Nhạc sĩ Thục Anh và góc nhìn khác về những bản nhạc tình
Theo nữ nhạc sĩ Thục Anh, một bản nhạc hay không chỉ dựa vào mỗi chất 'tình'. Người viết nhạc phải làm thế nào để người nghe nhận thấy chính mình bên trong từng câu hát và đây cũng là lúc cần dùng… 'miệng đời' để viết tình ca.
Qua những nhạc phẩm, nhạc sĩ Thục Anh đưa người nghe băng qua nhiều “chặng dừng” cảm xúc, khơi gợi những rung cảm về tình yêu. Sở hữu màu sắc âm nhạc tinh tế và lối kể chuyện giàu cảm xúc, nữ nhạc sĩ ghi dấu ấn cá nhân bằng loạt ca khúc nổi bật như: “Đừng vội buông tay" (ca sĩ Thanh Hà), "Đường tình lối mây" (ca sĩ Tuấn Ngọc), "Yêu thương vô vọng" (ca sĩ Ý Lan), "Trăng tan theo khói sầu" (ca sĩ Lân Nhã), "Tình khúc cho trăm năm" (ca sĩ Nguyễn Hồng Ân)… Dù đều khai thác đề tài tình yêu lứa đôi, nhưng mỗi ca khúc lại mang trong mình một nét tính cách, câu chuyện và hàm ý riêng biệt.
Nhạc sĩ Thục Anh chia sẻ: “Cái khó của việc viết tình ca không phải là viết sao cho thật hay, thật bay. Mà chính là dung hòa giữa tính chân thực, gần gũi và sự lãng mạn đậm chất nghệ thuật”.
“Nếu chỉ dùng ngòi bút bay bổng và giọng kể của kẻ si tình để viết nhạc, liệu chừng ấy đã đủ để khán giả có thể thấu cảm với từng giai điệu, từng câu chữ? Bởi khi đặt tình yêu vào trong bối cảnh thực tế, ta mới thấy dường như con người luôn khát khao được âm nhạc xoa dịu hoặc nói hộ lòng mình. Chúng ta chưa hẳn đã cần đến những ca từ quá mức hoa mỹ, mà biết đâu điều ta đi tìm là dáng hình của chính mình trong tình yêu nhưng đang được kể lại bằng thứ ngôn ngữ mang tên âm nhạc”, nữ nhạc sĩ nói thêm.
Đó cũng là lý do mà khi chắp lời cho ca khúc “Đường tình lối mây” - một trong số sáng tác được yêu thích nhất của Thục Anh, cô khéo léo phác họa nỗi đau khôn nguôi vì một chuyện tình buồn bằng những lời ca đẹp và da diết, xót xa: “Chiều vàng nhung nhớ một hình dáng ai/ Chiều nhẹ hôn vai, giọt buồn rớt rơi/ Tình dù xa mãi, người cuối chân trời/ Mộng ước xa vời, lòng vẫn yêu người…”.
Dư âm của nỗi buồn vì câu chuyện tình yêu dang dở còn hiện lên tựa như một giấc mơ như trong lời bài hát “Mất nhau giữa địa đàng”. Ca khúc chính là tiếng lòng vụn vỡ từ hai trái tim hoàn toàn lạc mất nhau. Đó là khi một tình yêu đẹp tưởng như chẳng thể tách rời, đến cuối cùng vẫn đầu hàng trước sự khắc nghiệt và dư vị đắng ngắt của cuộc đời: “Đời nghiệt ngã mình đã mơ ước hái sao, tìm đến địa đàng/ Mà giờ đây mình đã có cả thế giới, chỉ riêng đôi ta lại không có nhau…”.
Có thể thấy chữ “đời” trong các sáng tác của nhạc sĩ Thục Anh là đại diện cho những thử thách mà bất kỳ tình yêu nào, ở bất cứ thời đại nào cũng phải một lần trải qua. “Đời” vừa chông gai, nhưng cũng vừa đẹp đẽ như một “địa đàng”. Thế nhưng không phải tình yêu nào cũng đủ lớn và vững vàng để cùng nắm tay nhau, chạm tới cánh cổng lộng lẫy chốn “địa đàng”.
Trong ca khúc “Yêu thương vô vọng”, chuyện tình được Thục Anh kể lại như một bộ phim tình cảm đầy thơ mộng: “Sóng vỗ rì rào lời yêu ngại ngần chưa nói/ Nắng trải hoa vàng trên lối bước tình nhân” hay “Yêu xa nào ai thấu cho tình nồng/ Trong giấc mộng từng đêm khẽ gọi tên/ Yêu xa có tiếng yêu lặng câm/ Mãi âm thầm một đời hoài nhung nhớ…”.
Cảm xúc ngại ngùng khi bày tỏ lời yêu, nỗi nhớ nhung âm thầm trải dài theo năm tháng của những cặp đôi yêu xa... được bày tỏ tinh tế. Đôi ta cách xa đến nỗi chỉ biết gọi khẽ tên nhau thông qua những giấc mộng.
Qua góc nhìn sáng tạo nhưng không kém phần chân thật của nhạc sĩ Thục Anh, tình ca là một cái ôm an ủi cho mọi tâm hồn đang tan vỡ, là nơi trao gửi yêu thương cho những ai thẹn thùng, hay là lời gợi nhắc cho bất cứ ai về sự tồn tại chữ “tình”.
Nữ nhạc sĩ dùng “miệng đời” có đôi phần nghiệt ngã để kể chuyện yêu đương, bởi cô tâm niệm rằng: chỉ khi lắng nghe âm nhạc bằng các xúc cảm đơn thuần nhất, ta mới có thể tự do thả mình vào trong vẻ đẹp sâu thẳm của những bản tình ca. Hệt như cách nữ nhạc sĩ ký gửi tình yêu vào trong từng câu hát “Thu vàng theo bước em đi”: “Mùa thu đã đến nơi ấy em có hay mùa sang/ Có thấy hoa vàng nơi cuối trời vẫn mong chờ ai/ Mình anh chốn cũ nghe tiếng ca, nỗi nhớ xót xa/ Nhặt lá thu vàng nơi lưng đồi còn in dấu chân em…”.