Nhạc sĩ Phạm Tuyên qua hồi ức của con gái
Bài hát lớn lên cùng con vừa được NXB Kim Đồng cho ra mắt gồm hơn 20 mẩu hồi ức về những sáng tác dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên qua lời kể của con gái Phạm Hồng Tuyến.
Cuốn sách cho thấy những lát cắt nhỏ về cuộc sống gia đình Phạm Tuyên, cũng làm sống lại từng giai đoạn lịch sử của đất nước qua lăng kính của một em bé trưởng thành trong môi trường nghệ thuật.
Con lớn lên cùng bài hát
Phạm Hồng Tuyến cho hay: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người viết văn, chỉ tính viết những gì nho nhỏ xinh xinh. Có những thứ mình định đưa vào nhưng sau đó phải bỏ ra ngoài, bởi nói gì thì nói khi đọc một cuốn sách phải có mạch”.
Chẳng hạn ban đầu tác giả định viết về chùm 6 ca khúc Phạm Tuyên viết năm 1979 bắt đầu bằng Chiến đấu vì độc lập tự do, sau đấy là Có một đóa Hồng Chiêm, rồi Tiếng đàn bên bờ sông biên giới... “Có bài bi tráng, có bài tình cảm, động viên tinh thần thanh niên… tự nhiên nổi lên Tiễn thầy đi bộ đội rất trong trẻo. Sau khi trao đổi với biên tập tôi để lại bài này vì đang trong mạch Bài hát lớn lên cùng con”, chị kể.
Ai tiếp xúc sẽ thấy Phạm Hồng Tuyến có độ lí lắc, hay cười… không giống một người về hưu. Khi bạn đồng môn Tạ Bích Loan hỏi khiếu hài hước thừa hưởng từ ai, chị trả lời: “Ông bây giờ yếu rồi nên không hay nói hài được nữa, ngày xưa những chuyện trầm trọng đều được ông kể lại với vẻ nhẹ nhàng hài hước. Có một chút tính lạc quan ở đây”.
Hóa ra cuốn sách là món quà bí mật chị Tuyến muốn dành tặng bố nhân dịp sinh nhật, nên không có chuyện đưa bản thảo để ông góp ý. Chị cho tôi hay, nhạc sĩ rất bất ngờ trước món quà đặc biệt của con gái, ngạc nhiên vì có một số chuyện mình chưa từng biết. Ông cũng không hề có những nhận xét như “giá mà” hay “đáng ra nên thế này”… Chị kể: “Nhà từ thời ông nội nói chung có nếp để cho mọi mỗi cá nhân chủ động trong cuộc sống. Gần như không có chuyện bố mẹ bảo con phải thế này thế kia, thi cái gì, vào trường nào, làm gì toàn con tự quyết rồi thông báo, kể cả viết cũng thế”.
Riêng việc chị rất cố gắng để thi đỗ vào khoa Piano của Nhạc viện năm đó tỷ lệ chọi rất cao, rồi lại bỏ để tập trung học chuyên Toán, Phạm Hồng Tuyến có cảm giác bố mình cũng có đôi chút nuối tiếc, nhất là mỗi khi nhìn sang con nhà… các nhạc sĩ khác.
“Có điều về sau mình quay lại làm biên tập ca nhạc thiếu nhi gần với chuyên môn của cả bố và mẹ. Năm 2000, mình trong BTC cuộc bình chọn 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ. Năm 2017 sau đêm nhạc Nhớ và quên của ông, mình xác định dù là chuyên gia về nhạc thiếu nhi nhưng mình sẽ không làm cái gì chung chung nữa mà sẽ tập trung làm cho bố. Cũng là việc ý nghĩa cho xã hội, phát triển bài thiếu nhi mới là điều ông rất trăn trở”, chị nói.
Mặc dù không theo chuyên nghiệp nhưng các thầy cô ở khoa Piano vẫn tạo điều kiện cho con gái nhạc sĩ theo học kiểu gia sư trong khoảng gần 10 năm cho đến khi Phạm Hồng Tuyến du học ngành Sư phạm Nga văn ở Liên Xô (cũ). Chị kể: “Việc học đàn nghĩ lại cũng tương đối tiếc ở chỗ, có lúc mình không học tử tế, nghiêm túc. Trẻ con phải học nên có lúc cũng chán. Xưa không có điện thoại nên ông không biết có những buổi mình bảo bố mẹ đi học rồi lại cắp sách đi chơi”. Tuy nhiên vốn liếng piano cũng đủ để chị hôm nay trở thành cô giáo dạy đàn cho mọi lứa tuổi với phương châm: “Đến với piano không bao giờ là muộn”.
Ngoài ra đây cũng là thời gian để chị tập trung gìn giữ và phát huy “gia sản” của bố. Trong đó có hơn 40 bài có được do hai ông bà Phạm Tuyên và chuyên gia đầu ngành về giáo dục mầm non Nguyễn Thị Ánh Tuyết tìm kiếm trong kho tàng đồng dao và phổ nhạc. Mới chỉ có Gánh gánh gồng gồng và Rềnh rềnh ràng ràng đã được công bố. Nhiệm vụ trước mắt của Tuyến là phải nuôi dưỡng các đội ca thiếu nhi trước đây vốn phổ biến nhưng giờ đã trở nên khan hiếm. Chị dự tính hằng năm vào dịp sinh nhật nhạc sĩ sẽ làm một sự kiện như buổi ra mắt sách vừa qua. Chị ưu tiên quy mô ấm cúng để “chia sẻ được nhiều chuyện”…
Vài chuyện nhỏ về nhạc sĩ lớn
Nhiều bài hát thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên xuất phát từ những sự kiện trong tuổi thơ của con gái. Chẳng hạn chính từ bài Trường cháu là trường Mầm Non viết theo đặt hàng của trường mẫu giáo của Tuyến trên phố Thợ Nhuộm mà chữ “mầm non” từ tên riêng trở thành danh từ chung. Đến nỗi sau này người ta gọi là “ngành học mầm non” thay vì “mẫu giáo”. Khi Tuyến chuyển sang mẫu giáo Đống Đa, các cô biết có bố nhạc sĩ lại khẩn thiết nhờ viết cho trường một bài. Thế là Cô và mẹ rồi Cả tuần đều ngoan ra đời.
Trước khi đến tham dự buổi ra mắt sách của con gái, nhạc sĩ Phạm Tuyên phải thở khí dung. Việc này thành thông lệ hằng ngày do chứng viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Vì thế tuy ngồi xem từ đầu tới cuối nhưng ông chỉ phát biểu đúng hai câu: “Tôi cảm động khi thấy buổi hôm nay là một đóng góp có ích cho đời sống. Nhất là được các em nhỏ truyền đạt lại thì đấy là phần thưởng lớn nhất”.
“Bố tôi sống với một lá phổi từ mấy chục năm nay rồi. Các bác sĩ lần đầu thấy phổi của ông đều choáng. Do ông lao phổi lại hút thuốc từ thời trẻ”, chị Tuyến cho biết. Ngoài việc ít nói, nhạc sĩ vẫn hoạt động, đọc sách, xem tivi hằng ngày bình thường.
Bài Tiễn thầy giáo đi bộ đội cũng xuất phát từ câu chuyện ở trường Tuyến. Khi đó học lớp 4 Tuyến về kể cho bố rằng, thầy Việt dạy văn lớp con có tên trong danh sách tổng động viên mùa Xuân 1979. Lần này không có lời đặt hàng nào nhưng mấy hôm sau, nhạc sĩ đưa cho con gái bản nhạc, nói: “Đây là bài hát bố viết gửi tặng thầy Việt lớp con. Hôm nào liên hoan tiễn thầy thì các con hát thay lời chúc thầy lên đường mạnh giỏi nhé”.
Bài hát đến hôm nay mỗi khi cất lên vẫn làm trào lên niềm xúc động trong người nghe. Nhưng sau đó trường Kim Liên không phải tiễn thầy Việt nguyên mẫu lên đường nữa vì chiến sự đã lắng. Tuy nhiên sau này ít nhất có 5 người gặp Tuyến kể rằng cũng có thầy giáo tên Việt lên đường ra mặt trận thật.
Hồng Tuyến kể chị gái Thanh Tuyền không chỉ ngượng ngùng khi người khác nhắc đến tên bố mà “chỉ nghe chữ nhạc sĩ đã dúm lại rồi”. “Ông có sáng tác cho trường cấp 3 Đoàn Kết của chị một bài giống như kiểu sáng tác cho trường Mầm Non của tôi. Ông nghĩ thôi chắc tặng trường hát thì hát không hát thì thôi. Mãi sau này ông mới vỡ lẽ tuần nào dưới cờ toàn trường cũng hát bài này nhưng con gái giấu kín không nói năng chi”.
Năm 2016, lần đầu tiên nhạc sĩ từ chối “đặt hàng” viết về biển đảo cho chương trình truyền hình nhằm dịp Trung thu. Ông nói với con gái: “Bố giờ già yếu lắm rồi, không viết được gì nữa đâu…”. Nhưng ông vẫn lấy từ quyển sổ chép tay của mình bài Nơi ấy Trường Sa (1995) đáp ứng đúng yêu cầu của con.
Đợt COVID-19 đang hoành hành, Hồng Tuyến cùng tìm trong cuốn sổ bản thảo của bố được Khúc hát đôi bàn tay (2004) để thu âm và dàn dựng thành bài hát chống dịch được đông đảo khán thính giả hưởng ứng. Không chỉ chép nhạc mà Phạm Tuyên còn vẽ minh họa cho các bài hát trong hai cuốn sổ, kèm theo thời điểm ghi âm, ai hát đầu tiên... Nhạc sĩ từng tâm sự với con gái: “Nếu không theo nghề nhạc, chắc bố sẽ làm họa sĩ”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhac-si-pham-tuyen-qua-hoi-uc-cua-con-gai-post1511354.tpo