Nhạc, thơ hòa quyện cùng 'Điều em chưa dám nói'
Tôi lại nghĩ, những bài thơ, bản nhạc như vậy, chắc cũng được viết ra trong một phút nhung nhớ buồn bã mưa gió hoặc lỡ chuyến xe, chuyến tàu nào đấy, và rồi, cuộc sống bận rộn lại cuốn con người ta đi mà thôi. Không biết thế nào, nhưng phải nói, bài thơ và bản nhạc làm tôi đọc đi đọc lại, nghe đi nghe lại, và rất thích, rất cảm động, đến nỗi, nếu không viết ra vài dòng, tôi sẽ cảm thấy mình còn nợ nữ sĩ Diệu Thu và nhạc sĩ Duy Vũ một điều gì đó.
Sáng nay tôi nghe ca khúc “Điều em chưa dám nói” do nhạc sĩ Duy Vũ phổ nhạc và hát từ bài thơ của Diệu Thu. Phải nói sao nhỉ, ban đầu nghe một lần, sau nghe vài lần, vài lần đến nỗi muốn thuộc luôn. Bài thơ với lời không mới và chủ đề cũng khá quen thuộc, thế nhưng nó đi thẳng vào lòng bạn, có chút gì xốn xang, khắc khoải, giản đơn nhưng không giấu được niềm yêu thương đằm thắm của người phụ nữ dành cho người đàn ông gọi là “anh của người chứ đâu chỉ riêng em”. Về lý trí, thì thấy khá vô lý, nếu anh của người thì sao lại có chuyện để nói, sao lại nhớ nhung để làm gì, và vì sao ban đầu lại yêu, sao lại không đến được với nhau mà sao vẫn mong nhau như thế. Nó như một thước phim quay chậm, một câu chuyện kể đầy nỗi lòng và thiếu đi vài mảnh ghép, để mọi người tự suy diễn, tự đoán.
Thế nhưng cả bài thơ, và khi thành nhạc, mới tha thiết, da diết làm sao. Bạn có cảm thông với người nữ không, có thể là có, vì cô ấy đã thốt lên “đó là em nhớ anh nhiều lắm đấy” nhưng lại “chưa dám nói ra”, “ngập ngừng, thôi vậy”, “anh chẳng thích thế đâu”. Vì sao anh ấy không thích nhỉ? Không biết anh có còn nhớ đến cô và kỷ niệm của họ có ngọt ngào hay không? Nhưng rõ ràng, anh đã từng hiện diện, và khi anh ra đi, khoảng trống trong tim nàng có vẻ như không bao giờ được lấp đầy lại nữa. Anh đã mang đi những buồn, những vui, những giận, những hờn. Cũng có thể anh đã quên hẳn nàng, đã vượt qua, đã bắt đầu cuộc sống mới và chẳng bao giờ nghĩ đến hay nhớ về kỷ niệm xưa cũ mà biết đâu đối với anh chẳng mang ý nghĩa gì. Cũng có thể anh đã từng rất yêu cô, và vẫn còn yêu chăng ?. Nghe một bài hát, để cảm thấy xót xa giùm, để đặt ra bao nhiêu câu hỏi, để thắc mắc, để thấy thương thương, thì chứng tỏ, tác giả bài thơ rất thành công và nhạc sĩ lại nâng bài thơ lên một bậc, đủ để rung động. Nàng “nhớ đến cồn cào da diết, ước một lần anh ôm chặt em thôi”, rồi lại “day dứt khôn nguôi, nghĩ về anh nhiều thế”. Chứng tỏ, anh ấy là người vô cùng đặc biệt, để lại một dấu vết đậm sâu, thế thì làm sao có thể quên. Nhưng cũng có thể, anh hời hợt đến mức “đã quên lời hẹn xưa chúng mình là tri kỷ”. Nàng cũng không kể lể anh ấy thế nào, nhưng khẳng định vô cùng chắc chắn “dẫu ai nhớ hay ai quên biền biệt, em mãi yêu anh nồng nàn da diết, như cuộc đời – định mệnh vậy, anh ơi!”. Ôi tình yêu! Ôi tình yêu! Tôi cứ phải thốt lên, tôi ngưỡng mộ tình yêu quá đi mất. Tôi ngưỡng mộ cô gái, những người đàn bà đa sầu đa cảm, yêu và cháy hết mình.
Thật ra lâu lâu nghe một bài như thế này tôi lại nhớ đến người mình đã từng yêu thầm nhớ trộm trong suốt những tháng năm học trò và cho đến hết những năm học Đại học, mười năm chứ ít gì. Rồi tôi đi xa, và càng lúc càng xa, tôi viết biết bao nhiêu bài thơ về những mối tình đơn phương, nhưng rồi, tôi cảm thấy, nếu nhớ nhung yêu thương vô vọng như thế, tôi tự làm khổ mình và chắc bạn ấy mà có biết, dù chẳng yêu thương gì tôi, nhưng sẽ không vui. Thế là sau bao nhiêu năm tháng, tôi quyết định chôn vùi mối tình đơn phương theo tiếng sóng biển, để cho gió cuốn đi. Tôi mất rất lâu để đưa tiễn tình đơn phương như thế, huống chi cô gái và chàng trai có vẻ như đã từng gặp nhau, và đã từng khao khát. Tôi lại nghĩ, những bài thơ, bản nhạc như vậy, chắc cũng được viết ra trong một phút nhung nhớ buồn bã mưa gió hoặc lỡ chuyến xe, chuyến tàu nào đấy, và rồi, cuộc sống bận rộn lại cuốn con người ta đi mà thôi. Không biết thế nào, nhưng phải nói, bài thơ và bản nhạc làm tôi đọc đi đọc lại, nghe đi nghe lại, và rất thích, rất cảm động, đến nỗi, nếu không viết ra vài dòng, tôi sẽ cảm thấy mình còn nợ nữ sĩ Diệu Thu và nhạc sĩ Duy Vũ một điều gì đó.
ĐIỀU EM CHƯA DÁM NÓI
(Trích trong tập thơ “Điều em chưa dám nói”, NXB Thuận Hóa tháng 8/2023)
Có một điều em chưa dám nói ra
Đó là em nhớ anh nhiều lắm đấy
Có nhiều khi em ngập ngừng : “Thôi vậy!”
Sợ anh cười, anh không thích thế đâu.
Có một điều em vẫn giấu bấy lâu
Nỗi nhớ anh cứ cồn cào, da diết
Có nhiều đêm nghĩ về anh mải miết
Ước một lần anh ôm chặt em thôi.
Có một điều em day dứt khôn nguôi
Rằng tại sao nghĩ về anh nhiều thế
Biết bao lần em nhủ mình mạnh mẽ
Anh của người chứ đâu chỉ riêng em.
Có một điều em biết anh đã quên
Lời hẹn xưa chúng mình là tri kỷ
Hay bởi em người đàn bà cũ kỹ
Mượn vần thơ
khắc khoải
đếm mong chờ...
Dẫu thế nào em vẫn mãi như xưa
Dẫu ai nhớ hay ai quên biền biệt
Em mãi yêu anh nồng nàn da diết
Như cuộc đời
định mệnh vậy
anh ơi!
Sau thành công của hai tập thơ “Trả lại những đam mê” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2015) và “Nhớ một người dưng” (Nhà xuất bản Văn học năm 2016), tháng 8/2023, nhà thơ Phạm Thị Diệu Thu tiếp tục ra mắt độc giả yêu thơ tập thơ thứ ba với tựa đề “Điều em chưa dám nói” do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành.
99 bài thơ với rất nhiều cung bậc cảm xúc của tình yêu đã được Diệu Thu gói ghém trong “đứa con tinh thần” này. Đó là tình yêu thuở ban đầu của lứa tuổi thanh xuân, là những mối tình “cậu – tớ” mộng mơ, bẽn lẽn, hồn nhiên. Đó là những câu chuyện tình yêu với những nhớ nhung, mong chờ, đắm say, nồng nàn, cả những hờn dỗi, buồn đau. Đó là những lời tự sự yêu thương về đời, về người, về thơ.
Cùng với đó, tập thơ cũng dành một góc nhỏ giới thiệu gần 30 ca khúc phổ nhạc từ thơ của Diệu Thu của khá nhiều nhạc sĩ: Nguyễn Hậu, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hòa, Trường Tử Ka, Kiều Tấn Minh, Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thanh Sử, Nhật Thu, Nguyễn Anh Trí, Hoàng Tuấn, Nguyễn Duy Vũ… và một số ca khúc do chính Diệu Thu tự phổ nhạc.
Diệu Thu từng là phóng viên báo, công việc này đã rèn luyện cho nàng tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, tỉnh táo, xuất sắc trong ngữ pháp tiếng Việt cũng như giúp nàng mở mang nhiều kiến thức, tư duy. Nàng cũng từng là cộng tác viên thường xuyên của chuyên mục “Tản văn” và “Thăng Long Hà Nội” của một số tờ báo, để từ đó mà tập tản văn “Loa kèn trắng đợi anh” do nhà văn Ma Văn Kháng viết lời tựa ra đời. Tôi nhắc lại những điều này bởi vì những giờ khắc quan trọng như thế trong công việc cũng như hoạt động văn nghệ đã phần nào làm nên phong cách thơ Diệu Thu. Cái hay của thơ nàng là ngôn ngữ được sử dụng đơn giản nhưng lại có thể lý giải những ý tưởng phức tạp hơn đằng sau những gì người đọc đang tìm kiếm. Thơ Diệu Thu thật sự truyền cảm hứng, giúp chúng ta cảm nhận được cái hay, cái đẹp, sự trong trẻo, tinh khôi cũng như những chân giá trị về gia đình, bạn bè, thơ ca và xã hội. Đọc thơ và giao tiếp với nàng để chúng ta biết quý trọng sự tao nhã, phép xã giao, cũng như nét mềm mại đầy quyến rũ và nữ tính của một tâm hồn dễ thương, đa cảm. Diệu Thu ngoài làm thơ cho bạn đọc thưởng thức, nàng còn quan tâm đến anh chị em văn nghệ bằng cách hát thơ, đọc thơ, ngâm thơ. Dù nàng thể hiện thế nào và bài nào thì cũng nổi bật một Diệu Thu đằm thắm, duyên dáng, lịch sự, chuẩn mực, vừa phải và dễ chịu. Tất cả những điều này đã kết tinh thành ĐIỀU EM CHƯA DÁM NÓI mà bạn đang cầm trên tay.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhac-tho-hoa-quyen-cung-dieu-em-chua-dam-noi-a20581.html