Nhận biết và điều trị viêm tủy xương tránh biến chứng nguy hiểm

Viêm tủy xương là một bệnh lý xương khớp khá nguy hiểm hay gặp ở trẻ nhỏ với diễn tiến bệnh âm thầm nhưng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nếu không phát hiện và điều trị sớm viêm tủy xương có thể gặp phải các biến chứng ngắn xương, biến dạng xương…

1. Bệnh viêm tủy xương là gì?

NỘI DUNG:

1. Bệnh viêm tủy xương là gì?
2. Nguyên nhân bệnh viêm tủy xương
3. Ai dễ mắc viêm tủy xương?
4. Dấu hiệu viêm tủy xương
5. Viêm tủy xương có thể điều trị dứt điểm?

Viêm tủy xương là một dạng bệnh nhiễm khuẩn xảy ra ở xương, tủy xương và mô mềm ở xung quanh xương. Bệnh thường do tụ cầu vàng gây bệnh hay liên cầu trùng tạo máu.

Vi khuẩn xâm nhập vào xương từ máu trong cơ thể sau khi bị gãy xương, nhọt, vết thương trên da hay nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi hay bất kì bệnh nhiễm trùng nào khác trên cơ thể.

Viêm tủy xương cấp biểu hiện cấp tính với các triệu chứng rầm rộ. Bệnh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị có thể phát triển thành viêm tủy xương mạn tính diễn biến kéo dài: có những giai đoạn bệnh không hoạt động xen kẽ với những đợt bùng phát và ảnh hưởng đến sử phát triển của xương, thậm chí có thể gây biến dạng xương, hạn chế vận động.

2. Nguyên nhân bệnh viêm tủy xương

Nguyên nhân gây viêm tủy xương là do vi khuẩn: Vi khuẩn hay gặp nhất là tụ cầu vàng (khoảng 50% trường hợp); Vi khuẩn thường gặp khác: liên cầu trùng tan máu, phế cầu, Ecoli, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn thương hàn…

Vi khuẩn có thể từ nhọt, một vết xước, viêm nhiễm ở da, viêm họng, hay bất kì viêm nhiễm nào trên cơ thể đi vào máu sau đó tập trung tại xương phần lớn tập trung ở chỗ nối tiếp giữa đầu xương và thân xương do vùng này rất giàu mạch máu và phát sinh viêm tủy xương.

Triệu chứng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng ảnh hưởng tới vận động.

Triệu chứng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng ảnh hưởng tới vận động.

3. Ai dễ mắc viêm tủy xương?

Viêm xương tủy xương có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ và lứa tuổi thiếu niên; Chấn thương là nguyên nhân thuận lợi làm giảm sức đề kháng của cơ thể tạo điều kiện cho viêm xương tủy xương dễ dàng phát sinh phát triển.

Ngoài ra, một số nguyên nhân thuận lợi khác làm giảm sức đề kháng của cơ thể như: sự hoạt động quá sức, ăn uống kém, mệt mỏi, điều kiện sống và sinh hoạt kém...

4. Dấu hiệu viêm tủy xương

Khoảng 80% ca mắc bệnh viêm tủy xương cấp là trẻ em từ 6-16 tuổi.

Giai đoạn đầu của bệnh có dấu hiệu khá mơ hồ rất khó phát hiện nên dễ bị bỏ qua. Các triệu chứng thông thường:

- Trẻ sốt cao, nhiễm trùng nhẹ, cảm thấy đau quanh chi, hạn chế hoạt động hơn bình thường.

- Đi khám phát hiện sưng nề nhẹ quanh đầu xương, hay gặp viêm xương quanh gối, ấn vào khớp không đau.

- Ở giai đoạn muộn, viêm đã phá ra tổ chức phần mềm, toàn thân người mắc bệnh sẽ có hội chứng nhiễm khuẩn rõ: Xuất hiện các chỗ có áp xe cơ ở chi là sưng, nóng, đỏ, đau, ở giữa có cảm giác mềm có mủ. Thậm chí còn có lỗ dò mủ ra ngoài, lỗ dò có mùi hôi, tanh, khó chịu,...

Viêm tủy xương ở giai đoạn cấp tính sẽ xuất hiện tình trạng viêm lan tỏa tủy xương. Các ổ mủ hình thành ở hành xương, quanh ổ mủ xương bị tiêu, phá hủy dưới màng xương, lan ra phần mềm tạo thành ổ áp xe sẽ thấy tình trạng vỡ ra ngoài da thành viêm dò mãn tính. Viêm xương tủy thứ phát sau một ổ nhiễm trùng kế cận như: tổn thương phần mềm, loét trợt do tỳ đè, viêm mô tế bào, loét da dinh dưỡng.

Bệnh viêm tủy xương cấp tính hoàn toàn có thể phát triển âm thầm thành mạn tính với diễn tiến bệnh kéo dài. Đến giai đoạn muộn, bệnh sẽ gây ra biến chứng gãy xương. Tình trạng nhiễm khuẩn tủy xương mạn tính khá nguy hiểm và đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của bệnh nhân.

Truyền kháng sinh điều trị viêm tủy xương.

Truyền kháng sinh điều trị viêm tủy xương.

5. Viêm tủy xương có thể điều trị dứt điểm?

Khả năng phục hồi của bệnh nhân phụ thuộc vào tình trạng và thể trạng bệnh nhân. Để xác định phương pháp điều trị thích hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán như: sinh thiết xương, chụp X-quang, MRI, cấy máu…

Mục đích điều trị để bảo vệ xương mô khỏi nguy cơ tổn thương và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Nếu điều trị sớm, tuân thủ theo phác đồ, kết hợp sinh hoạt ăn uống điều độ bệnh sẽ được cải thiện, thậm chí bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn.

Đa số bệnh nhân viêm tủy xương đều được điều trị bằng kháng sinh liều cao để diệt khuẩn. Thuốc kháng sinh sẽ được truyền qua đường tĩnh mạch và thời gian trị bệnh sẽ kéo dài khoảng từ 4 - 6 tuần hoặc có thể lâu hơn.

Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ phần xương chết và dùng một số loại vật liệu nhân tạo có khả năng kích thích tế bào xương mới hình thành, phát triển để thay thế.

Điều trị bệnh viêm nhiễm tủy xương cần tích cực kiên trì, kèm theo chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh kết hợp phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân cải thiện bệnh nhanh chóng.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

BS. Nguyễn Hoàng Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-va-dieu-tri-viem-tuy-xuong-tranh-bien-chung-nguy-hiem-169230313090211014.htm