Nhãn ánh vàng - triển vọng để nhân rộng
Sau 5 năm ghép cải tạo, trồng thử nghiệm giống nhãn ánh vàng 205 tại một số địa phương trong tỉnh, bước đầu có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống nhãn khác, mở ra triển vọng để nhân rộng ra trên địa bàn tỉnh.
Giọng nữ
Giọng nữ
Giọng nam
Với mục tiêu tuyển chọn các dòng, giống nhãn triển vọng để nhân rộng, nâng hiệu quả kinh tế cho nông dân, năm 2019, Viện Nghiên cứu rau quả triển khai Dự án “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển sản xuất nhãn bền vững tại Sơn La và một số tỉnh phía Bắc”, đã đưa 8 giống nhãn triển vọng vào trồng khảo nghiệm tại huyện Sông Mã.
Sau 5 năm triển khai, các giống nhãn sinh trưởng, phát triển tốt; nhất là giống nhãn ánh vàng 205 rất phù hợp điều kiện khí hậu, sinh thái của tỉnh Sơn La. Đến nay, huyện Sông Mã phát triển được 10 ha nhãn ánh vàng, trong đó 4 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 15 tấn/ha, giá bán 40-50 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với giống nhãn miền.
Là hộ đầu tiên tham gia ghép cải tạo giống nhãn ánh vàng 205. Anh Hoàng Mạnh Đoàn, bản Đội 3, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, chia sẻ: Năm 2019, gia đình ghép cải tạo hơn 200 gốc nhãn địa phương bằng giống nhãn ánh vàng 205; quá trình chăm sóc nhận thấy giống nhãn này có nhiều ưu điểm tốt, cây phát triển khỏe mạnh, chùm quả to, đều, cùi khô, vị ngọt đậm. Sau 1 năm, bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài hơn, thuận lợi vận chuyển sản phẩm đi xa.
Nhận thấy tiềm năng của giống nhãn ánh vàng 205, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với tỉnh Sơn La triển khai mô hình “Xây dựng và phát triển mô hình nhãn ánh vàng 205 theo tiêu chuẩn VietGAP tại Sơn La” giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu, mở rộng mô hình trồng mới 35 ha, ghép cải tạo 15 ha bằng giống nhãn ánh vàng 205, năng suất tăng từ 20-25% so với các giống nhãn khác, tạo vùng nguyên liệu cung cấp sản phẩm nhãn ánh vàng 205 phục vụ nhu cầu chế biến trong nước, xuất khẩu.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Trung tâm đã ký hợp đồng với Viện Nghiên cứu rau quả cung cấp giống, mắt ghép nhãn ánh vàng 205. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La khảo sát, lựa chọn các hộ trồng nhãn từ 0,2 ha hoặc 70 cây trở lên tại các huyện Mai Sơn, Sông Mã và thành phố Sơn La tham gia mô hình trên tinh thần tự nguyện, cam kết thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo đủ nguồn lực lao động thực hiện đúng quy trình về trồng mới, ghép cải tạo; có khả năng tiếp thu tiến bộ kỹ thuật và truyền đạt lại cho người khác.
Đăng ký tham gia mô hình trồng mới, cải tạo giống nhãn ánh vàng giai đoạn 2023-2025, ông Phạm Ánh Hồng, tiểu khu 17, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Năm 2022, được đi thăm các nhà vườn trồng nhãn ánh vàng tại huyện Sông Mã, tôi đã mua mắt về ghép thử nghiệm trên 20 cây nhãn miền của gia đình. Năm 2023 đã ra quả chất lượng hơn hẳn. Đặc biệt là khi chế biến làm long nhãn cứ 10kg nhãn ánh vàng đạt tới 1,6 kg long nhãn. Hiện nay, đã ghép cải tạo 1,3 ha và đang chuẩn bị ghép cải tạo toàn bộ 4 ha vườn nhãn miền bằng giống nhãn ánh vàng 205.
Gia đình ông Bùi Xuân Hiến, tiểu khu 20, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, đã cải tạo 1,5 ha vườn nhãn già cỗi sang giống nhãn ánh vàng 205. Ông Hiến nói: Được cán bộ khuyến nông đưa đi tham quan các vườn trồng thử nghiệm và ăn thử sản phẩm, nhận thấy giống nhãn này thực sự có chất lượng nổi trội, nên tôi quyết định cải tạo toàn bộ vườn, ghép giống nhãn ánh vàng 205.
Tại thành phố Sơn La, gia đình ông Đào Duy Khánh, xã Chiềng Ngần đăng ký ghép cải tạo 1 ha và trồng mới 2 ha nhãn ánh vàng. Ông Khánh chia sẻ: Tôi ghép cải tạo và trồng mới từ cuối năm 2023, hiện nay, các mắt ghép phát triển tốt, cây trồng mới phát triển khỏe mạnh. Được cán bộ khuyến nông luôn đồng hành, theo sát hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, kỳ vọng nhãn ánh vàng 205 sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mở rộng diện tích trồng nhãn ánh vàng 205, từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã hỗ trợ mắt ghép, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trồng nhãn tại huyện Mai Sơn, Sông Mã và Thành phố trồng mới 3 ha, ghép cải tạo 4 ha. Trong năm 2024, sẽ hỗ trợ trồng mới 32 ha, ghép cải tạo 6 ha. Đồng thời, xây dựng các vườn đầu dòng tại các khu trọng điểm ở Mai Sơn, Sông Mã, Thành phố, nhằm chủ động cung ứng giống tại chỗ, đáp ứng nhu cầu giống.
Các mô hình ghép cải tạo, trồng mới giống nhãn ánh vàng 205 hiện nay sẽ là điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm cho các nhà vườn khác trong tỉnh. Bằng cách áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, mô hình này mở ra triển vọng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/nhan-anh-vang-trien-vong-de-nhan-rong-Un0ZP8bSR.html