Nhân các vụ ngộ độc do rượu thuốc, bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý ngâm dùng
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo từ các bác sĩ Y học cổ truyền về những nguy hiểm khi tự ý sử dụng rượu thuốc nhưng các ca ngộ độc, thậm chí tử vong do rượu thuốc vẫn xảy ra.
1. Ngộ độc, tử vong do rượu thuốc
Mới đây, Công an huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết, đơn vị đang điều tra làm rõ vụ 2 người tử vong chưa rõ nguyên nhân xảy ra trên địa bàn sau khi uống rượu thuốc tự ngâm.
Các nạn nhân gồm ông Phan Văn C. (SN 1961, trú tại thôn Trò, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên) và ông Phan Văn Ch. (SN 1967, trú tại thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên). Cả hai người cùng uống 1 chai rượu thuốc tự ngâm từ các loại cây.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên mới đây, cũng đã tiếp nhận các trường hợp trong một gia đình bị ngộ độc do uống nhầm rượu ngâm củ ấu tàu. Sau một giờ, bệnh nhân có các biểu hiện như nôn nhiều, tê lưỡi… Khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán là bị ngộ độc aconitin với tình trạng rối loạn nhịp tim nặng.
Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng từng tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng tổn thương não do uống rượu rễ cây để điều trị xương khớp.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ chuyên gia, nhưng thực tế các ca ngộ độc, thậm chí tử vong sau khi uống rượu thuốc vẫn tiếp diễn xảy ra. Vậy người dân cần cảnh giác gì đối với rượu thuốc?
2. Những lưu ý khi ngâm rượu thuốc
Rượu thuốc là một trong các thức uống từ ngàn xưa tới nay, được chia thành nhiều nhóm, loại. Đơn giản nhất, người dân thường chia theo nguồn gốc động vật và thực vật:
- Động vật như các loại con vật được lưu truyền, người dân mách bảo nhau hoặc các loại cao động vật …
- Thực vật chia làm hai loại chính là củ quả và các thực vật khô:
+ Củ quả như táo mèo, khế, ổi, táo tàu quả to, chuối hột, ba kích…
+ Thực vật khô như các bài thuốc ngâm theo sách cổ hoặc sách lão khoa trung y ghi chép lại như các bài tứ quân tử thang, tứ vật thang, bát trân thang, thập toàn đại bổ, minh mạng thang… hoặc là các loại cao thuốc nam bắc như cao sìn sú, cao gắm, cao kê huyết, cao cây mật gấu …
Một số lưu ý:
Về rượu ngâm: Phải là rượu quê nấu, không có hóa chất công nghiệp, rượu có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Độ rượu để ngân thường khoảng 40 độ khi ngâm thực vật khô và các loại cao và 50 độ khi ngâm động vật, hoa quả tươi.
Về thuốc ngâm: Tùy theo tính chất mà bác sĩ y học cổ truyền sẽ tư vấn nên ngâm loại nào, có tác dụng gì, như bổ toàn thân, hay bổ thận, hoặc tăng cường sinh lý nam nữ…
Sau khi ngâm: Thành phẩm rượu ngâm phải không sinh ra độc tố, không gây hại cho cơ thể.
Các loại nguyên liệu khi ngâm: Không có độc tố, các loại thực vật khô đảm bảo sạch sẽ, đảm bảo chất lượng và số lượng, không chứa các tạp chất chống mốc, mọt, lưu huỳnh…
Sau khi rượu ngâm được 20 ngày có thể sử dụng được, khi đó nồng độ rượu khoảng 35 – 40 độ là thích hợp. Mỗi tối dùng 30ml.
Đặc điểm của rượu thuốc sau khi ngâm: Có màu sắc đẹp, bắt mắt, hương thơm, đúng vị. Khi uống không bị sốc vùng cổ họng.
3. Người dân không nên tự ngâm và dùng rượu thuốc để tránh gây độc
Rượu thuốc nếu không biết cách xử lý dược liệu trước khi ngâm, không biết cách ngâm, đặc biệt là dùng rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn... không đảm bảo chất lượng, dùng không đúng (lạm dụng)... rất dễ gây độc, thậm chí tử vong.
Lạm dụng rượu còn làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, nguy hiểm khi tham gia giao thông, và gây hại cho gan, thận...
Do đó, dùng rượu thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ y học cổ truyền khi ngâm và sử dụng rượu đúng, để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong chăm sóc và chữa bệnh.
Người dân không nên tự ý ngâm các loại rượu lá cây, củ quả, con... không rõ nguồn gốc, không biết tác dụng; ngâm theo mách bảo, truyền miệng; không sử dụng cồn công nghiệp, rượu kém chất lượng... để tránh bị ngộ độc, thậm chí gây tử vong. Tốt nhất người dân nên tư vấn bởi các thầy thuốc đông y để được hướng dẫn cách ngâm và sử dụng an toàn.