Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Người được lịch sử chọn viết những ca khúc bất hủ
Trong kho tàng sáng tác của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để lại nhiều ca khúc 'tỉnh ca' nổi tiếng như thể viết về chính nơi mình sinh ra. Nhạc sĩ Nguyễn Cường gọi đó là người được lịch sử chọn để thực hiện sứ mệnh lớn lao với âm nhạc. Và để được chọn, đó phải là người hội tụ đủ nhân cách, văn hóa, tri thức và tài năng… mới được thời đại trao trọng trách làm nên những tác phẩm đẹp, sống mãi với thời gian.
Những đóng góp lớn lao với âm nhạc
Sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật và cuộc sống cô quạnh tuổi già, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã ra đi vào lúc 17h15 ngày 26/12 tại nhà riêng ở đường Trần Khắc Chân (quận 1, TPHCM). Ông hưởng thọ 95 tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm Giáp Tý (1924) tại Vinh, Nghệ An, quê gốc ở Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông là "trùm một phường bát âm" của miền quê Vĩnh Phú, thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào. Thuở bé, ông học ở Trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của Tino Rossi đang thịnh hành lúc bấy giừ.
Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca. Ở đó ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hòa thanh, hát bè. Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawaii.
Lĩnh hội nhiều chất liệu âm nhạc từ khi còn trẻ nên có thể nói, con đường âm nhạc gắn với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý như là một định mệnh. Nhạc sĩ Nguyễn Cường thì gọi đó là người được lịch sử chọn để thực hiện sứ mệnh lớn lao với âm nhạc. Và để được chọn, đó phải là người hội tụ đủ nhân cách, văn hóa, tri thức và tài năng… mới được thời đại trao trọng trách làm nên những tác phẩm đẹp, sống mãi với thời gian.
Theo "nhạc sĩ của Tây Nguyên", trong kho tàng âm nhạc hiện đại Việt Nam, giá trị lớn nhất là những sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong khoảng thời gian đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã để lại nhiều dấu ấn độc đáo và sẽ mãi mãi được nhân dân ghi nhận.
Nói về đóng góp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng, tài năng của ông được thể hiện ở 4 tác phẩm tiêu biểu: "Dáng đứng Bến Tre", "Mẹ yêu con", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh". Chỉ cần 4 tác phẩm đó thôi cũng đủ để nói lên tầm vóc và đóng góp lớn lao của người nhạc sĩ tài hoa.
Bài "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" là một bài đậm chất chèo, rất Bắc bộ. Còn "Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" mang hồn dân ca ví dặm, rất miền Trung. "Dáng đứng Bến Tre" đậm đà chất dân ca Nam bộ. Ba bài hát đại diện cho 3 vùng Bắc Trung Nam. Có thể nói: "Còn Hà Tĩnh, Bến Tre thì còn hai ca khúc đó".
Cũng giống như nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi với bài "Người Hà Nội" vậy. Không chỉ là dấu ấn của nhạc sĩ mà cao hơn, nó như là sự trưng cất, là hồn vía của vùng đất đó đặt lên vai nhạc sĩ vậy. "Mẹ yêu con" lại là tác phẩm mang hơi hướng cổ điển, như một bản Aria, Romance nhưng được chuyển hóa bằng thứ ngôn ngữ rất gần gũi, rất Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng cho rằng khi đánh giá thành tựu của một nhạc sĩ thì điều quan trọng nhất là nhìn nhận ở góc độ sáng tạo về nghệ thuật, ngôn ngữ âm nhạc chứ không đơn thuần chỉ là dựa vào sự yêu thích của khán giả. Âm nhạc Nguyễn Văn Tý sở dĩ vẫn sống đến hôm nay vì nó được viết từ sự nghiên cứu và vận dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân gian, dân ca của vùng đất đó vào đời sống đương đại.
Thứ hai là, âm nhạc của ông đã đóng góp vào sự phát triển của ngôn ngữ âm nhạc! Cả hai điều lớn lao ấy đều được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chuyển tải một cách tài tình, trở thành những biểu tượng của âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng từng chia sẻ về phương pháp sáng tác rằng để làm nên các ca khúc có sức sống lâu bền, cách của ông là nói bằng hơi thở của vùng đất mình đang sống.
Theo đó: "Khi viết về vùng đất nào phải dùng ngôn ngữ của vùng đất đó. Phương pháp sáng tác của chúng tôi ngày trước là phải đi thực tế. Mà khi đi thực tế việc đầu tiên là học dân ca. Sau đó sống cùng với dân, nghe dân nói chuyện. Về dân ca xứ Nghệ thì là quê tôi rồi, ngấm vào máu rồi, không nói nữa. Nhưng viết "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", tôi phải về Kinh Bắc, cùng tham gia những đêm quan họ, cố gắng cảm được cái hồn của con người và đồng đất ở đó. Viết "Em đi làm tín dụng", tôi học theo dân ca Tày.
Sau giải phóng, chuyển vào sống ở TPHCM, tôi đã nói với nhà tôi: "Có lẽ ta phải sống khổ khoảng dăm năm nữa để anh học làm người Nam Bộ, rồi mới tính chuyện sáng tác tiếp được...". Sau đó đúng là mấy năm tôi không viết, đi theo vợ chồng Lư Nhất Vũ - Lê Giang sưu tầm dân ca. Để sau này có được "Dáng đứng Bến Tre""...
Với những đóng góp nổi bật này, năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông cũng là một trong 5 nhạc sĩ đầu tiên sáng lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam.
Tuổi già khó khăn, cô quạnh
Sự nghiệp lừng lẫy như vậy nhưng đời sống riêng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lại mang nhiều nỗi buồn. Tuổi già của ông là những ngày tháng cô quạnh, thiếu thốn và bệnh tật trong căn nhà chật hẹp hơn 10m2 ở một con hẻm nhỏ. Chăm sóc ông nhiều năm qua là người cháu họ xa. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ biết hoàn cảnh của ông cũng thỉnh thoảng ghé thăm, động viên, an ủi nhưng điều đó không thể làm vơi đi nỗi buồn của cuộc sống thiếu người thân bên cạnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trải qua 2 cuộc hôn nhân. Người vợ đầu tiên kết hôn được 1 năm thì mất vì bệnh, để lại cho ông cô con gái nhỏ. Vốn nổi tiếng hào hoa, đẹp trai, lại nhiều tài lẻ như đàn hay hát giỏi nhưng gần 10 năm sau đó, ông mới gặp người vợ thứ hai nhờ sự mai mối chính em gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Cũng như ông, bà từng có một đời chồng và 4 người con nhưng điều đó không ngăn được tình yêu mà ông dành cho bà. Bằng tình yêu thương mãnh liệt đó, ông đã viết nên ca khúc bất hủ "Mẹ yêu con".
Ca khúc "Mẹ yêu con" từng là sự trưng cất tình yêu của ông dành cho vợ và cô con gái nhỏ: "Miệng con chúm chím xinh xinh/Như đài hoa đang hé trên cành/Khát nắng mới và sương lành/Lá thắm rung cánh tay/Ôm ấp lấy hòa bình…". Tuy nhiên, ít ai ngờ ông lại có đời sống hiện thực khác nhiều với ca khúc.
Những năm tháng sống một mình, ông từng nhiều lần phàn nàn vì sự bỏ rơi của người thân. Phần vì tuổi già khó hợp với con cháu, phần vì các con ông cũng có cuộc sống khó khăn nên không có nhiều điều kiện để chăm sóc cho bố. Với tiền lương, phụ cấp hoạt động trước cách mạng, tiền tác quyền, tất cả chừng 4 triệu đồng mỗi tháng không đủ để ông sinh hoạt tằn tiện, lại còn thuốc men, trả lương cho cô cháu gái chăm sóc ông nhiều năm qua.
Thỉnh thoảng có bạn bè, nghệ sĩ và khán giả yêu mến tác phẩm của ông tìm đến giúp đỡ ít nhiều nhưng rồi người ta vẫn không khỏi ngậm ngùi, xót xa khi ông không được hưởng một cuộc sống đầy đủ, sung túc xứng đáng với những đóng góp mà ông cống hiến cả một đời.
10h sáng 27/12, linh cữu nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được di quan ra Nhà tang lễ TPHCM. Lễ an táng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào sáng 29/12 tại nghĩa trang hoa viên Bình Dương, nơi có nhiều nghệ sĩ đang yên nghỉ như: nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Sơn Nam, soạn giả Viễn Châu, GSTS Trần Văn Khê, nhà thơ Kiên Giang...