Nhạc sĩ THẾ BẢO và bài ca về người lính
Hình tượng người lính Bộ đội Cụ Hồ vẫn là mạch nguồn cảm xúc dạt dào,
vô tận trong nền âm nhạc cách mạng, trong đó có những sáng tác của PGS-TS - nhạc sĩ Thế Bảo
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024), ngày 21-12, Hội Âm nhạc TP HCM sẽ tổ chức chương trình âm nhạc với chủ đề "Thế Bảo và bài ca người lính" tại hội trường Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM.
Mạch nguồn cảm xúc
Dù đã bước vào tuổi 86 nhưng PGS-TS - nhạc sĩ Thế Bảo vẫn miệt mài sáng tác. Với ông, hình ảnh những chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng là nguồn đề tài vô tận cho các sáng tác âm nhạc của mình.
Theo PGS-TS - nhạc sĩ Thế Bảo, năm nay tròn 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Chặng đường 80 năm qua của Quân đội nhân dân Việt Nam một lần nữa sống lại qua những tác phẩm văn học - nghệ thuật đi cùng năm tháng, trong đó có âm nhạc.
"Chứa đựng trong mỗi ca khúc và tác phẩm khí nhạc, tôi viết về Bộ đội Cụ Hồ không chỉ đơn thuần là giá trị về âm nhạc nghệ thuật với tư tưởng mà còn là minh chứng về truyền thống quật cường, bất khuất của ông cha trong một thời hoa lửa, có sức rung cảm mạnh mẽ với nhiều thế hệ khán giả. Chương trình là dịp để tôi và những đồng nghiệp ôn lại khí thế hào hùng của chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ và truyền năng lượng tích cực đến thế hệ sáng tác trẻ hôm nay. Hãy viết bài ca về người lính bằng niềm tự hào khi được sống trong một đất nước hòa bình, phát triển" - nhạc sĩ Thế Bảo chia sẻ.
Đã có hàng ngàn, hàng vạn ca khúc về đề tài Bộ đội Cụ Hồ được ra đời qua 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. "Âm nhạc của nhạc sĩ Thế Bảo đã cuốn hút người nghe bởi tình cảm được ông thể hiện rất rõ tình quân dân như cá nước, tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao đẹp, tình yêu quê hương, đất nước luôn thấm đẫm trong từng giai điệu và ca từ" - NSƯT - thạc sĩ Ánh Tuyết, Trưởng Khoa Thanh nhạc - Điện ảnh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bày tỏ.
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, nhận định: "Hình tượng người lính Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào âm nhạc của nhạc sĩ Thế Bảo một cách tự nhiên, bình dị và luôn sâu sắc, da diết. Cho đến ngày nay, tinh thần sáng tác không ngừng của ông vẫn là mạch nguồn cảm xúc dạt dào, vô tận để ông đóng góp vào nền âm nhạc truyền thống cách mạng những tác phẩm giá trị".
Riêng với giới âm nhạc, những câu chuyện chân thực về người lính trong cả thời chiến và thời bình được nhạc sĩ Thế Bảo đưa vào sáng tác có những góc nhìn mang lại cảm xúc đặc biệt cho thế hệ trẻ. Ông đã góp phần tô đẹp thêm những giá trị nghệ thuật để thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay, trước hành trình vun đắp công nghiệp văn hóa, hướng đến việc kiến tạo nền tảng để TP HCM hòa mình vào mạng lưới thành phố sáng tạo trong tương lai phải luôn nhớ ơn những thế hệ chiến sĩ đã đổ biết bao xương máu để đất nước có được hòa bình.
"Còn sống là còn học"
Theo thạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, nhạc sĩ Thế Bảo có học hàm phó giáo sư và học vị tiến sĩ. Ai cũng thừa nhận ông là một nhân vật thành đạt trong giới sáng tác và giảng dạy. Thế nhưng, điều đáng khâm phục nhất ở nhạc sĩ Thế Bảo là ông vẫn miệt mài với sách vở ở tuổi 86 với quan niệm "còn sống là còn học".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, cho biết nhạc sĩ Thế Bảo được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì năm 2004. Năm 2017, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước. Về ca khúc, nhạc sĩ Thế Bảo có 2 tuyển tập "Lao xao rừng thông" và "Gửi gió đưa hương". Về khí nhạc, nhạc sĩ Thế Bảo có giao hưởng thơ "Rừng Sác", tổ khúc "Thăng Long 990", hòa tấu "Cửu Long mênh mông"... Nhạc sĩ Thế Bảo có nhiều sáng tác được công chúng ưa chuộng như: "Hỡi dòng sông Trà", "Tráng ca hải đội Hoàng Sa", "Sa Pa hỡi Sa Pa hời", "Mùa cúc họa mi"...
Nhạc sĩ Thế Bảo học trung học Lê Khiết (tỉnh Quảng Ngãi), sau đó tập kết ra Bắc trong Đoàn Văn công Liên khu V. Năm 1956, ông thi đậu Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), được giữ lại giảng dạy tại trường từ năm 1959. Nhạc sĩ Thế Bảo tu nghiệp sau đại học tại Nhạc viện Liszt Ferenz Academy of Music, Budapest, Hungary. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ Âm nhạc học và được phong hàm phó giáo sư năm 1991. Ông đã tham gia giảng dạy các trường chuyên nghiệp và các lớp ngắn hạn cho rất nhiều nhạc sĩ trong cả nước.
Ngoài 3 tập sách: "Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam", "Cảm nhận mỹ học âm nhạc", "Lịch sử âm nhạc Việt Nam", ông còn viết giao hưởng thơ "Rừng Sác", "Đất 9 rồng - Thành đồng Tổ quốc", tổ khúc giao hưởng "Thăng Long 990", "Concerto piano", "Concerto cello" và hàng chục tiểu phẩm thính phòng…
Nhạc sĩ Thế Bảo từng tiết lộ nhờ đam mê đọc sách nên lời bài hát của ông có nhiều chất thơ. Thật vậy, ca khúc "Người tình Thoại Sơn" của ông có ngôn từ bay bổng: "Hỡi em có nghe khúc ru tình xanh lá/ Anh theo chim vượt trùng mây kịp mùa lúa mới"… Ông tâm sự: "Cha của chúng tôi luôn hướng các con đến với tình yêu chữ nghĩa. Khi tiễn chúng tôi theo con đường cách mạng, cha không dặn dò gì. Cụ chỉ làm mấy bài thơ gửi gắm, mà tôi vẫn nhớ mấy câu: "Tha hương viễn xứ lòng tê tái/ Xóm cũ làng xưa một nếp nhà". Vì vậy, khi chuyển từ Hà Nội vào công tác ở Nhạc viện TP HCM sau ngày non sông thống nhất, tôi đã không ngừng nỗ lực học tập cho đến hôm nay".
PGS-TS - nhạc sĩ Thế Bảo tên thật là Trần Thế Bảo, sinh ngày 22-8-1937 tại Bình Dương, Bình Sơn, Quảng Ngãi trong gia đình có truyền thống văn học nghệ thuật. Cha ông là nhà thơ Trần Tất Tố, anh ruột là nhà thơ Tế Hanh.
PGS-TS - nhạc sĩ Thế Bảo được rất nhiều đồng nghiệp và bạn bè nể trọng. Ngoài công tác đào tạo, ông từng được tín nhiệm bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TP HCM và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiều khóa. Đồng thời, ông cũng từng giữ vị trí Tổng Biên tập Tạp chí Sóng nhạc và Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam. PGS-TS - nhạc sĩ Thế Bảo đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2017.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhac-si-the-bao-va-bai-ca-ve-nguoi-linh-196241214201829852.htm