Nhạc sĩ Trần Hoàn với 2 người bạn thơ xứ Huế nổi tiếng
Nhạc sĩ Trần Hoàn nổi tiếng từ ca khúc Sơn nữ ca thời tiền chiến cho tới khi trở thành nhạc sĩ cách mạng với những bài hát: Lời ru trên nương, Giữa Mạc Tư Khoa nghe cầu hò Nghệ Tĩnh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa...
Nhạc sĩ Trần Hoàn nổi tiếng từ ca khúc Sơn nữ ca thời tiền chiến cho tới khi trở thành nhạc sĩ cách mạng với những bài hát: Lời ru trên nương, Giữa Mạc Tư Khoa nghe cầu hò Nghệ Tĩnh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa hay những chùm bài về mùa xuân nổi tiếng: Mùa xuân nho nhỏ, Tình ca mùa xuân, Em nghĩ gì khi mùa xuân đến, Khúc hát người Hà Nội… Trong số gia tài với rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ có 2 bài hát của 2 nhà thơ nổi tiếng xứ Huế là bạn văn nghệ và hoạt động cách mạng với ông: Thanh Hải và Nguyễn Khoa Điềm.
Trong 3 người bạn xứ Huế (thực ra Trần Hoàn quê ở Quảng Trị nhưng lớn lên đi học và hoạt động ở Huế) thì Trần Hoàn lớn nhất (ông sinh năm 1928), tiếp tới nhà thơ Thanh Hải (sinh năm 1928), Nguyễn Khoa Điềm ít tuổi hơn (sinh năm 1943). Thanh Hải cùng nhà thơ Giang Nam và nhà thơ xứ Quảng Thu Bồn là “những lá cờ đầu của nền thơ cách mạng giải phóng miền Nam”. Ông ghi dấu ấn với bài thơ: Mồ anh hoa nở được đưa vào sách giáo khoa và nhiều tập thơ như: Những đồng chí trung kiên, Huế mùa xuân, Ánh mắt… được giải thưởng Văn học giải phóng Nguyễn Đình Chiểu, sau giải phóng ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước. Trần Hoàn thân thiết với Thanh Hải, nhưng rất tiếc cuối năm 1980, Thanh Hải mắc bạo bệnh, cuối cùng nhà thơ an dưỡng trong căn phòng nhỏ ở bệnh viện Huế, từ đây nhìn ra dòng sông Hương thơ mộng. Chính hình ảnh xao xuyến này, ký ức lãng mạn của xứ Huế với những bông hoa súng tím, khúc khoan nhặt hò trên sông, Thanh Hải đã làm bài thơ Một mùa xuân nho nhỏ. Thực tế đây là bài thơ giàu cảm xúc nhất, lãng mạn nhất của Thanh Hải dành cho mình, cho người vợ hiền thảo đang chăm sóc mình, nhưng nhà thơ vẫn thể hiện nét khái quát cao bao trùm Tổ quốc, dân tộc trong cá nhân mình, mảnh đất yêu thương bé nhỏ của mình: Đất nước bốn nghìn năm, vất vả và gian lao. Đất nước như vì sao vững vàng phía trước. Ta làm con chim hót ta làm một nhành hoa. Một nốt trầm xao xuyến ta biến trong hòa ca… Nghe kể lại, bài thơ được làm khi ông chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội cho tới khi về Huế an dưỡng tới cuối đời. Bài thơ làm xong 1 tháng thì nhà thơ từ giã dòng sông Hương, từ giã tiếng chim chiền chiện, từ giã tiếng Nam Ai Nam Bằng… Trần Hoàn đến thăm Thanh Hải, vợ thi sĩ đã đưa bài thơ cho ông. Tới mùa xuân năm 1981, bài hát Mùa xuân nhỏ nhỏ vang trên sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng ca trẻ Kim Phúc, ngay lập tức trở thành bài hát viết về mùa xuân hay nhất sau giải phóng cho tới tận hôm nay. Đó cũng là nguồn cảm hứng đầu tiên của Trần Hoàn để sau này liên tiếp sáng tác những bài hát về mùa xuân: Tình ca mùa xuân, Khúc hát người Hà Nội, Em nghĩ gì khi mùa xuân đến. Mỗi khi nhắc lại về bài hát Mùa xuân nho nhỏ, Trần Hoàn rất xúc động bởi nó chính là tác phẩm cuối cùng của Thanh Hải dâng cho đời và may mắn Trần Hoàn đã làm hơn cả điều Thanh Hải nghĩ đến: phổ thành bài hát xuân hay nhất trong nền ca nhạc cách mạng sau giải phóng.
Cuối thập niên 60, khi đang làm ở Ty Văn hóa Hải Phòng, Trần Hoàn vào chiến trường quê hương Tây Quảng Trị Thừa Thiên với tư cách một văn nghệ sĩ với bút danh Hồ Thuận An. Đây chính là địa bàn hoạt động của ông thời kháng chiến chống Pháp và nơi đây đã ra đời bản nhạc bất hủ Sơn nữ ca. Lúc này, Trần Hoàn cùng với Huy Thục, Văn Dung, Tân Huyền, Vũ Trọng Hối… tung hoành trên mặt trận đường 9 - Khe Sanh với những bài hát: Tiếng hát Gio Cam, Quảng Trị yêu thương… nhưng chính mặt trận Trị Thiên bi tráng này ông sáng tác một bài hát để đời, chỉ sau Sơn nữ ca trước đó: Lời ru trên nương. Đây là bài hát phổ thơ của nhà thơ trẻ xứ Huế Nguyễn Khoa Điềm (là con trai của nhà phê bình cách mạng Nguyễn Khoa Văn - Hải Triều nổi tiếng). Học xong năm 1964, Nguyễn Khoa Điềm vượt Trường Sơn về mặt trận Tây Thừa Thiên hoạt động cả ở nội thành Huế. Bài thơ Khúc hát những em bé lớn lên trên lưng mẹ được nhà thơ sáng tác ngay trên nương rẫy miền Tây Thừa Thiên Huế năm 1971. Sau khi đăng báo, bài thơ đến tay Hồ Thuận An (tức Trần Hoàn) và ngay lập tức trở thành bài hát Lời ru trên nương với giai điệu vừa trữ tình, đằm thắm thiết tha vừa bi tráng như biểu tượng của anh hùng ca cách mạng với hình ảnh tâm sự của người mẹ người dân tộc Tà Ôi với cậu bé thơ trên lưng gọi là A kay! Đó chính là mối duyên tình bạn đằm thắm gắn bó giữa Trần Hoàn và Nguyễn Khoa Điềm sau này, từ làm việc ở Thừa Thiên Huế, tới làm quản lý ở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hội văn nghệ… Trần Hoàn luôn là người anh lớn dìu dắt Nguyễn Khoa Điềm. Sau này, Nguyễn Khoa Điềm còn phát triển hơn Trần Hoàn, làm tới chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương…
Tuy nhiên, với họ chức vụ đều là những điều ít nhắc tới mà là sự gắn bó, có một tác phẩm nghệ thuật để đời cho mọi người. Đó là mối nhân duyên vĩnh cửu trên nền thi ca và âm nhạc.
Dương Trang Hương