'Nhầm lẫn' trong báo cáo tài chính, luật sư khẳng định: 'Không phải lúc nào cũng là lý do hợp pháp'

Dù doanh nghiệp có thể viện dẫn lý do 'nhầm lẫn' để giải thích cho các sai sót trong báo cáo tài chính, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc được miễn trừ trách nhiệm. Theo các chuyên gia pháp lý, nếu sai sót mang tính trọng yếu hoặc có dấu hiệu gian lận, doanh nghiệp vẫn có thể bị xử phạt nghiêm khắc, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đánh giá của luật sư, việc nhiều doanh nghiệp giải thích sai sót số liệu trong báo cáo tài chính là do "nhầm lẫn" là một vấn đề khá phức tạp. Đây có khả năng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào mức độ sai sót, tính chất của thông tin sai lệch và “ý định” của doanh nghiệp.

Việc nhầm lẫn và sai sót khi công bố báo cáo tài chính của doanh nghiệp là một vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lớn đến uy tín, niềm tin của nhà đầu tư, cơ quan quản lý và thị trường tài chính nói chung. Tùy vào mức độ và nguyên nhân, sai sót trong báo cáo tài chính có thể được phân loại, xử lý và dẫn đến hậu quả khác nhau.

Mới đây nhất, Nhiệt điện Thăng Long (thành viên thuộc Tập đoàn Geleximco) đã báo ‘nhầm’ lỗ đậm thành lãi. Cụ thể, trong thông báo vừa gửi tới Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Nhiệt điện Thăng Long đã lỗ tới 528 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm 2022 lãi 121,8 tỷ đồng.

Đối chiếu lại báo cáo công bố năm ngoái, công ty lại báo lỗ 528 tỷ đồng trong năm 2022, còn lãi trở lại 121,8 tỷ đồng trong năm 2023.

Theo giải trình, công ty cho biết đã nhầm cột “kỳ trước” thành “kỳ báo cáo” và ngược lại.

Nguồn: Báo cáo sau đính chính của Nhiệt điện Thăng Long.

Nguồn: Báo cáo sau đính chính của Nhiệt điện Thăng Long.

Cuối năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Chương Dương (mã: CDC) với tổng số tiền lên tới 322,5 triệu đồng. Theo quyết định, công ty đã công bố thông tin sai lệch các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 so với số liệu trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 được điều chỉnh hồi tố số liệu tại ngày 1/1/2023.

Hay tại CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (mã: FID) cũng bị phạt với tổng số tiền là 215 triệu đồng và buộc phải cải chính thông tin. Nặng nhất là công ty bị phạt 150 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin sai lệch.

Việc "nhầm lẫn" có vi phạm pháp luật?

Trao đổi với phóng viên DNVN, Luật sư Đỗ Thị Hằng, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật TNHH BFSC phân tích: “Theo Luật Kế toán 2015: Điều 5. Yêu cầu kế toán của Luật Kế toán 2015 hiện nay đã quy định rất rõ về tính trung thực, khách quan, đầy đủ và kịp thời của thông tin kế toán. Báo cáo tài chính là sản phẩm cuối cùng của quá trình kế toán, do đó phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định này. Việc cung cấp thông tin sai lệch, dù là do "nhầm lẫn", vẫn có thể bị coi là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của kế toán.

Các văn bản pháp luật liên quan: Ngoài Luật Kế toán, còn có các văn bản pháp luật khác liên quan đến báo cáo tài chính như Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Chứng khoán 2025 (đối với công ty niêm yết), các nghị định, thông tư hướng dẫn về kế toán và kiểm toán. Các văn bản này đều nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo tính chính xác của báo cáo tài chính.

Mức độ nghiêm trọng của sai sót

Sai sót không trọng yếu: Những sai sót nhỏ, không ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính có thể được xem xét là "nhầm lẫn" thông thường và có thể được điều chỉnh. Tuy nhiên, việc lặp lại nhiều lần các sai sót này cũng có thể bị nghi ngờ về tính hệ thống và ý định.

Sai sót trọng yếu: Những sai sót lớn, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính (nhà đầu tư, ngân hàng, đối tác, cơ quan quản lý thuế...) thì khó có thể được chấp nhận là "nhầm lẫn" đơn thuần. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể bị nghi ngờ về hành vi cố ý cung cấp thông tin sai lệch.

Mặc dù doanh nghiệp có thể đưa ra lời giải thích rằng sai sót là do "nhầm lẫn", nhưng cơ quan chức năng sẽ không chỉ dựa vào lời khai này mà sẽ đánh giá tổng thể các yếu tố liên quan để xác định liệu đây có thực sự là một nhầm lẫn vô ý hay là hành vi cố ý che giấu thông tin, thậm chí gian lận kế toán. Việc xem xét sẽ bao gồm các yếu tố như: tính hệ thống của các sai sót, mức độ phức tạp của các nghiệp vụ bị sai, trình độ chuyên môn của người lập báo cáo tài chính, cùng với các bằng chứng khác cho thấy có thể đã tồn tại yếu tố cố ý hoặc sự thiếu cẩn trọng nghiêm trọng trong quá trình lập và trình bày báo cáo”.

“Nhìn chung, việc giải thích sai sót do "nhầm lẫn" không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được miễn trách nhiệm. Nếu sai sót là trọng yếu hoặc có dấu hiệu của sự thiếu trung thực, doanh nghiệp vẫn có thể bị coi là vi phạm pháp luật”, Luật sư Hằng khẳng định.

Về việc xử lý vi phạm, tùy vào mức độ nghiêm trọng và bản chất của sai sót, doanh nghiệp có thể bị xử phạt theo nhiều hình thức khác nhau, từ hành chính đến hình sự. Nếu sai sót chỉ là vi phạm hành chính, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền, buộc cải chính báo cáo tài chính, hoặc bị xử lý kỷ luật đối với cá nhân liên quan. Tuy nhiên, nếu hành vi bị xác định là gian lận kế toán, cố ý làm sai lệch báo cáo tài chính để che giấu thông tin tài chính quan trọng, doanh nghiệp và cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Xử phạt vi phạm hành chính: Theo Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm về lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm về hóa đơn, thuế thì có nhiều hành vi vi phạm liên quan đến báo cáo tài chính sai lệch có thể bị xử phạt bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền với các mức khác nhau, tùy thuộc vào mức độ sai phạm, mức phạt tối đa lên tới 100.000.000 đ đối với một hành vi vi phạm đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, lên tới 3.000.000.000 đ đối với mỗi hành vi vi phạm đối với lĩnh vực chứng khoán...

Các hành vi có thể bị xử phạt bao gồm: Lập báo cáo tài chính không đúng với chuẩn mực, chế độ kế toán; Cung cấp thông tin, tài liệu kế toán sai sự thật; Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, không kịp thời báo cáo tài chính theo quy định; Sửa chữa, tẩy xóa tài liệu kế toán trái quy định; Hủy bỏ tài liệu kế toán trước thời hạn quy định.

Xử lý hình sự: Trong trường hợp sai sót báo cáo tài chính gây hậu quả nghiêm trọng (ví dụ: gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, ngân hàng...), hoặc có dấu hiệu của hành vi gian lận, trốn thuế, doanh nghiệp và cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự. Các tội danh có thể bị xem xét bao gồm: Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Tội trốn thuế (Điều 200); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209).

Các biện pháp xử lý khác: Ngoài xử phạt hành chính và hình sự, doanh nghiệp vi phạm còn có thể phải chịu các biện pháp xử lý khác như: Buộc cải chính thông tin; Thu hồi giấy phép kinh doanh (trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng); Ảnh hưởng đến uy tín và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Từ thực tế nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt cho các hành vi “nhầm lẫn”, “sai sót” khi công bố báo cáo tài chính, nhất là vào thời điểm tháng 4 - thời gian các đơn vị chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh quý I, Luật sư Hằng chia sẻ: “Doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Việc đảm bảo tính chính xác và trung thực của thông tin là trách nhiệm hàng đầu. Nếu phát hiện sai sót, doanh nghiệp cần chủ động rà soát, điều chỉnh và giải trình rõ ràng với các bên liên quan và cơ quan chức năng. Việc giải thích đơn thuần là "nhầm lẫn" có thể không đủ để tránh khỏi các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Để tránh các rủi ro pháp lý, doanh nghiệp nên: Xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và tăng cường văn hóa tuân thủ pháp luật trong nội bộ doanh nghiệp; Đảm bảo đội ngũ kế toán có trình độ chuyên môn cao và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; Thực hiện kiểm toán độc lập định kỳ để phát hiện và khắc phục sai sót kịp thời; Nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán và báo cáo tài chính.

Trong trường hợp có nghi ngờ về tính chính xác của báo cáo tài chính, các bên liên quan (nhà đầu tư, ngân hàng...) có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình hoặc đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra”.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nham-lan-trong-bao-cao-tai-chinh-luat-su-khang-dinh-khong-phai-luc-nao-cung-la-ly-do-hop-phap.html