Nhãn cảnh báo nội dung cho sách được quy định như thế nào?
Việc dán nhãn cảnh báo và phân loại sách theo độ tuổi đọc là vấn đề gây nhiều tranh cãi cần sự tham gia tích cực từ các bên liên quan.
Sự việc học sinh lớp 11 đọc cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vương đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về vấn đề dán nhãn cảnh báo cho sách. Tại Việt Nam, đã có những quy định, thông tư cụ thể về dãn nhãn độ tuổi, cảnh báo nội dung. Trái lại, trên thế giới, vấn đề này vẫn là một bài toán nan giải.
Tiêu chí nào cho việc phân loại và dán nhãn sách
Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng là đơn vị thường xuyên dán nhãn độ tuổi trên các ấn phẩm của mình. Sách của Kim Đồng thường ghi rõ dành cho đối tượng bạn đọc (từ lứa tuổi nào) ở bìa 4 và trang bìa phụ.
“Với các ấn phẩm dành cho các bậc phụ huynh, nhà xuất bản có tủ sách Làm cha mẹ và logo của Tủ sách xuất hiện trên bìa 1. Thương hiệu sách trẻ Wings Books của NXB Kim Đồng có các mảng sách hướng đến độc giả trẻ, độc giả tuổi trưởng thành và với các ấn phẩm dành cho độc giả ở tuổi trưởng thành, NXB có ghi rõ lưu ý: Dành cho tuổi trưởng thành ở bìa 4 của ấn phẩm”, đại diện NXB Kim Đồng cho biết.
Bà Phạm Thủy, đại diện Truyền thông công ty sách Thái Hà, chia sẻ rằng đơn vị cũng đã thực hiện phân loại cho sách thiếu nhi trong khoảng trên dưới 10 tuổi. Điều này giúp cho phụ huynh dễ tìm được các cuốn sách phù hợp với con mình.
Hiện nay, Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT là văn bản quy định việc cảnh báo nội dung cho sách. Trong đó quy định xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ ở bìa 4. Thông tư cũng chia đối tượng ra ba lứa tuổi khác nhau là trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em từ 6 đến 11 tuổi và trẻ em từ 11 đến 16 tuổi.
Đồng thời các tiêu chí cụ thể cũng được đặt ra cho xuất bản phẩm như: chính xác về lịch sử, chủ quyền lãnh thổ, đề cao tình yêu dân tộc, phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, bồi dưỡng tâm hồn và phù hợp với mức độ trưởng thành của trẻ.
Thông tư 09/2017/TT-BTTTT còn quy định với xuất bản phẩm dành cho trẻ em của tác giả nước ngoài cũng cần đảm bảo các yếu tố trên
Luật xuất bản năm 2012 còn quy định rằng nội dung liên quan truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong mỹ tục đều bị cấm xuất bản. Điều khoản này cũng áp dụng với tác phẩm của tác giả trong nước và nước ngoài.
Mặc dù đã có những quy định về việc phân loại đối tượng, tuy nhiên, các văn bản pháp luật vẫn chưa đề cập đến các nhóm nội dung của từng đối tượng. Điều này phụ thuộc phần lớn vào quy định của từng nhà xuất bản và nhu cầu độc giả.
Quá trình dán nhãn cho sách còn nhiều phức tạp
Các nước trên thế giới cũng loay hoay với việc dán nhãn, phân loại sách theo độ tuổi.
Theo đại học Michigan, có hai loại nhãn dán cảnh báo nội dung cho sách. Đầu tiên là nhãn dán nội dung nhạy cảm. Chúng dùng để cảnh báo nội dung xâm hại tình dục, bắt cóc, bạo hành động vật, khiêu dâm, nạn phá thai, phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ thù địch, phân biệt giới tính…
Loại thứ hai là nhãn dán nội dung không dành cho những người mắc các triệu chứng tâm lý như rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng hậu sang chấn.
Có ba mức phân loại với sách cho trẻ em dưới 18 tuổi: dưới 8 tuổi, 8-12 tuổi và 13-18 tuổi.
Còn về độ tuổi, có ba mức phân loại với sách cho trẻ em dưới 18 tuổi. Chúng bao gồm hạng mục dưới 8 tuổi, từ 8-12 tuổi và từ 13-18 tuổi.
Sách thường được phân loại đối tượng và quyết định dán nhãn bởi nhà xuất bản. Sau đó, người kiểm duyệt cân nhắc đề xuất về độ tuổi phù hợp để tiếp cận nội dung trong cuốn sách. Các nhà phân phối, phát hành cũng có thể làm như vậy. Trong chuỗi cung ứng đó, thư viện hay các gia đình là điểm đến cuối cùng, họ vẫn có thể đưa ra những biện pháp nhất định để phân loại sách.
Robert Wright, Giám đốc Thư viện Công cộng Idaho Falls, cho biết: “Bên cạnh việc phân loại, thư viện còn cung cấp loại thẻ riêng cho trẻ em và người lớn để họ có thể tiếp cận các khu vực sách khác nhau”.
Một đề xuất khác ở bang Washington yêu cầu các thư viện sử dụng hệ thống xếp hạng sách giống hệ thống được ngành công nghiệp điện ảnh đang sử dụng để chỉ định các bộ phim “G”, “PG”, “PG-13” và “R”.
Ủy viên Lewis Sean Swope, người đề xuất kế hoạch, cho biết: “Đây là công cụ giúp phụ huynh có thể biết liệu đây có phải là cuốn sách phù hợp với con mình hay không”.
Vấn đề dán nhãn giới hạn độ tuổi đã là một chủ đề tranh cãi tại Anh từ nhiều năm trước. Nhà văn Philip Pullman cho rằng: “Đưa ra con số hướng dẫn về độ tuổi đối với sách dành cho trẻ em là sai lầm, gây tổn hại đến lợi ích của độc giả nhỏ tuổi”. Nhưng Hiệp hội Xuất bản Anh (PA) lại nhận định: “Độ tuổi giới hạn còn dùng để phản ánh những mối quan tâm khác nhau trong từng giai đoạn nhất định của trẻ, chúng ta không nên chỉ nhìn nó như một giới hạn”.
Vấn đề dán nhãn độ tuổi và cảnh báo nội dung cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Bên cạnh nỗ lực của các đơn vị xuất bản, phụ huynh và nhà trường có thể tham gia vào với tư cách là người định hướng đọc, giúp trẻ tiếp cận được các tác phẩm phù hợp với lứa tuổi.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhan-canh-bao-noi-dung-cho-sach-duoc-quy-dinh-nhu-nao-post1474791.html