Nhận biết và đề phòng hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một bệnh tiêu hóa phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng hội chứng ruột kích thích khiến người bệnh luôn mệt mỏi, có thể dẫn đến suy kiệt cơ thể.

Hội chứng ruột kích thích là hiện tượng chức năng ruột bị rối loạn tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh không có thương tổn u, không viêm loét… Hội chứng ruột kích thích còn được gọi viêm đại tràng co thắt.

1. Ai có nguy cơ bị bệnh?

Nội dung

1. Ai có nguy cơ bị bệnh?
2. Triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích
3. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích
4. Lời khuyên của bác sĩ

Người có nhiều khả năng bị hội chứng ruột kích thích nếu:

- Bệnh có xu hướng xảy ra ở những người trẻ tuổi, dưới 45 tuổi.

- Phụ nữ bị hội chứng ruột kích thích cao hơn nam giới gấp hai lần.

- Có tiền sử gia đình bị hội chứng ruột kích thích có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Người hay lo lắng, trầm cảm, rối loạn nhân cách.

- Người có tiền sử bị lạm dụng tình dục ở thời kỳ trẻ em cũng là yếu tố nguy cơ.

- Phụ nữ bị bạo hành gia đình.

2. Triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích

Triệu chứng đặc trưng điển hình của hội chứng ruột kích thích là:

- Người bệnh hay đau bụng và tái phát nhiều lần. Tình trạng đau này liên quan đến việc đi tiêu, thay đổi thói quen đi tiêu và tính chất phân của người bệnh. Những triệu chứng này có thể tái phát theo chu kỳ không đều nhau.

Đặc biệt, các triệu chứng sẽ bị nặng hơn khi người bệnh bị căng thẳng kéo dài hoặc ăn các thực phẩm không đảm bảo chất lượng và gây dị ứng cho cơ thể. Người bệnh hay đau vào buổi sáng và có thể giảm đau sau đi tiêu. Đau có thể mơ hồ, không liên tục, đau quặn, đau từng cơn hoặc âm ỉ.

Đau bụng là triệu chứng điển hình của bệnh.

Đau bụng là triệu chứng điển hình của bệnh.

- Người bệnh có thể táo bón hoặc tiêu chảy. Táo bón: là tình trạng bệnh nhân đi tiêu dưới 3 lần/ tuần; Tiêu chảy là bệnh nhân đi tiêu trên 3 lần/ 1ngày, kèm theo hình dạng phân thay đổi từ đặc đến nhầy mềm, lỏng nước… Trong bệnh này phân không bao giờ có lẫn máu. Nếu thấy có máu phải nghĩ đến những bệnh tại đường ruột.

- Cùng với đó là những dấu hiệu lâm sàng khác của hội chứng ruột kích thích gồm: Chướng bụng, đầy hơi, mệt mỏi, chuột rút, đau mỏi cơ, rối loạn giấc ngủ, cảm giác đi tiêu không hết phân, trung tiện nhiều…

- Khi bệnh nhân thấy các dấu hiệu báo động sau thì không thể chủ quan mà cần phải đi tầm soát để phát hiện sớm các bệnh đường tiêu hóa: xuất hiện triệu chứng bệnh sau 50 tuổi; bệnh nhân sút cân ngoài ý muốn; có máu trong phân; bệnh nhân sờ thấy u bụng hay trực tràng; đau hay tiêu chảy về đêm; có biểu hiện thiếu máu; sốt; có tiền sử gia đình ung thư đại tràng…

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích

Bệnh chưa được xác định rõ nguyên nhân. Tuy nhiên hội chứng ruột kích thích có thể do các yếu tố sau:

- Do bệnh nhân căng thẳng thần kinh: Đây là nguyên nhân thường thấy của hội chứng ruột kích thích. Khi bị căng thẳng, hệ thần kinh trung ương sẽ thông qua hệ thần kinh thực vật để làm giảm chức năng của dạ dày và đường ruột gây ra hội chứng ruột kích thích.

- Do rối loạn nội tiết tố: hội chứng ruột kích thích có liên quan sự thay đổi bất thường hormone từ đó gây ra việc rối loạn chức năng hệ tiêu hóa.

- Do bệnh nhân ăn những thực phẩm không đảm bảo: Đây là nguyên nhân chính gây ra hội chứng ruột kích thích. Những thực phẩm ôi thiu, hỏng hoặc không phù hợp sẽ kích thích dạ dày và ruột già của người bệnh và gây ra tăng nhu động ruột, gây hội chứng ruột kích thích.

- Tiền sử gia đình cũng là một yếu tố làm tăng cao nguy cơ nhạy cảm của đường ruột, khiến người bệnh dễ bị hội chứng ruột kích thích.

4. Lời khuyên của bác sĩ

Người bệnh nên cẩn trọng với các loại hải sản.

Người bệnh nên cẩn trọng với các loại hải sản.

Để trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích, song song với chỉ định điều trị của bác sĩ, chế độ ăn uống sinh hoạt cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ tái phát bệnh:

- Bệnh nhân cần kiêng khem những thức ăn dễ gây dị ứng…

- Không nên ăn những thức ăn khó tiêu, dễ sình hơi...

- Đối với người bị táo bón thì cần bổ sung thực phẩm chống táo bón.

- Đối với người bị tiêu chảy thì có thể sử dụng các thức ăn đặc dễ tiêu. Khi ăn cần phải nhai kỹ, ăn từ từ, không nên ăn quá no.

- Nên luyện tập đi ngoài ngày một lần vào buổi sáng, có thể xoa bóp bụng trước khi đi ngoài để kích thích gây cảm giác đi ngoài.

- Nên uống đủ nước và bổ sung chất xơ hàng ngày để hệ tiêu hóa được hoạt động nhẹ nhàng.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Trẻ Bị Bệnh Thủy Đậu Có Nên Kiêng Tắm, Kiêng Gió? |SKĐS

BS. Nguyễn Đình Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-va-de-phong-hoi-chung-ruot-kich-thich-169230428164859445.htm