Nhận biết và xử trí răng khôn mọc lệch
Răng khôn mọc lệch hoặc ngầm trong xương hàm là hiện tượng khá phổ biến ở người trưởng thành. Hiện tượng này sẽ gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
Răng khôn là gì?
Răng khôn còn gọi là răng số 8 là răng hàm lớn thứ ba mọc cuối cùng của hàm, thường mọc ở độ tuổi trưởng thành từ 17 – 25, thậm chí lớn hơn.
Hàm răng thường có 4 răng khôn: 2 răng hàm trên và 2 răng hàm dưới.
Trong nhiều trường hợp, vì không đủ chỗ để mọc bình thường nên những chiếc răng khôn thường phải mọc ngược về phía xương hoặc đâm thẳng về phía chiếc răng hàm đứng kế bên gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết răng khôn mọc lệch
Trên hàm, răng khôn sẽ mọc sau cùng. Răng khôn khó mọc lên nên sẽ có biểu hiện mọc lệch từ 17 tuổi trở lên và đâm vào răng bên cạnh vì khi đó hàm đã cứng chắc, xương hàm đã phát triển hoàn thiện.
Một số biểu hiện để nhận biết răng khôn có mọc lệch hay không:
- Người bệnh cảm giác đau nhức bất thường ở vùng má nơi mọc răng khôn. Nhiều khi còn kèm theo đau nhức chân răng bên cạnh trong trường hợp răng khôn mọc lệch. Răng khôn sẽ mọc gián đoạn trong một thời gian dài, mọc chậm hơn so với các răng khác. Thời gian mọc và xuất hiện có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm.
- Nướu cứng và chắc là khi răng khôn mọc. Tại vị trí đó, khi răng nhú thì phần lợi sẽ giãn ra và sưng lên.
- Hàm cảm giác khó mở rộng, lợi bị sưng. Cơ miệng khó để cử động linh hoạt như bình thường trong thời gian mọc răng khôn.
- Cảm nhận có mùi hôi khó chịu trong hơi thở của mình vì lợi bị sưng đỏ, viêm hoặc chảy máu...
- Cơ thể người bệnh có thể bị tăng nhiệt độ, sốt kèm đau đầu trong thời gian răng khôn sắp nhú lên.
- Cảm giác mệt mỏi, khó chịu khi ăn uống vì các cơn đau nhức.
Nên nhổ răng khôn mọc lệch?
Khi không có đủ chỗ để mọc thì việc răng khôn mọc lệch sẽ gây đau hoặc gây khó chịu cho người bệnh. Khi đó, nhiều răng khác lân cận cũng sẽ bị hư hại khi nó không được làm vệ sinh sạch sẽ.
Răng khôn mọc lệch còn có khả năng chen chúc và xô đẩy sang các răng kế cạnh gây đau đớn.
Nguy hiểm hơn là khi răng khôn mọc ngầm ở dưới hoặc được phần lợi bọc kín rồi đâm ngang qua chiếc răng số 7 bên cạnh gây nhiễm trùng, khít hàm, sưng, đau nhức...
Chính vì thế, răng khôn mọc lệch thường được bác sĩ chỉ định nhổ bỏ để tránh tình trạng nhiễm trùng, tiêu xương ở ổ răng bên cạnh, hư hại răng bên cạnh và tạo nang răng xương hàm.
Lời khuyên của bác sĩ
Trước khi phẫu thuật nhổ răng khôn mọc ngầm, mọc lệch, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt khám và tư vấn cẩn thận.
Bác sĩ sẽ kiểm tra tổng thể sức khỏe răng miệng; chụp X-quang toàn bộ hàm răng để kiểm tra vị trí chân răng, chẩn đoán chính xác hướng mọc, vị trí chân răng, xương hàm xung quanh răng khôn...
Nếu răng có dấu hiệu sưng đỏ, nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để không còn tình trạng viêm nhiễm. Thêm vào đó, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm một vài chỉ số cơ bản như huyết áp, tốc độ đông máu...
Với những người có sức khỏe không tốt, mắc các bệnh về tim mạch hay bệnh về máu thì bác sĩ khuyên không nên tiến hành nhổ răng khôn.
Bệnh nhân súc miệng bằng nước súc miệng chuyên dụng, sau đó được sát khuẩn và gây tê vùng cần nhổ, sau đó sẽ thực hiện phẫu thuật lấy răng ra. Sau khi nhổ, bác sĩ sẽ khâu vết thương.
Sau khi thực hiện nhổ răng khôn, bệnh nhân cần cắn chặt bông gòn trong vòng khoảng nửa tiếng để cầm máu.
Bệnh nhân uống thuốc kháng sinh, giảm đau và vệ sinh răng miệng theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ sẽ hướng dấn bệnh nhân chườm lạnh sau khi phẫu thuật, giúp giảm đau và tiêu sưng trong từ 3 đến 4 tiếng sau khi phẫu thuật răng khôn.
Cần tránh tác động lên phần răng vừa nhổ. Nên ăn những thức ăn lỏng mềm, dễ nuốt.
Sau khoảng 1 - 2 tuần, chân răng khôn vừa nhổ sẽ dần liền thương và có thể ăn, nhai trở lại bình thường.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-va-xu-tri-rang-khon-moc-lech-169230206171539554.htm