Nhạc Việt - sứ giả văn hóa
Nhờ những ca khúc như 'See tình', 'Bắc Bling', giờ đây âm nhạc Việt đã không còn là nét riêng biệt mà đang dần trở thành sứ giả văn hóa, mang bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Người nước ngoài ngỡ ngàng trước sắc màu văn hóa Việt
“Bắc Bling” mô phỏng hình ảnh quê hương Bắc Ninh với những nghi lễ, đám rước sôi động và những bộ trang phục truyền thống lộng lẫy. Sự kết hợp giữa dân gian và hiện đại đã khiến “Bắc Bling” càng thêm phần độc đáo, thu hút không chỉ khán giả Việt Nam mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế.
Anthony Ray, một nghệ sĩ âm nhạc kiêm YouTuber người Bỉ đã thực hiện video reaction về MV này. Trong video kéo dài 24 phút, Anthony Ray đã không giấu được sự kinh ngạc trước phần rap đầy nội lực của nghệ sĩ Xuân Hinh. Anh cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với sự đầu tư chỉn chu về hình ảnh và bối cảnh trong MV. Anthony Ray nhấn mạnh, “Bắc Bling” không chỉ là một MV mà giống như một tác phẩm nghệ thuật, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Không chỉ có Anthony Ray, nhiều khán giả quốc tế khác cũng để lại những phản hồi tích cực về MV "Bắc Bling". Đặc biệt, YouTuber người Hàn Quốc Jongrak, chủ nhân của các kênh "Những chàng trai Hàn Quốc" trên Facebook và Instagram, đã không ngớt lời khen ngợi MV. Jongrak liên tục trầm trồ “Hay quá, đẹp quá!” và thừa nhận rằng sau khi xem MV, anh thực sự muốn đặt chân đến Bắc Ninh một lần trong đời.
Một giáo viên âm nhạc người Hàn Quốc cũng bày tỏ sự phấn khích khi xem MV, cô chia sẻ rằng, cô “nổi da gà” khi xem MV vì hình ảnh quá đẹp và cuốn hút. Một số fan quốc tế còn thể hiện sự tò mò về vùng đất Bắc Ninh và mong muốn tìm hiểu thêm về các lễ hội truyền thống Việt Nam sau khi xem MV. Họ còn nhận xét rằng, "Bắc Bling" không chỉ là âm nhạc mà còn là một chuyến du hành văn hóa tuyệt vời.
Từ bài hát về một địa phương, ca khúc nhanh chóng được đón nhận rộng rãi, tạo hiệu ứng tốt. Trước đó, tạp chí Nikkei (trụ sở chính ở Nhật Bản) nhận xét, MV thành công khi góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa và sức sống của vùng đất Bắc Ninh. MV “Bắc Bling” cũng có các bản cover phiên bản Ai Cập, phiên bản châu Phi khiến khán giả rất thích thú.
Nhiều sản phẩm "ăn theo" cũng hút hàng triệu lượt xem như trend chụp ảnh Bắc Ninh, thử thách makeup biến hóa, dance cover…
Dùng âm nhạc quảng bá văn hóa Việt
Trong bối cảnh ngành công nghiệp giải trí phát triển mạnh mẽ, những năm qua, âm nhạc Việt Nam đã trở thành cầu nối, mang hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với thế giới qua các MV ca nhạc đầy ấn tượng. Một số ca khúc nổi bật đã trở thành những "sứ giả", truyền tải thông điệp mạnh mẽ: "Hãy xách ba lô lên và khám phá vẻ đẹp tuyệt vời của Việt Nam".
Điển hình là MV "Vietnam my home" của Masew - nhà sản xuất âm nhạc trẻ, người Việt đầu tiên chinh phục cột mốc 1 tỷ lượt nghe trên YouTube. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, "Vietnam my home" không chỉ là một sản phẩm âm nhạc mà còn là một chuyến du hành qua những giai điệu sôi động của nhạc điện tử và âm thanh đặc trưng từ các nhạc cụ dân tộc. Đó là lời mời gọi thế giới đến với Việt Nam, một đất nước giàu đẹp và đầy tiềm năng.
Hay như "Hoa không hương" của K-ICM và Văn Mai Hương được quay tại Ninh Bình - một điểm đến đầy di sản thiên nhiên độc đáo, từng là cố đô của ba vương triều Đinh, Lý, Tiền Lê. Sau khi ra mắt, MV đã gây xúc động mạnh mẽ, làm sống dậy không chỉ âm nhạc mà cả những giá trị văn hóa, lịch sử của một vùng đất giàu truyền thống.
Trước "Bắc Bling", Hòa Minzy có MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" với bối cảnh là các công trình xưa của quần thể Di tích cố đô Huế và sông Hương. Trong đó có các cảnh quay tại cung An Định, một địa điểm đẹp mà không phải ai cũng biết khi đến mảnh đất "sông Hương núi Ngự". Sau MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp", cung An Định càng thêm hấp dẫn, thu hút sự tò mò của nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ.
Nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: "Tôi nghĩ có rất nhiều con đường, nhưng con đường tìm đến nghệ thuật dân gian để tạo ra những cá tính riêng là một con đường có lẽ là thuận lợi hơn con đường khác. Bởi lẽ những điều đó đã nằm trong máu của người Việt, nằm trong văn hóa và nếu chúng ta tìm được những cá tính riêng đó cho âm nhạc thì đó sẽ là một một cái con đường dẫn tới thành công, có thể đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế".
Nhạc sĩ Trần Hải Đăng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: "Âm nhạc là một ngôn ngữ đặc biệt, một ngôn ngữ dành cho tất cả các dân tộc, mọi thế hệ, mọi quốc gia và âm nhạc truyền đi một thông điệp đó chính là yêu thương".
Trong bức tranh âm nhạc Việt Nam hiện đại, không thể phủ nhận rằng những MV ca nhạc ngày càng trở thành những "đại sứ" văn hóa, mang hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới. Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, âm nhạc giờ đây không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật mà còn là một cây cầu kết nối nghệ sĩ với công chúng toàn cầu. Mỗi MV không chỉ chạm đến cảm xúc người nghe mà còn là lời mời gọi khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam, với tất cả sự tươi mới và độc đáo.
Tuy nhiên, để các sản phẩm âm nhạc này thực sự tạo dấu ấn sâu đậm và không rơi vào sự nhàm chán, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng và một chiến lược đầu tư đúng đắn, từ nội dung đến hình ảnh.
Và để đưa văn hóa Việt ra thế giới qua những tour lưu diễn quốc tế, chúng ta cần có một chiến lược dài hạn với sự đầu tư bài bản và tầm nhìn chiến lược rõ ràng. Đây chính là bước đi quan trọng để âm nhạc Việt Nam vươn xa, trở thành biểu tượng của nền văn hóa độc đáo mà cả thế giới cùng ngưỡng mộ.
Âm nhạc giúp Hàn Quốc quảng bá văn hóa ra thế giới
Âm nhạc đã trở thành một trong những công cụ mạnh mẽ nhất giúp Hàn Quốc quảng bá văn hóa của mình ra toàn thế giới, tạo nên một hiện tượng toàn cầu được gọi là "Hallyu" (Làn sóng Hàn Quốc). Với sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, âm nhạc Hàn Quốc không chỉ là một loại hình giải trí mà còn là cầu nối văn hóa, đưa hình ảnh đất nước này đến gần hơn với hàng triệu người trên khắp hành tinh.
Khi nhắc đến âm nhạc Hàn Quốc, không thể không kể đến Kpop - thể loại nhạc pop hiện đại đã đưa văn hóa quốc gia này vươn xa. Từ những nhóm nhạc như Seo Taiji and Boys trong thập niên 90 đến các những tên tuổi nổi tiếng toàn cầu hiện nay như BTS, Blackpink, EXO hay Twice, K-pop đã chinh phục trái tim của khán giả quốc tế bằng âm nhạc hấp dẫn, vũ đạo điêu luyện và phong cách trình diễn độc đáo.
Những MV được đầu tư công phu với hình ảnh đẹp mắt, cốt truyện sáng tạo và sự xuất hiện của các yếu tố văn hóa Hàn Quốc như thời trang hay ẩm thực đã được khéo léo lồng ghép bản sắc dân tộc vào sản phẩm nghệ thuật. Những yếu tố này không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ mà còn khơi dậy sự tò mò của khán giả quốc tế về văn hóa Hàn Quốc.
Nhờ âm nhạc, Hàn Quốc đã xây dựng thành công sức mạnh mềm, một chiến lược quảng bá văn hóa hiệu quả mà không cần đến các phương tiện chính trị hay kinh tế truyền thống. Các lễ hội âm nhạc như KCON tổ chức tại nhiều quốc gia đã thu hút hàng triệu người hâm mộ, đồng thời giới thiệu ẩm thực truyền thống cũng như phong cách sống Hàn Quốc.
Theo thống kê, ngành công nghiệp Kpop đã đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế Hàn Quốc và thúc đẩy du lịch, khi hàng triệu người hâm mộ đổ về Seoul để tham quan các địa điểm xuất hiện trong MV hay quê hương của thần tượng.
Hơn nữa, sự thành công của Kpop còn tạo động lực cho việc học tiếng Hàn. Các ứng dụng học ngôn ngữ như Duolingo ghi nhận số lượng người học tiếng Hàn tăng vọt, phần lớn nhờ mong muốn hiểu lời bài hát hay giao tiếp với thần tượng. Điều này cho thấy âm nhạc không chỉ là nghệ thuật mà còn là phương tiện truyền tải ngôn ngữ và tư duy văn hóa.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhac-viet-su-gia-van-hoa-318202.htm