhạc mới như jazz, world music, hoặc nhạc đương đại phương Tây, tôi thấy mình như được hồi sinh. Âm nhạc Việt Nam lại có cơ hội được trò chuyện, chia sẻ với những nền văn hóa khác".
Phóng viên (PV): Đây là một năm khá đặc biệt đối với tất cả mọi người, khi đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động. Nhưng có lẽ, với các nghệ sĩ thì đây là một năm tĩnh lặng để trở về với chính mình và sáng tạo. Anh từng chia sẻ với tôi giấc mơ đi thu gom chất liệu dân gian khắp các vùng miền. Hành trình đó đã đến đâu rồi?
Nhạc sĩ: Ngô Hồng Quang (NHQ): Tôi vẫn đang trên hành trình thu gom tinh hoa âm nhạc các vùng miền và tạo ra một không gian khác của Ngô Hồng Quang. Một năm qua, tôi ở lại Việt Nam, có khoảng thời gian tĩnh lặng để đi và khám phá. Hành trình đó có sự liên kết tới việc hướng về Việt Nam trong âm nhạc của tôi. Tôi ấp ủ dự định này từ rất lâu rồi. Tôi muốn kể cho khán giả nghe một câu chuyện khác về văn hóa dân gian các vùng miền bằng một ngôn ngữ mới, có dấu ấn đương đại. Tôi đã gom những sáng tác đó trong album "Tình đàn" sẽ giới thiệu với công chúng trong thời gian tới, một album âm nhạc dân tộc mộc mạc, giản dị và rất thú vị. Nó được phối rất mới, gồm các nhạc cụ dân tộc: nhị, đàn môi, đàn tính, đàn bầu, vừa độc tấu vừa hòa tấu. Tôi muốn trở về với những thứ nguyên bản, mộc mạc và hồn hậu nhất của âm nhạc, không phải với âm nhạc điện tử nữa. Đó cũng chính là hành trình trở về bản thể của chính mình, cội nguồn của mình.
PV: "Tình đàn" - đó cũng là cách anh tri ân các nhạc cụ đã cùng anh rong ruổi khắp nơi trên thế giới và tạo ra một không gian âm nhạc riêng của mình?
NHQ: “Tình Đàn” vừa là lời tri ân tới khán giả, vừa giống như một cuốn nhật kí ghi lại hành trình mang âm nhạc dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới của tôi. Sự giao thoa và song hành vô cùng tự nhiên của âm nhạc dân tộc cùng thanh âm đa dạng từ âm nhạc quốc tế, sự tổng hòa của truyền thống và hiện đại, cùng niềm hoài cổ, sự tương tác và môi trường âm nhạc không biên giới chính là nguồn cảm hứng vô tận tôi muốn gửi đến khán giả.
Tôi muốn tạo ra một không gian âm nhạc không chỉ của riêng người Kinh hay một nhóm người nào mà là cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Âm nhạc vùng miền rất thú vị, đa dạng, nó như một suối nguồn chảy không bao giờ cạn nếu ta yêu và biết cách đào sâu, tìm hiểu.
PV: Thật ra có nhiều nghệ sĩ yêu âm nhạc cổ truyền và đắm đuối với nó, còn Quang, không chỉ yêu, đắm đuối mà anh còn đưa âm nhạc cổ truyền lên một tầm cao mới. Điều gì ở âm nhạc dân tộc hấp dẫn anh đến thế?
NHQ: Vì sự khác biệt của nó. Ngoài ngũ cung ra (ngũ cung là bình thường và phổ biến) thì khác biệt đó chính là sự hoa mỹ, luyến láy cung quãng rất lạ. Như âm nhạc Tày Nùng có kiểu hát nghịch, đối, theo kiểu không gian âm nhạc truyền thống lâu đời, đó là lối hát Si (tức hát thi - thơ, hát đối đáp, hát giao duyên). Họ hát ứng tác lời, đối đáp hàng giờ với nhau, hai nam, hai nữ chứ không phải một nam một nữ. Nó ấn tượng ở chỗ, hai nữ mỗi người một bè, không phải bè thường mà rất nghịch, thậm chí rất chênh phô, nhưng không phải họ hát chênh phô mà âm nhạc của họ thế, mộc mạc, tự nhiên. Tôi đi Hà Giang khám phá âm nhạc người Mông, rồi Tuyên Quang, Lạng Sơn, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long,... Lên miền núi thấy người Tày hát then, chơi đàn tính và họ rất yêu âm nhạc của tôi, họ cảm ơn tôi đã mang nhạc cụ của họ ra thế giới. Đàn tính tuy ra một không gian khác lạ nhưng họ vẫn tìm thấy mình trong đó, vẫn có sự kết nối chặt chẽ với họ. Công việc sáng tạo luôn vất vả, nhọc nhằn nhưng nó mang lại cho tôi niềm hạnh phúc.
PV: Trong sự kết nối đó làm sao anh có thể giữ được bản sắc Việt Nam của mình?
NHQ: Đó là điều tôi luôn trăn trở, làm âm nhạc thế nào để vẫn giữ được chất Việt Nam trong sự kết nối với thế giới, thế giới mà vẫn rất Việt Nam. Tôi nghĩ, đó chính là linh hồn của âm nhạc ngũ cung. Ngũ cung Việt Nam hoa mỹ, luyến láy, đậm chất riêng không trộn lẫn, mỗi vùng miền có một âm sắc khác nhau. Tôi sáng tạo và thoải mái vẫy vùng trong đó. Âm nhạc châu Phi, châu Mỹ La-tinh, ở một số vùng miền cũng là âm nhạc ngũ cung, nhưng ở Việt Nam hoàn toàn khác. Tôi cảm nhận mình đang chạm tới vẻ đẹp tinh túy đó. Nó rất Việt Nam và vô cùng giá trị. Chúng ta cần quan tâm hơn tới những giá trị mình đang có và đưa nó vào không gian âm nhạc của mình. Đưa thế nào là câu chuyệ̣n khác. Bởi thực tế, chơi âm nhạc truyền thống như nguyên bản đã khó khăn, chơi được và đưa vào không gian mới còn khó khăn hơn nữa.
PV: Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từng chia sẻ với tôi những trăn trở về khoảng trống của nhạc dân tộc trong đời sống đương đại và cho rằng chúng ta đang vọng ngoại trong khi sở hữu những thứ rất có giá trị mà không biết nâng tầm. Quang nghĩ sao về điều này?
NHQ: Tôi là người tiên phong trên con đường gian nan này. Và con đường ấy khá đơn độc. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói rất đúng, chúng ta đang thiếu những người dám dấn thân, kết nối truyền thống với đương đại.Chúng ta phải dám bứt ra khỏi vùng an toàn thì âm nhạc mới đa dạng và phong phú được. Tôi nghĩ, chúng ta nên duy trì theo hướng nhìn vào cốt lõi và tinh thần của âm nhạc truyền thống, cần bảo tồn những gì Việt Nam nhất. Còn những nhạc sĩ vừa chơi nguyên bản vừa chơi đương đại, nếu họ đầu tư thời gian, tư duy và tình yêu, họ sẽ làm được.
PV: Có một thực tế hiện nay, không chỉ là câu chuyện truyền thống trong dòng chảy đương đại mà ngay truyền thống cũng đang bị phai màu?
NHQ: Đúng thế, truyền thống đang phai màu và ngày càng có ít người chơi nhạc dân tộc. Những người còn lại không nhiều, người trẻ không kế tiếp. Điều đáng quan tâm là cách nhìn nhận về vấn đề đó. Làm thế nào để giữ được nguyên bản ấy một cách đúng nghĩa. Giữ không phải bảo thủ mà trên tinh thần là cái của tôi, tôi giữ ở góc này, góc khác tôi đưa lên, giao thoa, kết nối với các chất liệu, vùng văn hóa khác. Đó mới đúng tinh thần của cộng đồng thế giới cùng hòa nhịp sống chung trên trái đất này. Tương lai thế giới sẽ không có biên giới về văn hóa, khoảng cách về biên giới sẽ thu hẹp dần, con người sẽ sống thoải mái hơn, tự do sáng tạo hơn. Tính bản địa đương nhiên là có, nhưng bản địa của mình sẽ sống cùng bản địa khác chứ không phải sống độc lập, đó là câu chuyện con người chúng ta sẽ trở thành một cộng đồng chung trong tương lai. Điều tôi nhấn mạnh là sự kết nối, bằng nhiều hình thức. Kết nối sẽ mở ra nhiều cơ hội lan tỏa âm nhạc của mình thay vì đóng cửa. Chúng ta không nên bảo thủ và cực đoan, vì mọi thứ đều chuyển động và mình cũng phải chuyển động, cần lắng nghe xem thế giới thế nào để cùng hòa vào dòng chảy đó.
PV: Như anh nói, có vẻ mọi người đang quá cầu toàn, không dám mạnh dạn bứt phá khỏi bờ ao nhà mình? Và âm nhạc dân tộc, nhiều năm nay vẫn chủ yếu ra nước ngoài bằng con đường giao lưu văn hóa?
NHQ: Đó là một khoảng trống. Tôi nghĩ, chơi nhạc truyền thống cũng tốt, nhưng sẽ tốt hơn khi có những sáng tạo mới. Tôi thích làm nghệ sĩ tự do sáng tạo và được vùng vẫy trong không gian âm nhạc riêng của mình. Vùng vẫy ở đây có nghĩa là mình được chơi âm nhạc theo nhiều chiều hướng khác nhau, nhiều góc độ khác nhau và hấp dẫn người nghe.
PV: Mười năm để có một dấu ấn Ngô Hồng Quang, anh có thấy vất vả và đơn độc?
NHQ: Tôi may mắn xác định từ rất sớm rằng con đường của mình đầy rẫy chông gai và mệt mỏi, nhưng tôi luôn kiên định với lựa chọn riêng.Tôi không thể lao đầu vào thị trường ồn ào ngoài kia. Tôi thích có sự kết nối chân thật với khán giả. Tôi nghĩ quan trọng là mình tìm được con đường mình đi, hiểu mình là ai và mình muốn gì? Khi hiểu rõ điều đó thì mình cứ làm việc và sáng tạo, thực hiện những dự án, ý tưởng và tiếp tục cho hành trình âm nhạc của Ngô Hồng Quang đầy lên, phong phú hơn.
Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: VIỆT LINH
Trình bày: ĐỨC DUY