Nhấn chìm 350 nghìn m3 bùn nạo vét từ Âu thuyền Thọ Quang bằng cách nào?
Âu thuyền Thọ Quang, hiện là một 'điểm nóng' về ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua. Để xử lý dứt điểm ô nhiễm của âu thuyền lớn nhất miền Trung, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ khắc phục triệt để 'điểm nóng' này, với nhiều dự án. Trong đó, công tác nạo vét bùn lắng là một trong những dự án quan trọng...
Khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang
Với mục tiêu xóa điểm ô nhiễm môi trường tại khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang vào năm 2025, thành phố Đà Nẵng đang triển khai 4 nhóm giải pháp với 58 nhiệm vụ được phân công cụ thể cho 20 cơ quan, đơn vị thực hiện nhằm tập trung xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng cá lớn nhất miền Trung này.
QUYẾT TÂM XÓA ĐIỂM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Công tác xử lý ô nhiễm Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang được tập trung vào 03 nhóm công việc chính, đó là quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường; xử lý nước thải và cải thiện chất lượng nước mặt; xử lý mùi hôi và khí thải. Với chức năng cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng được thành phố giao là cơ quan đầu mối tổng hợp, tổ chức họp hàng quý để đánh giá kết quả và báo cáo UBND thành phố, đề xuất các vấn đề vướng mắc.
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng, công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để thực hiện nạo vét, vận chuyển, lựa chọn vị trí nhấn chìm gần 350 nghìn m3 bùn lẫn cát dưới đáy Âu thuyền Thọ Quang là công việc phải làm hết sức thận trọng. Công việc này đã được thành phố giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Quá trình lựa chọn vị trí nhấn chìm, đơn vị tư vấn phải dùng nhiều mô hình để tính toán khả năng lan truyền bùn ra xung quanh sao cho việc nhấn chìm bùn không ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển bởi vịnh Đà Nẵng là một vị trí hết sức nhạy cảm về môi trường và tài nguyên biển.
Cũng theo ông Hùng, Sở Tài nguyên & Môi trường đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra, giám sát việc thi công nạo vét và nhấn chìm vật chất. Chủ dự án phải cung cấp các phương án quản lý môi trường, kế hoạch triển khai cụ thể các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo yêu cầu của Tổ công tác. “Nếu trong quá trình thực hiện có xảy ra ô nhiễm thì phải dừng ngay để tìm kiếm những giải pháp phù hợp hơn", ông Hùng nhấn mạnh.
THỰC HIỆN NGHIÊM NGẶT QUY TRÌNH NẠO VÉT
Công tác nạo vét Âu thuyền Thọ Quang là một tiểu dự án trong kế hoạch tổng thể của Dự án xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang- một cảng cả lớn nhất miền Trung, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Tiểu dự án được thành phố giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP TNHH Xây dựng và thương mại 126 và Công ty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân.
Các đơn vị thi công sẽ tiến hành nạo vét gần 350 nghìn m3 bùn và vận chuyển đi nhấn chìm tại vị trí có tọa độ 16°11'25.10"N - 108°17'32.78"E phía ngoài vịnh Đà Nẵng, cách phao số 0 khoảng hơn 12 km đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt. Trong quá trình nạo vét, các loại rác, chất thải rắn sẽ được ngăn lại bởi lưới chắn trên sà lan để đem đi xử lý tập trung.
Ngay sau khi phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép nhận chìm, chủ dự án đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, ban hành các biện pháp kỹ thuật chi tiết để đảm bảo việc đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với khu vực nạo vét và khu vực nhấn chìm.
Từ giữa tháng 4/2022 đến nay, nhà thầu đã huy động 02 tàu múc cỡ lớn và 04 sà lan có sức chứa 600 m3 bùn bắt đầu tiến hành nạo vét theo phương án cuốn chiếu bắt đầu từ phía Đông âu thuyền. Trước tiên, gàu múc ngoạm sâu để thu gom lớp bùn bên trên khoảng 0,5- 0,7m, tiếp đó là các lớp bùn pha sét, sét pha cát…, với độ dày từ 1,3-1,5m.
Theo quan sát của phóng viên, mỗi lần gàu múc được khoảng 2-3 m3 bùn rồi đưa lên đổ vào lưới chắn trên sà lan để cho bùn lọt xuống khoang chứa có dung tích khoảng 600 m3, các loại rác sẽ được giữ lại trên lưới để xử lý riêng. Khi bùn đầy khoang, các sà lan sẽ vận chuyển đưa ra khu vực nhấn chìm tại tọa độ 16°11'25.10"N - 108°17'32.78"E phía ngoài vịnh Đà Nẵng, cách phao số 0 hơn 12 km, ở độ sâu khoảng 30 m.
Ông Tô Văn Hùng cho biết, trong suốt quá trình nạo vét, nhấn chìm bùn, xử lý rác… đều được theo dõi bằng camera, thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo thực hiện nghiêm túc theo phương án đã được các cơ quan chức năng thành phố phê duyệt. Nhà thầu thực hiện nạo vét ở vị trí nào, sà lan di chuyển đến đâu, nhận chìm bùn ở tọa độ nào… "Tổ giám sát đều biết rất rõ thông qua tín hiệu hiện trường kết nối truyền về. Tổ giám sát cũng sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh, nếu phát hiện hành vi vi phạm sẽ kịp thời kiểm tra, xử lý theo chức năng, thẩm quyền. Nếu trong quá trình thực hiện có xảy ra ô nhiễm thì phải dừng ngay để tìm kiếm những giải pháp phù hợp hơn", Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng cho biết.
Với gần 350 nghìn m3 bùn đã tồn đọng trong nhiều năm tại Âu thuyền Thọ Quang đang được hút lên, đem đi nhấn chìm, nhiều ý kiến lo ngại sẽ gây ô nhiễm trên vùng biển vịnh Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo ông Hùng thì công việc này được triển khai theo 2 quy trình nghiêm ngặt, đó là, đánh giá tác động môi trường trong khi nạo vét và lựa chọn vị trí phù hợp để nhấn chìm bùn, đồng thời giám sát, kiểm tra sát sao quá trình thực hiện. Hy vọng công tác nạo vét âu thuyền Thọ Quang sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa xử lý ô nhiễm môi trường, làm sạch vùng nước của âu thuyền lớn nhất miền Trung, vừa đảm bảo giữ được môi trường sinh thái cho vịnh Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển và du lịch của thành phố.