Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống cô độc để làm nên những sáng tác để đời
Lần cuối thăm ông, tôi cứ cảm thấy ở ông có một cái gì đó cô độc - sự cô độc thường thấy của những người nghệ sĩ.
Chiều 26/12, nghe tin lão nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời, một cảm giác buồn man mác và những dòng suy tư về ông cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Nhớ lại lần đầu cũng là lần cuối vào thăm ông, cuộc trò truyện vui vẻ về âm nhạc, những bức hình chụp kỷ niệm và cả một lời hứa hẹn quay lại lúc ra về. Nghĩ lại, tôi giật mình vì bản thân và những người đồng nghiệp, bạn bè của mình vẫn còn nợ cố nhạc sĩ một lời hứa.
Lần đó là vào năm 2015, tôi và một số người bạn bay vào TP HCM thăm nhiều nhạc sĩ trong đó có ông Nguyễn Văn Tý khi ông đã 90 tuổi. Ông hiền lành, dễ mến, rất thích nhiều người đến thăm và trò chuyện, đôi khi có chút khó tính, giận hờn của tuổi già nhưng vô cùng đáng yêu. Chúng tôi bàn tán rất sôi nổi về âm nhạc. Khi ra về, ông nắm tay hẹn chúng tôi nhớ quay lại thăm.
Người ta vẫn thương cảm khi Nguyễn Văn Tý phải sống cô độc một mình cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay. Thế nhưng, với tôi, cuộc đời mỗi con người là một số phận, không ai giống ai. Sau lần tới thăm ông, bản thân tôi cũng có cảm giác, ông thật cô độc. Sự cô độc ấy không hẳn vì tuổi già cô đơn. Đó cũng chính là thứ luôn hiện hữu trong tâm hồn nhiều người nghệ sĩ, tất nhiên, không ngoại trừ ông. Nhưng chính những cảm xúc đó lại là chất xúc tác mãnh liệt làm nên những sáng tác để đời nhiều thế hệ của lão nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Sinh ra trong một gia đình có bố là văn công có tiếng, thường xuyên đi biểu diễn nhạc cách mạng tại vùng Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh). Vì thế, tôi may mắn được nghe nhạc cách mạng từ nhỏ nói chung và nghe rất nhiều nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nói riêng.
Đối với tôi, âm nhạc của Nguyễn Văn Tý có ý nghĩa đặc biệt. Hồi đó, cứ mỗi lần nghe bố hát "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" là tôi mê lắm. Bài hát chứa đựng biết bao tâm tình của người lính, chứa đựng tình cảm mẹ con thiêng liêng, bao quát hơn là tình yêu quê hương của con người Hà Bắc và mở rộng ra nữa là cả một tình yêu đất nước.
Âm nhạc cách mạng có đặc điểm chung là truyền được cảm hứng, ngập tràn tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm mẹ con cho người nghe một cách mãnh liệt. Nhưng âm nhạc của Nguyễn Văn Tý lại vô cùng đặc biệt. Nó góp phần tạo nên một diện mạo chung cho âm nhạc thế kỷ 20.
Nó không chỉ truyền được cảm hứng mà còn mộc mạc, giản dị chứa bao tâm tình khác. Nguyễn Văn Tý được đóng đinh là nhạc sĩ của dòng nhạc cách mạng nhưng lại có nhiều sáng tác được liệt vào ca khúc lãng mạn, tiền chiến như "Dư âm". Đây cũng chính là bài hát mà tôi yêu thích nhất của ông. Bài hát này rất phù hợp với tâm hồn của tôi khi lớn lên. Nó nhẹ nhàng, tinh tế và thiên về nội tâm.
Tôi nghe nhiều người gọi Nguyễn Văn Tý là một nhạc sĩ tài hoa. Điều đó quá xứng đáng. Trong rất nhiều người đều chứng kiến và biết đến những câu chuyện, con người, phong trào thời đó nhưng không phải ai cũng làm được điều như Nguyễn Văn Tý đã làm.
Từ những gì quan sát được, ông đã tạo nên hình tượng người mẹ vô cùng thương con trong "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa". Cũng chính từ những gì được chứng kiến, cố nhạc sĩ truyền được sự hứng khởi của những chàng trai, cô gái Hà Tĩnh trong "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", và tạo nên hình ảnh chân chất vừa duyên dáng vừa kiên cường trong "Dáng đứng Bến Tre".
"Dáng đứng Bến Tre", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh"…của Nguyễn Văn Tý đều được coi là tình ca của địa danh mà ông viết. Với ca khúc ở vùng nào, ông khai thác chất ở vùng đó ngay từ âm hưởng của địa phương ấy, giống như những ca từ "Chứ đi mô mà cũng nhớ về Hà Tĩnh". Tuy nhiên, người miền Bắc nghe mà vẫn cảm nhận được.
Nguyễn Văn Tý có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và truyền cảm hứng khiến ta yêu lây những vùng đất mà ông đã đến, cảm nhận và kể lại trong tác phẩm của mình. Khiến ta dù có thể chưa đến mảnh đất ông kể cũng cảm thấy gần gũi và yêu nó đến nhường nào.
Giống như tôi, đã yêu Hà Tĩnh, Bến Tre từ khi tôi mới tuổi thiếu niên vẫn đang ở cùng gia đình tại Thị xã Bắc Giang (nay là thành phố), trung tâm của tỉnh Hà Bắc. Cũng là địa phương được ông kể lại bằng âm nhạc trong ca khúc "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa".
Rõ ràng, không phải ai cũng làm được điều đó. Đó là biệt tài của người nhạc sĩ tài hoa. Nhìn vào cống hiến của Nguyễn Văn Tý và nhiều nhạc sĩ cách mạng khác, chúng ta học được rất nhiều điều. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh đó là âm nhạc của Nguyễn Văn Tý và nhiều nhạc sĩ khác cùng thế hệ có tính tích cực và lan tỏa rất cao.
Bây giờ, ngồi nhìn lại tấm hình chúng tôi chụp kỷ niệm với lão nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại nhà ông trong chuyến đi đó, nhớ lại lúc chia tay nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cả nhóm hứa hẹn với lão nhạc sĩ lần tới vào TP.HCM sẽ tiếp tục ghé qua thăm ông. Sau đó cũng nhiều lần vào nhưng không đủ nhóm, rồi thì bận rộn những việc riêng chưa kịp ghé lại thăm ông. Vậy mà hôm nay! Không kịp thăm lão nhạc sĩ một lần nữa rồi!