Nhạc sĩ Trọng Loan và những dấu ấn âm nhạc
Nhạc sĩ Trọng Loan (1923-2010) là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam. Ông là một trong những cánh chim đầu đàn của đội ngũ các nhạc sĩ Quân đội ngay từ những ngày đầu sau khi ta giành được chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Cả một đời sáng tác, ông để lại gia tài âm nhạc đồ sộ với hàng trăm ca khúc, nhiều bài được phổ biến rộng rãi. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2001.
Nhạc sĩ Trọng Loan sinh ra tại Yên Bái, nhưng quê gốc lại ở làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội). Ông trưởng thành và tham gia cách mạng tại thành phố Vinh - Bến Thủy, tỉnh Nghệ An những năm 1940 thế kỷ trước. Sau khi cùng các đội viên thanh niên cứu quốc Phan Đình Phùng khởi nghĩa cướp chính quyền về tay nhân dân, ông nhập ngũ vào bộ đội và trở thành anh Vệ quốc quân khi mới gần 22 tuổi.
Cũng từ đó, ông bắt đầu sáng tác âm nhạc và trở thành một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Loan luôn gắn với cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ, theo sát các đoàn quân, các chiến dịch và các trận chiến đấu trên khắp các chiến trường. Vì vậy các tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Loan luôn có tính chân thực, sống động và được phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Nhạc sĩ Trọng Loan bắt đầu bước vào con đường sáng tác âm nhạc với tác phẩm đầu tay: "Bài ca thanh niên xung phong Phan Đình Phùng" khi còn là một thanh niên trẻ, tham gia hoạt động trong phong trào cứu quốc chống thực dân Pháp tại thành phố Vinh. Ông đã sáng tác bài hát này để khích lệ tinh thần chiến đấu của các đội viên, cũng như khích lệ tinh thần của đồng bào ta trên toàn quốc đứng lên chống lại thực dân Pháp. Sau bài hát này, ông nhập ngũ và trở thành một nhạc sĩ quân đội cho đến tận cuối đời.
Một dấu ấn rất quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đó là giai đoạn nhạc sĩ Trọng Loan tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn giúp giải phóng quân Trung Quốc đánh đuổi quân đội của Tưởng Giới Thạch trên khắp dải núi Hoa Nam giáp biên giới phía Bắc của nước ta, vào năm 1949. Trực tiếp tham gia đoàn quân, vừa chiến đấu, vừa kịp thời sáng tác các bài hát mới để động viên khí thế chiến đấu của chiến sĩ ta, trong một thời gian ngắn, từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1949, nhạc sĩ Trọng Loan đã viết liên tiếp được 10 ca khúc rất thời sự, kịp thời và phổ biến ngay để chiến sĩ ta hát ngay trên đường hành quân, ngay tại chiến hào.
Có thể nói đây là những ca khúc có cảm xúc chân thực, thành công cả về mặt nghệ thuật và ý nghĩa chính trị, tư tưởng. Nó cũng đánh dấu một bước trưởng thành trong nhận thức tư tưởng cũng như sự định hình về bút pháp của nhạc sĩ Trọng Loan về sau này, đó là: nhanh, thời sự, ngắn gọn, tính chiến đấu cao. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua một số bài hát như: "Bài ca viễn chinh", "Chiều biêncương", "Có ai qua biên thùy", "Em bé tha phương", "Chia tay quân bạn", "Ngày về"...
Được biết, tại Hội nghị tổng kết chiến dịch, sau khi nghe nhạc sĩ Trọng Loan trình bày cả 10 ca khúc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành lời khen ngợi cho người nhạc sĩ trẻ ngày ấy. Ngoài ra, trong giai đoạn này, nhạc sĩ Trọng Loan còn có nhiều bài hát rất được phổ biến trong các địa phương vùng Khu IV và trong các đơn vị quân đội thời đó, như bài hát: "Em nọ yêu anh", "Kể chuyện anh Hồng tập bò", "Cha cu giải nghệ", "Vui thao trường", "Đón chào anh Mô"...
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước những năm 60-70 của thế kỷ trước, là giai đoạn mà nhạc sĩ Trọng Loan cho thấy sự "chín" về nghề sau hơn 20 năm cầm bút sáng tác. Ông đi nhiều nơi, đến nhiều đơn vị, theo các đoàn quân đến tận chiến trường nơi vẫn còn vang tiếng súng. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rõ sự "bùng nổ" trong tư duy và sáng tác của Trọng Loan. Những ca khúc ra đời nhanh, kịp thời theo các sự kiện "nóng bỏng" trên chiến trường. Ví dụ bài hát "Phải đánh lũ giặc Mỹ", "Gửi Cồn Cỏ anh hùng", "Tàu tôi đi chiến đấu", "Hát trên Tây Nguyên giải phóng", "Hát trên sông Hương của ta", "Quân giải phóng đã về đây"...
Ông cũng viết rất đa dạng, từ ca ngợi chiến công "Người Châu Yên em bắn máy bay", "Bùi Ngọc Dương bài ca chiến thắng", "Hát về nữ anh hùng Lê Thị Hồng Gấm", "Đường 9 hát chiến công", "Chiến thắng bản Đông", "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng", "Tin vui thắng trận 3.000 máy bay", "Hà Nội vươn cao chiến thắng tuyệt vời"...), ca ngợi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam "Đi theo ánh sáng soi đường", "Chào miền Nam chào chính quyền cách mạng", đến kêu gọi binh sĩ Ngụy quân Ngụy quyền phản chiến về với nhân dân "Khúc ca ân tình", "Nhắn người trai Việt", "Vùng lên anh em binh sĩ", "Quét sạch chúng nó đi", "Đi lên cùng chống Mỹ cứu nước", "Mau quay về chung sức chung tay"...
Hay viết về các quân binh chủng, các ngành nghề, các địa phương: "Kìa ánh dương lên" viết về các chiến sĩ biên phòng miền Tây, "Anh nuôi đơn vị tôi", "Anh nuôi ta đó" viết về chiến sĩ hậu cần, "Mừng voi chiến thắng" viết về bộ đội pháo binh, "Niềm vui bên tay lái", "Xe lại lên đường" viết về bộ đội lái xe, "Yêu những đường dây" viết về bộ đội thông tin liên lạc, "Lời ca gửi tặng Không quân nhân dân anh hùng" viết về bộ đội không quân, "Trăng sáng trên rừng quế", viết về thiếu niên, nhi đồng “Chú giải phóng quân ơi", "Là những măng non", "Vinh quang Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh"...
Và, không thể không nói tới một tác phẩm rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trọng Loan trong thời kỳ này, đó là bài hát "Lời ca dâng Bác" ông viết để mừng thọ Bác Hồ nhân ngày 19/5/1968. Bài hát do NSND Thanh Huyền thể hiện đã được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và nhanh chóng được phổ biến rộng rãi, được đông đảo khán thính giả yêu mến.
Sau Hiệp định Paris (năm 1973), Mỹ phải ngừng tiến hành chiến tranh phá hoại, rút quân khỏi miền Nam. Đất nước đã có nhiều điều kiện để kiến thiết dựng xây chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đồng thời tiếp tục đẩy nhanh sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Lúc này, nhạc sĩ Trọng Loan cũng đã có sự chuyển mình trong tư duy sáng tạo, cùng hòa nhịp trong dòng chảy âm nhạc mới của hai miền Nam - Bắc, từ hành khúc chiến đấu bắt đầu chuyển sang các thể loại nhạc mới (nhạc nhẹ, ca khúc trữ tình), từ chủ đề chính trị sang các khía cạnh đời thường của cuộc sống, ví dụ bài hát: "Từ mùa xuân nay ta hát chung bài ca", "Em sẽ lớn lên dưới những mái trường", "Hai nửa đồi sim", "Biển và em"...
Nhưng, là một nhạc sĩ quân đội, nhạc sĩ Trọng Loan vẫn luôn luôn ý thức được trách nhiệm của một người lính đối với Tổ quốc, đối với lực lượng. Vì vậy, bên cạnh những sáng tác theo phong cách nhạc mới, nhạc sĩ Trọng Loan vẫn luôn lấy chủ đề người lính để làm tiêu chí trong mạch tư duy sáng tác của mình. Và những tác phẩm về người lính, về cuộc chiến đấu mới vẫn cất vang lên nhưng với một hơi thở mới, vẫn hùng tráng, hào sảng nhưng thiết tha hơn, sâu lắng hơn, như: "Chúng con lên đường hình Tổ quốc trong tim", "Nếu em tới thăm đảo", "Anh lại ra đi mở thêm những con đường", "Gặp nhau giữa điệp trùng biên cương", "Trăng", "Nhớ về một dòng sông"...
Ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ kính yêu cũng là mảng đề tài lớn và thành công trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ. Có thể kể những bài hát về Đảng như: "Tiến theo cờ Đảng" (1960), "Dâng lên Đảng niềm tin" (1976), "Tình Đảng ngời sáng trong tim anh" (1979)... Những bài hát ca ngợi Bác Hồ như: "Muôn năm Hồ Chí Minh" (1950), "Lời ca dâng Bác" (1968), "Nhớ Bác Hồ" (1971), "Tháng Năm hát dâng Người" (1982), "Hương thơm vườn Bác" (1987), "Trên đảo thép này Bác đứng uy nghi" (1987), "Cảng Nhà Bè đêm trăng nhớ Bác" (1991), "Hồ Chí Minh người gọi ta tiến bước tiên phong" (2000)...
Có thể nói, cả một đời đi theo cách mạng và sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Trọng Loan đã tận tâm, tận hiến và để lại cho đời một kho tàng âm nhạc khá đồ sộ và phong phú, đa dạng, nhiều màu vẻ. Các tác phẩm của ông luôn bám sát thực tiễn chiến đấu, lao động, sản xuất của quân và dân ta với phong cách âm nhạc giản dị nhưng tinh tế, khúc triết, giai điệu mượt mà, uyển chuyển, chủ yếu dựa trên chất liệu dân ca vùng, miền nên rất gần gụi, dễ hát, dễ thuộc. Có lẽ vì vậy, các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Loan được đông đảo công chúng yêu mến, đón đợi. Ông đã sống trọn vẹn với âm nhạc và ra đi thanh thản cùng với những bài ca đã đi vào năm tháng của mình. Những bài ca đã trở thành một phần lịch sử của dân tộc và mãi trường tồn trong dòng chảy của nền âm nhạc Việt Nam.