Nhạc Việt biến chất trên TikTok
Từ TikTok, các bản remix trỗi dậy mạnh mẽ trong khoảng 2 năm qua. Dù vậy, sự dễ dãi của các producer khi remix nhạc khiến loại hình này rẽ sang hướng tiêu cực.
Khái niệm Remix trong âm nhạc có thể định nghĩa đơn giản là phối lại một ca khúc, hoặc bản nhạc để thổi vào đó tinh thần mới. Loại hình remix từng nở rộ trên thị trường nhạc Việt giai đoạn 2015-2018 với Hoaprox, Masew và nhiều producer khác. Hai năm gần đây, remix trỗi dậy, thậm chí bùng nổ mạnh mẽ nhờ TikTok. Ở đó, chủ yếu là các sản phẩm House remix, nhiều nhất là Vinahouse và Vina Deep House - đều là các màu sắc âm nhạc mới xuất phát từ ý tưởng của producer Việt.
Lối mòn
House remix được tạo nên từ muôn kiểu. Đó là một bản remix ca khúc hot trên thị trường theo phong cách House. Hoặc remix những ca khúc cũ của nhiều thể loại sang House. Giai đoạn đầu, House remix trở thành trào lưu, hút khán giả bằng sự mới lạ. Sau đó, House remix bùng nổ để là thứ âm nhạc được sử dụng nhiều nhất trong các video trên TikTok. Nhiều kênh âm nhạc trên YouTube được lập ra để chuyên đánh dòng House remix, đồng nghĩa một loạt producer mới xuất hiện.
Vấn đề bắt đầu nảy sinh từ chuyện số lượng bản nhạc House remix xuất hiện ồ ạt. Trong đó, những sản phẩm remix ca khúc mới, đang hot trên thị trường sang House được thực hiện cực nhanh. Ví dụ, ngay sau khi Có không giữ mất đừng tìm của Trúc Nhân ra mắt, chỉ 1-2 ngày sau, bản House remix xuất hiện ồ ạt trên TikTok.
Nhiều producer chạy đua thời gian để thực hiện được bản House mix trở thành trend (xu hướng) trên TikTok. Để rồi theo thời gian, nhiều producer cùng đi trên một lối mòn để đáp ứng chuyện phải có sản phẩm House remix thật nhanh, bắt trend và chạy theo số lượng, do đó bỏ qua yếu tố sáng tạo, sự chỉn chu cần có của một người sản xuất âm nhạc khi thực hiện một dây chuyền sản xuất.
Cukak - một kênh chuyên làm House remix trên TikTok, nổi danh nhờ tạo nhiều bản nhạc thành trend - là điển hình của chuyện remix chục ca khúc, nhưng theo một công thức gần giống nhau. Đó là tempo của House remix dao động ở 125-140, sử dụng drums, một bassline rập khuôn, lead melody (giai điệu) và vocal (giọng hát).
Sự rập khuôn thể hiện rõ về cách nhiều producer của dòng House remix đang sử dụng cho đoạn chuyển tiếp sang điệp khúc. Ví dụ, ở chữ đầu tiên của điệp khúc, các producer này dập một nhịp kick và bass, sau đó nghỉ 2 giây, tiếp tục dập 2 nhịp bass và kick, rồi dồn liên tiếp nhịp bass và kick để đẩy vào cao trào. Với cách xử lý trong một khuông nhạc khoảng 15 giây kiểu này, không thể đếm xuể có bao nhiêu bản House remix tương tự trên thị trường.
Cả bản phối kéo dài vài phút trôi qua như một đường thẳng, có thể đáp ứng chuyện dàn trải bass liên tục, do đó khiến người nghe liên tục phấn khích trong một bối cảnh thưởng thức âm nhạc nào đó. Còn sự sáng tạo, chất lượng vốn có của một producer khi đặt vào những sản phẩm kiểu này là điều tạo nên tranh cãi.
Trên một diễn đàn lớn cho khán giả của dòng nhạc điện tử, một tài khoản bình luận: "Vinahouse hay Vina Deep House vẫn hay và có giá trị với khán giả riêng. Chỉ trích những producer/ca sĩ lạm dụng khiến dòng nhạc bị rẽ sang hướng khác". Một ý kiến khác cho rằng chính những producer dễ dãi trong việc remix ca khúc sang màu House khiến dòng nhạc này chịu định kiến, thậm chí là gây ám ảnh cho khán giả về loại hình remix đang diễn biến trên thị trường.
Khi số lượng "đè bẹp" chất lượng
Sự nở rộ của House remix khiến nhiều khán giả có cảm giác ngay lúc này, đã remix nhạc phải là House. Thực tế, chỉ cần gõ cụm "nhạc remix" trên YouTube, chiếm số lượng áp đảo là House remix. Tính đa dạng của các sản phẩm remix trên thị trường nhạc Việt không còn đa dạng sắc màu như giai đoạn vài năm trước, khi thế hệ producer của dòng điện tử nổi lên và TikTok chưa tác động mạnh mẽ như hiện tại.
Một tháng trước, producer Tín Lê tung bản Don't Break My Heart remix. Bản remix khởi đầu với chất retro tương tự sản phẩm gốc của Binz và Touliver, nhưng sau đó, Tín Lê "bẻ lái" bằng drop không liên quan đoạn trước. Nam producer nhắn nhủ: "Có thể bản remix không phù hợp với tất cả, nhưng là sự sáng tạo".
Đấy là bản remix khác biệt hiếm hoi giữa thời điểm House remix phủ sóng thị trường Việt Nam. Don't Break My Heart của Tín Lê gây nên 2 làn sóng bình luận về chuyện "phá bài" hay "sáng tạo". Nhưng đó mới là remix, vì yếu tố kỹ năng, sức sáng tạo của Tín Lê tạo nên phiên bản hoàn toàn khác bản gốc.
Hoaprox là một trong những producer nổi lên từ loại hình remix. Giai đoạn 2017-2019, Hoaprox tạo loạt bản remix gây sốt, hút triệu view như Người lạ ơi, Yêu 5, Bùa yêu, Đã lỡ yêu em nhiều. Hoaprox cho rằng remix của anh đa phần phối lại hit của nghệ sĩ khác, nhưng từng sản phẩm phải chú trọng yếu tố chất lượng, khác biệt và cho khán giả cảm giác được thưởng thức một sản phẩm chỉn chu.
"Vấn đề của thị trường remix hiện tại là có quá nhiều sản phẩm như nhau. Tính viral của TikTok khiến nhiều producer remix để tận dụng sóng, dẫn đến một sản phẩm có thể chỉ mất vài giờ, một ngày để hoàn thành theo một công thức chung, dẫn đến chất lượng có vấn đề", Hoaprox nhận định cùng Zing.
"House cũng giống nhiều dòng nhạc khác là có chất riêng, khán giả riêng và những cái hay riêng không thể phủ nhận. Những producer hoàn toàn có thể sản xuất một sản phẩm House độc lập chất lượng. Và các producer cũng có thể remix một bản nhạc theo phong cách House cho thật hay. Thế nên câu chuyện chỉ là khi producer đặt tâm huyết, sản xuất bài bản hơn thì sẽ có sản phẩm chất lượng", Hoaprox chia sẻ tiếp.
Vinahouse là dòng nhạc điện tử mang đậm dấu ấn của các producer Việt. Từ hàng chục năm trước, Vinahouse xuất hiện và khuynh đảo ở các sân khấu vũ trường, club, các buổi tiệc sáng đèn và âm nhạc sôi động. Từ TikTok, Vinahouse phát triển mạnh mẽ và phần nào đó làm thay đổi cục diện của thị trường.
Vinahouse cũng như các nhánh riêng lẻ của House, và hàng nghìn dòng nhạc khác, là có chất riêng và phù hợp cho đối tượng khán giả riêng. Sự dễ dãi của một số producer, hoặc tổ chức sản xuất âm nhạc kiểu như CuKak là những nguyên nhân khiến Vinahouse nói riêng và dòng House nói chung bị nhiều khán giả định kiến.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhac-viet-bien-chat-tren-tiktok-post1326131.html