Nhạc sĩ Thái Văn Hóa: Đau đáu bên bờ sóng
'Khi còn trong nôi, nghe mẹ ru cha đánh giặc cuối trời. Khi ta cầm súng ra đi, người thân ta thức cùng sao trời. Thương đất nước bao năm vẫn hát câu tiễn biệt. Việt Nam đất nước bên bờ sóng, bão tố của cuộc đời trọn niềm tin thiêng liêng'.
Lần đầu tiên tôi được nghe những ca từ đẹp như những câu thơ ấy vào dịp Tết Tân Dậu (1981), khi đó tôi đang ở trên chốt. Đài chỉ huy – trinh sát pháo binh của cụm pháo binh mặt trận Bình Liêu (Quảng Ninh) của chúng tôi được đặt ở điểm cao 781 và chỉ cách đường biên giới chừng hai cây số theo đường chim bay. Vào đúng thời khắc linh thiêng khi đất nước vào xuân thì bất chợt giai điệu tuyệt vời đó vang lên qua giọng hát của nữ ca sĩ Xuân Thanh.
Áp tai vào chiếc đài bán dẫn hiệu Orion, mắt dõi qua lỗ quan sát, chúng tôi vừa “vạch” sương mù dõi theo những chuyển động từ phía bên kia vừa náo nức lắng nghe câu hát đầy da diết nhưng rất đỗi hào sảng. Lời ca như vút lên từ tâm hồn, như cất cánh bay lên từ tâm cảm đã làm chúng tôi rung rung cảm động “Việt Nam đất nước bao trận thắng, chiến đấu vì độc lập tự do hôm nay. Cho ta hát tên Người, Việt Nam ơi…”.
Và niềm náo nức được tự hào thêm khi qua làn sóng điện, chúng tôi được biết tác giả của ca khúc lay động lòng những người lính biên cương ấy lại là một người lính trẻ. Năm ấy Thái Văn Hóa vừa tròn 21 tuổi. “Đất nước bên bờ sóng” ra đời năm 1980 đã ngay lập tức trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Thái Văn Hóa và anh là “Người trẻ nhất có ca khúc thành công viết về đất nước”.
Vậy là đã tròn bốn mươi năm, bốn mươi năm thời gian so với đất nước thì chưa đủ dài nhưng so với cuộc đời thì nó thực sự có ý nghĩa. Bốn mươi năm qua, kể từ đêm giao thừa năm Tân Dậu cho đến giờ, năm nào cũng vậy, hễ dịp đất nước chuyển sang xuân, hễ dịp lễ trọng của Tổ quốc là giai điệu sâu lắng, trữ tình và cũng đầy quyến rũ người nghe ấy lại vang lên. Sau này khi đã quen thân nhau, tôi đùa nhạc sĩ Thái Văn Hóa “Ca khúc của ông như “nhạc hiệu” đón xuân về ấy”.
Năm 1995, Thiếu tá Thái Văn Hóa rời quân ngũ, anh chuyển về Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng ban Văn nghệ, chúng tôi đã có 25 năm là đồng nghiệp, có hơn 10 năm cùng công tác ở Ban Văn nghệ. Khoan nói đến chuyện “người cấp trưởng, kẻ cấp phó” mà tôi muốn nói đến tôi với anh có nhiều cái “đồng”. Thứ nhất là đồng đội, lại đồng tháng năm nhập ngũ. Thứ hai là đồng lứa vì chúng tôi tuy học hai trường phổ thông khác nhau nhưng lại đồng khóa.
Thế là chúng tôi dễ dàng thân nhau, dễ dàng mến nhau. Cảm nhận ban đầu, xuyên suốt, nhạc sĩ Thái Văn Hóa là người chan hòa và lắm vui vẻ. Lúc hứng lên thì cho dù là đang ở đâu, trong cuộc họp, lúc vui chơi, hay cùng ngao du thăm thú mọi miền là Thái Văn Hóa chợt nổi hứng lên đứng vụt dậy để hát. Mà toàn hát kiểu bài nọ nối bài kia của người khác “cười đến chảy cả nước mắt”.
Quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có dòng sông Ngàn Phố ầm ào mùa nước lũ nhưng lại bình lặng những khi khô hạn, cuộc đời của Thái Văn Hóa sớm “nay đây mai đó”, chả là cha mẹ anh đều là kỹ sư địa chất công tác trong ngành Thủy lợi nên ngay từ lúc chào đời, cậu bé Thái Văn Hóa cũng “bôn ba” theo những công trình mà cha mẹ anh tham gia. Vốn nhạc lý của anh khi đặt bút viết “Đất nước bên bờ sóng” chỉ là biết chơi ghi ta thuở học trò và chút ít hiểu biết âm nhạc bởi những ngày công tác ở Nhà Văn hóa Quân đoàn 1.
Nhạc sĩ Thái Văn Hóa tâm sự: “Cụm từ “Đất nước bên bờ sóng” thực ra đã được hun đúc, kết tụ từ biết bao nhiêu lần ngồi trên tàu đi dọc đất nước”. Hình ảnh bờ biển Việt Nam cuối thập niên 70 của thế kỷ trước đẹp dịu dàng, hiền hòa và hoang sơ đã thành một ấn tượng ám ảnh, khắc khoải trong tâm hồn anh, cộng thêm những nhân tố mang tính lịch sử, thời đại như chiến tranh biên giới Tây Nam 1977, 1978, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979… Bao gian lao, khó khăn vất vả mà đất nước phải tiếp tục gánh chịu và vượt qua dường như vẫn còn chưa hết...
Tháng 2 năm 1975, cậu học sinh lớp 10 chuyên văn, Trường phổ thông cấp 3 chuyên Phan Bội Châu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An lên đường nhập ngũ. Việc trở thành “anh bộ đội” khi đó như là “cái lẽ rất thường” của lứa trai hồi đó. Thái Văn Hóa với “vốn” âm nhạc kiểu “amateur” đã nhanh chóng nhập vào “đời sống văn hóa văn nghệ” của những người chiến sĩ.
Biết anh có khả năng nên Quân đoàn 1 cử anh đi học Đại học Văn hóa, chuyên ngành Văn hóa quần chúng. Đó là tháng 11 năm 1979, năm đó quân đội ta đã nhận thức sâu sắc về văn hóa văn nghệ nên đã cử nhiều cán bộ chiến sĩ đang hoạt động văn hóa văn nghệ ở các đơn vị về Hà Nội để “trang bị” kiến thức. Lớp nhà thơ, nhà văn áo lính như Hữu Thỉnh, Lê Văn Vọng, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Hoa thì vào học khoa viết văn (Trường Viết văn Nguyễn Du) của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Lớp “âm nhạc chiến sĩ” như Thái Văn Hóa, Văn Thành Nho, Vũ Hùng thì học khoa Văn hóa quần chúng (dĩ nhiên có chun chút học về sáng tác âm nhạc). Như thế thì nhạc sĩ Thái Văn Hóa thuộc lớp “đầu tiên” của thế hệ các văn nghệ sĩ quân đội được đi học chính quy.
Học xong, Thái Văn Hóa trở lại Quân đoàn 1 với ca khúc “Đất nước bên bờ sóng” được sáng tác dạng bài thi hết môn sáng tác làm “chứng chỉ hành nghề”. Ông Phó chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân đoàn 1 gắn bó với chiến sĩ được 7 năm thì cấp trên “ưu ái” cho theo học chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Dường như từ đây nhạc sĩ Thái Văn Hóa mới chính thức “trở thành người của ngôi nhà âm nhạc Việt Nam” (mặc dù trước đó anh đã được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam).
Rồi anh về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, năm 1995. Trên cương vị Phó Trưởng ban phụ trách mảng âm nhạc, nhạc sĩ Thái Văn Hóa đã có những đóng góp vào “thành tích” âm nhạc của Đài. Còn nhớ cuối những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi, người ta thấy nhạc sĩ Thái Văn Hóa tháng tháng lại cùng “gánh hát” của mình (kíp sản xuất chương trình ca nhạc) đi về các địa phương.
Dạo đó Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình “Lá thư âm nhạc” với sự kết hợp với các đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh để sản xuất và phát sóng trực tiếp. Chương trình “Lá thư âm nhạc” như một nhịp cầu nối phong trào ca nhạc các địa phương với Thủ đô Hà Nội nên gây được tiếng vang cùng tạo nên niềm phấn chấn khá rộng rãi.
Ông Phó Trưởng ban phụ trách âm nhạc Thái Văn Hóa thực như là “Hổ được thả về rừng” vậy. Chuyên môn văn hóa quần chúng cùng “tiếng tăm” âm nhạc đã cho anh được “vẫy vùng”. Giờ nhắc lại những năm tháng đó ai cũng thấy hồ hởi và đều thấy tiếc vì chương trình đã sớm kết thúc.
Để bù lại “khoảng trống” đó là những tháng năm cuộc thi “Tiếng hát trên sóng phát thanh và truyền hình Hà Nội” được nảy nở. Vừa làm công tác tổ chức vừa trực tiếp làm giám khảo cho cuộc thi, nhạc sĩ Thái Văn Hóa đã góp nhiều “công” để phát hiện ra những giọng hát danh tiếng sau này như: Trọng Tấn, Hồ Quỳnh Hương, Anh Thơ, Minh Quân, Khánh Linh, Mai Hoa, Minh Quang, Tô Minh Thắng… Có thể nói, “Cuộc thi Tiếng hát trên sóng phát thanh và truyền hình Hà Nội” là “bà đỡ” cho những tài năng ca hát ngay từ khi những tài năng đó còn manh nha.
Trở lại với ca khúc nổi tiếng “Đất nước bên bờ sóng”, đã tròn 40 năm, ca khúc ấy hiện vẹn nguyên cảm xúc hào sảng như thuở nó mới “ra đời”. Ca khúc như một lời động viên, như một lời hiệu triệu và lại như là một lời tâm tình thấu đáo. Và chỉ một “Đất nước bên bờ sóng” thôi cũng đủ để người yêu nhạc Việt Nam không thể quên cái tên Thái Văn Hóa. Ca khúc này đã góp phần tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cho mỗi người con Việt, để chúng ta thầm nhủ rằng “Thương đất nước bao năm, vẫn khát khao xây dựng.
Việt Nam, đất nước bên bờ sóng, bước tiếp chặng đường dài Người vượt bao gian nan. Việt Nam, đất nước bao trận thắng, mãi mãi vì cuộc đời, hạnh phúc tương lai. Cho ta hát tên Người, Việt Nam ơi”. Nhạc sĩ Thái Văn Hóa đã được nhận “Giải Ba ca khúc 1993” của Nhà hát Tuổi trẻ; “Giải Ba ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam”; “Giải Ba ca khúc của Bộ Quốc phòng 1999” và “Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2004”.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhac-si-thai-van-hoa-dau-dau-ben-bo-song-577580/