Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Vẫn nguyên niềm lạc quan

Nhạc sĩ Phó Đức Phương bị ung thư tụy đang điều trị ở bệnh viện tại Hà Nội. Cái tin ấy làm cho nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ lo lắng. Bệnh tật khiến ông phải nói chuyện một cách khó nhọc nhưng trong ông vẫn giữ niềm lạc quan.

Còn 2 năm nữa là chạm tuổi 80, nhạc sĩ đang yên lành khỏe mạnh thì đùng một cái cơ thể rệu rạo rồi yếu dần. Như chuyến tàu đi dần về cuối sân ga. Bác sĩ kết luận ông bị ung thư tụy, điều trị tại bệnh viện gần 2 tháng nay. Tuy nhiên, bệnh tình là vậy, ăn uống khó khăn nhưng nhạc sĩ vẫn lạc quan. Ai đến thăm, ông vẫn gắng gượng nói chuyện cho dù khó nhọc. Quả thật, cũng là rất nể con người cương cường nghị lực như thế.

Thật ra, ai biết đến nhạc sĩ Phó Đức Phương đều hiểu rằng càng gian nan nguy hiểm, càng khó khăn thử thách thì ông càng quyết tâm cao, hệt như người chiến sĩ ra trận. Còn nhớ hồi ông làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cả một quãng dài (từ 2002-2018) ca ngợi cũng có và điều tiếng, thị phi cũng không ít.

Tưởng là ông sẽ mệt mỏi lắm, người thân khuyên ông nên dừng lại, bỏ quách công việc ấy đi, chỉ chuyên tâm sáng tác. Ông tâm sự: Khi đọc Luật Dân sự năm 1995 về quyền tác giả, lòng tôi sáng bừng lên. Tôi nhiệt huyết và tin tưởng lắm. Phải bắt tay làm ngay thôi. Đó là ngây thơ. Chứ nếu người đã va chạm, từng trải, người ta không tin ngay như tôi đâu”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương hát “Cùng một con đò” trong đêm “Trên đỉnh Phù Vân” kỉ niệm 50 năm hoạt động sáng tác âm nhạc của mình.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương hát “Cùng một con đò” trong đêm “Trên đỉnh Phù Vân” kỉ niệm 50 năm hoạt động sáng tác âm nhạc của mình.

Về giúp việc cho nhạc sĩ Phó Đức Phương ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam còn có nhà văn Trần Thị Trường. Có lần đến trung tâm để lấy thông tin, tôi gặp nhạc sĩ Văn Dung (tác giả của “Những bông hoa trong vườn Bác”) ngoài tuổi 70.

Nhà văn Trần Thị Trường bảo, từ ngày có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả, có những nhạc sĩ như Văn Dung thỉnh thoảng lại đến trung tâm lấy tiền tác quyền. Số tiền đấy không quá lớn nhưng cũng không nhỏ, tiền một tháng tác quyền có khi còn hơn rất nhiều tiền lương hưu. Nhưng, không phải ai cũng vui như nhạc sĩ Văn Dung, trái lại một số nhạc sĩ lên tiếng công kích vì có những điều chưa thỏa đáng.

Việc động vào tiền bạc quả là không đơn giản với người nhạc sĩ bao nhiêu năm chỉ chuyên tâm sáng tác. Nhưng, nào có hề hấn gì, mỗi lần gặp ông, tôi chỉ thấy ông càng có quyết tâm cao hơn.

Hệt như người leo núi, càng leo càng dẻo dai. Nhưng, có lúc ông cũng phải thú nhận, bằng giọng trầm buồn: Từ khi có Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc, nó chiếm trọn thời gian, từ việc làm thế nào để phát triển Trung tâm, làm thế nào để tác giả không bị thiệt thòi và làm thế nào học ngoại ngữ để còn đi hội nghị gặp gỡ bạn bè quốc tế học hỏi kinh nghiệm về bản quyền, không còn thời gian cho sáng tác.

Tôi biết đến nhạc sĩ Phó Đức Phương đã hơn hai mươi năm nay, lúc đấy ông mới ngoài 50 tuổi, rất phong độ. Ông có mái tóc bồng bềnh uốn lượn, lúc nào gặp cũng thấy nở nụ cười tươi. Hằng ngày, ông cưỡi trên xe máy to kềnh càng gọi là “chàng chiến mã”, đi làm ở Hội Âm nhạc Việt Nam ở số 51 Trần Hưng Đạo.

Phòng làm việc của ông có gắn biển Hội Âm nhạc Việt Nam, rộng chừng hơn 10 mét vuông nằm ngay dưới khóm trúc già. Gác thang nhỏ bên cạnh đi lên tầng 2 để vào căn phòng làm việc hẹp vanh vanh. Nếu nhìn từ xa lên, nó hệt như chuồng chim. Vậy mà từ chuồng chim câu này, người nhạc sĩ tài hoa sau bao năm tháng làm việc tại đây đã cho ra đời biết bao tác phẩm âm nhạc theo cùng năm tháng.

Những sáng tác của ông bao giờ cũng có chất riêng, vô cùng độc đáo và khác biệt. Lần đầu tiên tôi đến chơi nhà ông ở ngõ Văn Chương, ông đã tiết lộ, những ca khúc ấy đa phần sáng tác theo đơn đặt hàng. Vì sao lại có cơ duyên như vậy? Là vì Hội Nghệ sĩ sân khấu cũng cùng khu 51 với Hội Âm nhạc, cánh tác giả kịch bản như Tất Đạt, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ... và nhạc sĩ ngày thường vẫn gặp nhau trong mảnh sân rợp bóng cây xanh mát.

Thập niên 80 và những năm đầu 90 của thế kỷ trước, sân khấu đang là thời kì hoàng kim, là mảnh đất màu mỡ của nhiều nghệ sĩ khai thác.

Những ca khúc trữ tình, làm say đắm lòng người như: “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Hồ trên núi”, “Chảy đi sông ơi”, “Lội dòng sông quê”, “Bên dòng sông Cái”, “Dòng sông ký ức”, “Nao nao thác Bà”, “Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể”, “Một thoáng Tây hồ”, “Mái chèo thiên thu”, “Không thể có thể”,... Hàng chục bản ông sáng tác cho kịch sân khấu trở thành solist âm nhạc được người xem đón đợi nhiệt tình.

Và một điều đặc biệt, hôm đấy tôi cũng được biết câu chuyện thú vị về sáng tác của người nhạc sĩ làm tôi nhớ mãi. Đó là mỗi khi ông nhận đơn đặt hàng từ sân khấu, ông ngồi nghiêm trang trên bộ ghế salon, mắt đăm đắm nhìn lên ban thờ, rồi sau đấy, ông đứng dậy, với tay rút nhang châm lửa thắp, lầm rầm khấn vái.

Ông bảo, trước một sáng tác nào, ông cũng thắp hương. Mùi nhang khói lan tỏa trong căn phòng khiến ông có cảm giác bồng bềnh, thơi thới. Phải chăng vì thế mà âm hưởng trong âm nhạc của ông không kém phần liêu trai, ma mị. Ở buổi gặp này tôi còn biết được điều kì lạ thứ hai, đó là hoàn cảnh sáng tác bài hát “Trên đỉnh Phù Vân”. Bài hát này ngay sau khi ra đời qua giọng ca của Mỹ Linh có sức nặng ghê gớm, đến mức qua đi hơn 20 năm qua mà bây giờ mỗi dịp lên với núi rừng Yên Tử, du khách thập phương vẫn được nghe bài hát này suốt từ con đường dưới chân núi lên đến đỉnh núi.

Quả thật, âm hưởng, giai điệu, ca từ của bài “Trên đỉnh Phù Vân” ăn nhập, hòa hợp vào không gian núi rừng Yên Tử đến gai người, mà kì lạ thay, khi sáng tác bài hát này, ông chưa từng đặt chân đến Yên Tử. Phải 3 năm sau khi bài hát ra đời được đông đảo khán giả đón nhận, ông mới đích thân nhìn ngắm núi rừng Yên Tử bằng con mắt theo đúng nghĩa đen.

Tôi thấy ông lạ lắm, vì xuất phát điểm của ông không phải là học nhạc, thời sinh viên ông học chuyên toán trường Đại học Sư phạm. Cũng không ngờ người quen với công thức của các con số lại yêu thích âm nhạc rồi vào học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau này, qua nhiều sáng tác, những người bạn có tài họ nể phục nhau: Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương. Ở nhà nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông đưa cho tôi ảnh “bộ tứ” của các ông. Sang nhà nhạc sĩ Nguyễn Cường ở trên con phố cổ Hàng Bạc, Hà Nội, trong cuốn an bum cũng vẫn thấy tấm ảnh này.

Những người bạn cùng chung niềm đam mê âm nhạc, cùng chung nhiệt huyết với những giai điệu rất riêng. Nhạc sĩ Nguyễn Cường say sưa nói về âm nhạc hàng giờ và nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng vậy. Những tâm hồn có khao khát giống nhau, tụm chung lại một điểm.

Âm nhạc của ông có chất rất riêng mà người ca sĩ có thể bắt được cái thần, nắm được hồn và phiêu lên đến vô cùng vô tận. Chất liệu mê hoặc ấy khiến cho ca sĩ thêm chất men say. Nhiều ca sĩ hát nhạc của ông hay vậy mà lần nào gặp ông, tôi cũng thấy ông chỉ khen ca sĩ Mỹ Hạnh chứ ít nói đến những ca sĩ khác hoặc có người ông nhắc đến nhưng không vui vì ông bảo ông không muốn họ đưa cái riêng của cá nhân vào ca khúc.

Còn Mỹ Hạnh thì ông bảo được nên ông thấy hay. Cũng chẳng thể tranh luận với ông những chuyện đó làm gì vì hay dở không còn là chuyện của người sáng tác, của ca sĩ thể hiện mà là sự cảm thụ của công chúng. 2 năm nay, không còn làm ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, ông có khoảng thời gian cho riêng mình.

Tưởng là nghỉ đấy nhưng người chăm hoạt động như ông thì có bao giờ nghỉ, ông vẫn đăm đắm vào việc sáng tác... và rồi ông đổ bệnh. Nhưng, với nghị lực và niềm lạc quan tươi mới, ông vẫn đang muốn hi vọng rồi một ngày mai thức dậy, một tác phẩm mới lại ra đời, được công chúng đón đợi...

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhac-si-pho-duc-phuong-van-nguyen-niem-lac-quan-597245/