Nham Thôn, nét quê hồn làng
'Trời lưu lại danh thắng cùng đất phong đô/ Dáng núi luôn biến đổi không thể vẽ nổi' là ý của hai câu thơ do Thị nội Trần Ngọc Xuyến đời Lê Cảnh Hưng để lại nói về thế đất, hình sông tạc nên phong cảnh hữu tình của vùng đất Vĩnh An (Vĩnh Lộc). Tạc vào dáng hình ấy là núi Kim Sơn với hệ thống 'ngũ linh động', trong đó có động Tiên Sơn - Phong Nha thứ hai của Việt Nam. Ngoài ra, các núi Biện Lĩnh, Nham Thôn, Tiến Sỹ có hình thù kỳ vĩ như tháp bao quanh các làng cổ ở đây. Đặc biệt, đứng ở cuối xã là điểm hội tụ ngã ba Bông, nơi một con gà gáy mà các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Hà Trung, Vĩnh Lộc cùng nghe.
Vĩnh An không chỉ nổi tiếng với 5 ngọn núi là Ác Sơn, Đụn, Lách, Eo Cò, núi Lớn và núi Trầu là núi đất mà còn có tới 23 ngọn núi đá. Trong đó có núi Nham Sơn ở làng Nham Thôn. Sách “Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí” có viết: ...“Đá lạ nham thạch đẹp cao vót, thảo mộc xanh tươi, um tùm, thiên hình vạn trạng, đến nơi này nhìn khắp có núi Thần Đạo đối diện, phía nam núi ấy có núi Đầu Kê đứng la liệt phía trước; núi Ngưỡng Sơn cao vọt ở phía Đông Nam, núi Hồng Mông tung cao ở phía Đông Bắc”.
Nham Thôn là làng cổ, có địa bàn thuộc khu vực trung tâm và đông dân nhất của xã Vĩnh An. Trước đây, người dân còn gọi là làng Hang, làng Kim Sơn. Theo gia phả còn lại của một số dòng họ thì Nham Thôn ngày nay được hình thành đầu thế kỷ XV nghĩa là cuối thời nhà Trần, đầu thời nhà Hồ.
Với địa thế thuận lợi, phía sau có núi, phía trước có sông Mã, nhiều người đã lưu lại và chọn nơi đây để sinh sống. Song, lại có thời kỳ mảnh đất này chẳng khác gì bãi chiến trường trong cuộc nội chiến giữa nhà Lê và nhà Mạc, người dân đành di cư vào làng Thọ Lộc, phía sau dãy núi Kim Sơn, nay thuộc xã Hà Lĩnh (Hà Trung)... Mãi khi cuộc giao tranh giữa quân Trịnh và quân Mạc tạm thời kết thúc, Nhân dân Nham Thôn mới từ Thọ Lộc trở về để xây dựng quê hương.
Mối lương duyên giữa hai làng Nham Thôn và Thọ Lộc còn được gắn kết qua những câu chuyện liên quan đến việc xây dựng đình. Đó là vào thời vua Lê Hiển tông (1740-1786) khoảng năm 1750, vua đi vi hành đến vùng Thọ Lộc, Nhân dân ở đấy không biết đã bắn chết voi của nhà vua. Vua đã quy tội nặng và phạt làng Thọ Lộc. Đoàn tùy tùng trong chuyến đi ấy, có một ông quan là con rể làng Nham Thôn đã tấu trình xin giảm tội. Vì thế, năm 1863, khi nghe tin làng Nham Thôn xây dựng đình, người dân làng Thọ Lộc đã đi tìm những loại gỗ quý như: lim, sến, gụ, táu, vàng tâm... Tìm được gỗ quý, về làm xong 6 vì kèo nhưng gỗ nặng quá, không thể vận chuyển, người dân phải chờ đến mùa mưa nước đồng dâng cao mới đóng thành bè kéo qua Vĩnh Thịnh đến động Kim Sơn tập kết về đình. Ngôi đình khang trang ấy có sự góp sức không nhỏ của người dân Thọ Lộc.
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Nham Thôn thờ Thành hoàng làng là ông Lê Huy Hoàng, người có công đầu tiên tấu xin triều đình lập làng Nham Thôn. Ngoài ra ở đình còn thờ 4 vị tiên hiền của 4 dòng họ có công trong việc xây dựng làng là 4 ông tổ của dòng họ Lê, Trần, Nguyễn, Trịnh.
Giới thiệu với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tuyên, công chức văn hóa xã, cho biết: Trước đây, các cụ kể lại là làng còn có nhiều di tích khác như đền Cô Tinh, chùa Liên Hoa, nghè Chính, phủ Bà, đền Đức Thánh nhị, miếu Hang ngoài, miếu Hang trong, bia Văn chỉ... Vì thế mà làng trước kia cũng có nhiều lễ hội lớn, như: lễ khai hạ (xuống đồng sản xuất) vào ngày 7 tháng (1) giêng; lễ cầu mát, lễ Minh Thọ cho những người từ 50 tuổi trở lên, riêng các cụ ông ở tuổi 80 trở lên là được làng may tặng áo để mặc trong ngày lễ này... Ngoài ra, trước năm 1945 ở làng còn có gánh hát bội với đầy đủ diễn viên, nhạc công. Gánh hát được mời đi phục vụ hội hè và một số gia đình khá giả có việc vui mời. Tiếc là cùng với thời gian, rất nhiều công trình văn hóa trở thành phế tích, những nét đẹp phong tục, tín ngưỡng đã mai một.
Niềm tự hào lớn nhất của người dân làng là giữ được đình Nham Thôn. Đến nay, vừa đúng 160 năm xây dựng đình. Đình có 5 gian tiền đường và 1 gian hậu cung với 12 cột lớn, và nhiều cột quân được thiết kế theo kết cấu chồng rường kẻ bẩy với các hàng chân cột gỗ được kê trên chân đá tảng vững chắc, phía trên là hệ thống vì kèo đỡ mái đình. Đình không chỉ bề thế, mà còn được trang trí bằng các họa tiết chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo. Hình dáng của hươu, rùa, lá sen, lá cúc được chạm trổ chi tiết, vì thế mà hệ thống vì kèo của đình mềm mại và uyển chuyển hơn.
Bà Nguyễn Thị Đức, đảng viên cao tuổi nhất trong làng, năm nay đã 82 tuổi, kể với chúng tôi: “Trước kia trong đình có nhiều di vật quý như bức cửa võng, ngai thờ, bộ bát bửu và một số đồ thờ quý khác. Nhưng, thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Nham Thôn trở thành vùng đất tiêu thổ kháng chiến và bị đánh phá, hầu hết các hiện vật đã bị thất lạc và mất mát. Tuy vậy, dù có thay đổi thế nào thì đình làng vẫn là nơi lưu giữ hồn làng của “người nhà quê” chúng tôi”.
Từ khi lớn lên đến lúc trưởng thành, bà Đức chứng kiến 2 lần đình được trùng tu. Cũng chính bà đã tham gia rất nhiều cuộc họp chi bộ được tổ chức ở đây. Vì thế, hiện nay chính quyền xã Vĩnh An đã thành lập Ban bảo vệ di tích do Hội Người cao tuổi trực tiếp trông coi và hương khói thì bà cũng là người tích cực và chăm lo nhất.
Theo thông tin từ ông Trịnh Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết: Huyện Vĩnh Lộc, xã Vĩnh An đang xây dựng và phát triển quần thể thắng tích Kim Sơn - Tiên Sơn - Chùa Ngọc Sơn Linh Ứng, đình Nham Thôn là điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch Thanh Hóa - Vĩnh Lộc.
Làng Nham Thôn xưa, nay được chia tách thành 3 thôn. Sau 15 năm được công nhận làng văn hóa cấp huyện, đến nay Nham Thôn vẫn giữ được nét quê, hồn làng thật đẹp. Các con ngõ nhỏ đã được bà con mở rộng để xây dựng xã NTM nâng cao. Từng gia đình ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Bà con luôn đoàn kết, sẻ chia trong xây dựng, phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
Đến Nham Thôn những ngày này, hầu hết bà con đã đi thu hoạch củ ấu. Ấu là cây trồng truyền thống của địa phương. Những năm gần đây, củ ấu có giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa ngô nên được bà con trồng nhiều. Bà Đỗ Thị Thoan - công chức nông nghiệp xã Vĩnh An cho hay: Nếu được mùa, sản lượng ấu ở đây có thể đạt 8 - 10 tấn/ha, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định kinh tế. Thời gian tới, chính quyền sẽ khuyến khích bà con mở rộng diện tích, đồng thời tìm giải pháp đấu mối với thương lái và các điểm tham quan du lịch quanh vùng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm quê nhà đến với nhiều du khách hơn...
“Thương nhau củ ấu cũng tròn”, về với Nham Thôn là về mảnh đất của những con người chân chất hiền lành, với phong cảnh hữu tình mà nên thơ.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/nham-thon-net-que-hon-lang/29149.htm