Nhân bản vô tính thành công chồn chân đen từ con vật đã chết hơn 30 năm
Một con chồn chân đen, loài động vật hoang dã nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng tại Mỹ, đã được nhân bản thành công từ nguồn gen đông lạnh hơn 30 năm.
Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã Revive & Restore, Mỹ đã nhân bản thành công chồn chân đen từ gen của một con vật đã chết hơn 30 năm trước, thông tin được công bố hôm 18/2.
Con chồn chân đen được đặt tên Elizabeth Ann đã ra đời hôm 10/12/2020 bằng phương pháp nhân bản vô tính và đang được nuôi dưỡng tại một cơ sở bảo tồn động vật hoang dã ở Fort Collins, Colorado. Nó là bản sao di truyền của một con chồn hương tên là Willa đã chết vào năm 1988 và được đông lạnh.
Chồn chân đen được cho là đã tuyệt chủng, nạn nhân của việc mất môi trường sống.
Hiện Vườn thú đông lạnh của Sở thú San Diego, Mỹ đang lưu trữ tế bào của hơn 1.100 loài và phân loài động vật hoang dã quý hiếm trên toàn thế giới.
Phương pháp nhân bản vô tính đang là hy vọng có thể hồi sinh những loài đã tuyệt chủng như bồ câu viễn khách. Trước đó, vào mùa hè năm ngoái, một con ngựa hoang Mông Cổ, loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, đã được nhân bản thành công tại một cơ sở ở Texas.