Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: Tài danh từ tuổi 20
Với một người sáng tác, cả đời mà có được chỉ một tác phẩm sống mãi theo thời gian cũng đã là quý lắm. Có nhiều ca khúc bất hủ, lại có từ khi còn rất trẻ thì quả là hiếm hoi. Đó là trường hợp Nguyễn Văn Thương - một nhạc sỹ lớn có bề dày tác phẩm giá trị và sự đóng góp rất đáng kể ở nhiều lĩnh vực cho nền âm nhạc nước nhà (đào tạo, quản lý, đối ngoại...).
Nguyễn Văn Thương (1919-2002) sinh ở Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình có bố và mẹ đều là những người yêu thích và có chơi âm nhạc nên thừa hưởng được “zen” di truyền. Năm 16 tuổi, vừa tốt nghiệp trường phổ thông, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thương cùng bạn bè rủ nhau gặp mặt liên hoan chia tay. Rồi họ lướt thuyền trên sông Hương du hý, thưởng ngoạn cảnh sắc nên thơ của quê hương.
Vô cùng cảm xúc trước bức tranh thiên nhiên diễm lệ, đêm ấy, chàng về lập tức viết nên bài hát “Trên sông Hương” với âm điệu hết sức êm dịu, lãng mạn: “Chiều tàn trên bến sông Hương lờ trôi. Bóng chim bay về chân núi xa vời. Chiều tàn trên bến mang theo hoàng hôn. Dòng sông buồn mơ chiếu áng mây hồng...”. Bài hát sau đó được rất nhiều ca sỹ thể hiện. Nhiều nghệ sỹ ở hải ngoại đã không biết tác giả là một cậu học sinh mới 16 tuổi - cái tuổi choai choai chưa định hình tính cách, thường vẫn còn rất lông bông, lêu lổng. Vậy mà bài hát lại rất mơ mộng, sâu lắng cứ như của một tác giả đã trưởng thành, chín chắn.
Cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.\
“Trên sông Hương” đã hay. Nhưng 4 năm sau - lúc 20 tuổi - Nguyễn Văn Thương còn viết bài thứ hai hay hơn. Đó là bài “Đêm đông” rất nổi tiếng, không ca sỹ nào không thuộc nằm lòng và trở thành một trong những bài “tủ” nhất của họ: “Chiều chưa đi màn đêm buông xuống. Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông. Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời, cùng mây xám về ngang lưng trời...”.
Tôi cho rằng trong những ca khúc ta vẫn gọi là “tiền chiến”, “Đêm đông” nằm trong tốp những bài hay nhất, sống mãi theo thời gian. Bài hát mới nghe lần đầu đã rất ấn tượng, càng nghe càng thấy hay. Và nếu ai biết hát thì càng hát càng thấy “đã” với những quãng giai điệu khi “đổ” rất sướng, có thể khoe được hết vẻ đẹp của giọng. Bởi vậy mà hầu như bạn nào học thanh nhạc trong các trường nhạc cũng tìm đến bài này để thi phần hát ca khúc Việt Nam.
Khi Nguyễn Văn Thương chưa qua đời, do rất ngưỡng mộ tài năng của ông mà tôi có nhiều dịp tiếp xúc, trò chuyện với ông. Tôi tỏ sự ngạc nhiên khi thấy ông viết bài hát này lúc mới 20 tuổi, chỉ sau khi viết “Trên sông Hương” có 4 năm. Càng thú vị hơn về “Đêm đông” khi tôi được tác giả cho biết đầu đuôi, xuất xứ việc ông cho ra đời bài hát.
Năm 1939, sau khi học xong ở quê (Huế), gia đình cho Nguyễn Văn Thương ra Hà Nội học tiếp tại trường Thăng Long. Ông say mê âm nhạc, đặc biệt rất thích cây đàn guitar Hawali. Tại Hà Nội khi đó có hiệu đàn Đông Phát, phố Cầu Gỗ nổi tiếng. Ông có ý muốn mua nhưng giá những 1,5đ (tiền Đông Dương khi ấy), phải vét tiền trong túi để đặt “cọc” trước 5 hào và căn cước. Lúc này đã cận kề Tết Nguyên đán. Thế là Tết năm đó, chàng nhạc sỹ trẻ đã không đủ tiền để đi tàu về Huế. Đúng đêm giao thừa, tại nơi đất khách quê người, chàng buồn, nhớ nhà da diết.
Ngay từ chập tối, không hiểu sao đôi chân của chàng cứ tự nhiên lê bước ra ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ) mặc dù biết rõ mình không thể lên tàu về Huế vì đã dốc hết tiền để đặt “cọc” mua đàn. Thế là khi con tàu xuôi Nam chuyển bánh, chàng cứ thế đi dọc theo con đường song song với đường sắt (bây giờ là đường Lê Duẩn). Đêm giao thừa thường khiến con người ta nảy ra nhiều cảm xúc, tâm trạng, nhất là với chàng trai trẻ xa nhà như Nguyễn Văn Thương.
Ông buồn, đến ngã tư Khâm Thiên thì rẽ tay phải chứ không về nhà trọ ở ngõ Hội Vũ. Ông cứ đi lang thang như thế một hồi lâu. Phố Khâm Thiên khi ấy là phố cô đầu. Cả trong mọi ngõ, ngách của con phố này đều là những tiệm hát cô đầu. Khách mày râu vào đây, vừa ngả ngốn bên bàn đèn hút thuốc phiện, vừa nghe các cô nương hát các bài theo làn điệu ả đào. Khi thấy bóng người đàn ông đi qua, từ trong căn phòng, một cô mở cửa bước vội ra để đón khách. Cô nương này thấy khách là một cậu mặt còn non choẹt thì thất vọng bước vào. Nguyễn Văn Thương nhìn thấy cô uể oải nhìn gương vuốt lại mái tóc. Chi tiết này khiến ông viết nên câu “Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng”.
Và đêm hôm ấy, sau khi đi lang lang lòng vòng một hồi lâu đến quá giao thừa thì ông về nhà trọ. Bao nhiêu tâm trạng buồn nhớ quê hương, thấy mình cô đơn, xa lạ giữa nơi đất khách, ông không thể ngủ, đã ngồi dậy viết một mạch xong bài “Đêm đông”, với những lời mở đầu thật buồn thương thống thiết được chuyển tải bằng một giai điệu viết ở giọng thứ, tiết tấu dàn trải nghe rất nao lòng: “Chiều chưa đi, màn đêm buông xuống. Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông. Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời cùng mây xám về ngang lưng trời...”.
Sau đó, khi học xong ở Hà Nội, trở về Huế, Nguyễn Văn Thương cho nhiều người nghe bài này. Ai cũng rất thích, yêu cầu ông dạy cho họ. Không ít người hỏi rằng ở Hà Nội có nhiều người đi đạo Thiên Chúa hay sao mà trong bài có câu: “Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông”. Ông giải thích: Hà Nội không có nhiều người theo đạo này mà theo đạo Phật nhiều hơn. “Tiếng chuông” trong bài là chuông của những người tụng kinh, gõ mõ vào lúc sắp đến giây phút giao thừa. Đó là những người vừa niệm Phật, vừa tụng kinh, vừa gõ mõ, thỉnh thoảng lại gõ vào chuông, phát ra tiếng “boong”. Vậy nên mới “lững lờ tiếng chuông”, tức tiếng nhỏ, thưa thớt, chứ nếu tiếng chuông nhà thờ Thiên Chúa thì phải dồn dập và to, vang xa hơn chứ không thể “lững lờ”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thời trẻ.
Nguyễn Văn Thương viết “Đêm đông” không chỉ biểu hiện tâm trạng của mình mà còn nói hộ tất cả những người có chung cảnh ngộ như ông trong thời khắc giao thừa phải xa quê hương, những người ruột thịt. Câu cuối cùng trong bài hát này bị không ít người hát sai lời: “Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà” khiến tác giả rất phiền lòng. “Cô lữ” là người đi xa quê (lữ) sống trong hoàn cảnh cô đơn (cô). Đã bị hát sai là “cô nữ”. Không phải là phát âm ngọng mà là không hiểu nghĩa từ “cô lữ”. Đương nhiên, nếu hát là “cô nữ” sẽ không có nghĩa gì.
Đến năm 1942, Nguyễn Văn Thương có thêm bài “Bướm hoa” cũng rất lãng mạn. Cùng với hai bài trên, ông được coi như người mở đầu của dòng tân nhạc Việt Nam. Vậy mà chỉ ít năm sau, khi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp bùng nổ, ông đã nhanh chóng chuyển mình, bắt nhịp được với mạch tình cảm của toàn dân để viết nên bài “Bình - Trị - Thiên khói lửa” là một trong những ca khúc kháng chiến hay nhất: “Hướng về Nam, ai từng vô sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi Nong...”.
Nếu chỉ mấy năm trước, bài hát của ông lãng mạn, đượm buồn, bâng khuâng, man mác thì đến năm 1948, bài “Bình-Trị- Thiên khói lửa” ra đời lại là sự tương phản rất rõ bằng việc biểu hiện lòng sục sôi căm thù giặc, cháy bỏng ý chí chiến đấu của quân dân ta. Đây là một bức tranh bằng âm thanh rất sinh động về cuộc kháng chiến ở miền Bình -Trị - Thiên những năm tháng đó.
Sau ngày hòa bình lập lại (1954), Nguyễn Văn Thương tập kết ra Bắc rồi được tu nghiệp ở CHDC Đức. Sau đó ông tiếp tục phát triển sự nghiệp sáng tác với việc ra đời hàng loạt ca khúc có giá trị, sống mãi trong tâm khảm công chúng: “Đi gieo những hạt mùa xuân”, “Bài ca trên núi” (trong phim “Vợ chồng A Phủ”), “Dân ta đánh giặc anh hùng”, “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” (phổ thơ Tố Hữu), “Bài ca hữu nghị Việt - Lào”, “Dâng Người tiếng hát mùa xuân”, “Lá thư gửi mẹ”... Ông cũng là một trong những nhạc sỹ viết khí nhạc (không lời) nổi tiếng và là người đầu tiên viết nhạc cho múa ở Việt Nam. Nhiều tác phẩm của ông mang tính mẫu mực và đã nằm trong giáo trình giảng dạy trong các trường nhạc.
Không chỉ sáng tác giỏi với những tác phẩm để đời như ta đã thấy, Nguyễn Văn Thương còn là nhà quản lý, nhà sư phạm âm nhạc tài ba. Ông đã có công phát hiện và đào tạo nên nhiều tài năng âm nhạc trong lĩnh vực sáng tác và ca hát. Ông từng kiêm nhiệm hai vai trò lớn: Vừa là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, vừa đồng thời là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trong một thời gian dài trước lúc nghỉ hưu. Với tầm nhìn xa sắc sảo, ông đã quyết định nâng khoa Âm nhạc Cổ truyền tại Nhạc viện Hà Nội từ trung cấp lên đại học và cho đào tạo nhạc nhẹ mà trước đó không có. Nhiều thế hệ nhạc sỹ và ca sỹ đã rất biết ơn ông - người thày, người cha kính yêu của họ. Với nhiều thành tích rất lớn trong sự nghiệp, ông được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: NSND, NGND, Giáo sư, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Năm 2002, Nguyễn Văn Thương qua đời, để lại một khoảng trống lớn không dễ có thể bù đắp.