Nhấn chìm vật chất nạo vét: Nơi cấm, nơi cho
Đại dương vốn có chức năng nhấn chìm vật chất nhưng cần phân biệt rõ vật chất tự nhiên từ nơi khác đến như phù sa từ sông đổ ra biển với việc nhấn chìm mang tính công nghiệp quy mô lớn
Ngày 13-8, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (TTTU), Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, xác nhận TTTU đề nghị UBND tỉnh này không phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu, xác định khu vực biển trên địa bàn tỉnh được sử dụng để nhấn chìm vật chất nạo vét" của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Khánh Hòa thực hiện.
Theo cứ liệu khoa học khác nhau
Theo ông Tuân, lý do đề nghị không phê duyệt vì TTTU thấy rằng đề tài này không khả thi do tỉnh kiên quyết không đồng ý việc nhấn chìm vật chất xuống vùng biển tỉnh này. "Cho dù bất kỳ trường hợp nào, tỉnh cũng không đồng ý. Chất nạo vét cũng không. Tôi biết nhiều nơi đã làm và sẽ làm nhưng Khánh Hòa thì không. Chắc chắn sau này cũng không có tổ chức, cá nhân nào áp dụng đề tài đó trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa" - ông Tuân quả quyết.
Chiều cùng ngày, ông Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Khánh Hòa, xác nhận UBND tỉnh này đã không phê duyệt và Sở KH-CN xin rút đề tài nói trên. Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Khánh Hòa, cũng từng tiếp nhận hồ sơ nhưng đã khước từ dự án nhấn chìm chất nạo vét tuyến luồng, vũng quay tàu và khu nước trước bến cảng xăng dầu Ba Ngòi (TP Cam Ranh) của Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 3. "Không chỉ môi trường biển bị ảnh hưởng mà còn nhiều thứ khác như không khí, du lịch, các nhà đầu tư khi đến Khánh Hòa. Vì vậy, tỉnh kiên quyết không cho" - ông Thái nói.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, năm 2017, UBND tỉnh này có văn bản cho phép Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được phép nhấn chìm 62.000 m3 vật chất xuống vùng biển xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi từ quá trình nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ. Khu vực biển sử dụng để nhấn chìm diện tích gần 5 ha, độ sâu lớn nhất khoảng 24 m… Hiện việc nhấn chìm vật chất ở khu vực này đã kết thúc khi doanh nghiệp thực hiện xong việc nạo vét.
Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng việc cấp phép nhấn chìm 62.000 m3 vật chất nói trên xuống biển dựa trên nhiều cứ liệu khoa học khác nhau. "Thực tế, việc nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ đa phần là bùn, cát, chỉ pha lẫn ít tạp chất, còn khu vực được phép nhấn chìm là vùng biển sâu, ít hệ thực vật sinh sống. Đến nay, việc nhấn chìm đã hoàn tất nhưng không để lại tác động xấu đến hệ môi trường sinh thái xung quanh" - ông Hải nói. Ngoài việc cấp phép nhấn chìm 62.000 m3 vật chất này, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng liên quan nghiên cứu, đánh giá chi tiết về sự ảnh hưởng, tác động của việc nhấn chìm chất nạo vét đến môi trường biển; hoàn thiện các hồ sơ liên quan để trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt đối với vật chất nạo vét trong quá trình thi công dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn gửi các bộ, ngành liên quan có ý kiến thống nhất thỏa thuận vị trí nhấn chìm ở biển đối với vật chất nạo vét trong quá trình thi công dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Vị trí nhấn chìm được giới hạn bởi đường tròn có tọa độ tâm 108052’00’’ Đông và 15028’00’’ Bắc (thuộc vùng biển Khu Kinh tế Dung Quất), bán kính 0,5 hải lý, độ sâu 56 m.
Ngoài ra, đầu năm 2019, Bộ TN-MT cũng đã cho phép Tập đoàn Thép Hòa Phát nhấn chìm gần 15,4 triệu m3 vật chất nạo vét trong quá trình xây dựng cảng Hòa Phát xuống vùng biển Khu Kinh tế Dung Quất. Theo giấy phép, khu vực biển được phép nhấn chìm có diện tích 180 ha, phương tiện vận chuyển được sử dụng là tàu hút bụng xả đáy tự hành. Độ sâu sử dụng từ 51-55 m tính từ "0" cao độ hệ thống quốc gia. Thành phần vật chất nhấn chìm gồm: Cát biển chiếm khoảng 86,4%, bùn sét 13,6%. Chất được phép nhấn chìm không chứa phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ và quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Thời gian được phép nhấn chìm từ ngày 1-3-2019 đến 31-5-2020.
Theo vị đại diện Bộ TN-MT, việc cấp phép nhấn chìm 15,4 triệu m3 vật chất cho Tập đoàn Hòa Phát được khảo sát, đánh giá rất kỹ lưỡng. "Đa phần vật chất được nhấn chìm chiếm hơn 90% lượng cát, vỏ sò, ốc... Khu vực được phép nhấn chìm rất ít hệ thực vật, động vật sinh sống; việc nhấn chìm cũng không tác động lớn đến môi trường biển xung quanh, không tác động đến người dân... Hơn nữa, việc nhấn chìm được thực hiện hết sức khoa học và được lắp camera kết nối với các tàu chở vật chất, người dân có thể giám sát 24/24 giờ" - vị này thông tin.
Cần đánh giá kỹ tác động môi trường
PGS-TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa là cần thiết.
Theo PGS-TS Nguyễn Tác An, đại dương vốn có chức năng nhấn chìm vật chất nhưng cần phân biệt rõ vật chất tự nhiên từ nơi khác đến như phù sa từ sông đổ ra biển với việc nhấn chìm mang tính công nghiệp quy mô lớn. "Khi nhấn chìm mang tính công nghiệp phải được nghiên cứu rất kỹ vùng biển dự định nhấn chìm vật chất, tác động vật chất lên hệ sinh thái biển cũng như cách thức nhấn chìm. Nếu nhấn chìm vật chất xuống bất kỳ vùng biển nào cũng có ảnh hưởng nhưng nếu nghiên cứu kỹ sẽ giảm thiểu tác động của nó" - ông An nói và cho rằng cần phải lấy việc nhấn chìm vật chất nạo vét xuống vùng biển Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận trước đây làm bài học. Dự án nhấn chìm ấy đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của xã hội và các nhà khoa học vì chưa nghiên cứu đầy đủ cơ sở khoa học trước khi cho phép nhấn chìm. Cùng với đó, địa điểm được chọn nhấn chìm nằm trong khu vực đang hoạt động kinh tế sôi động. Đó là vùng nước trồi, là ngư trường lớn của Việt Nam. Khu vực được chọn nhấn chìm lại nằm gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau.
Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, Trường Đại học TN-MT Hà Nội, các chất được Việt Nam cấp phép đều phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước London năm 1972 về ngăn chặn ô nhiễm trong hoạt động nhấn chìm ở biển (Công ước London) và Nghị định thư London 1996 về thực hiện Công ước London. "Tính chung cả thế giới, hiện mỗi năm có khoảng 1 tỉ tấn chất nạo vét đã được nhấn chìm xuống biển. Công ước OSPAR của các nước Bắc Âu cho rằng các chất nạo vét là một phần của biển và việc nhấn chìm các chất nạo vét hỗ trợ vòng tuần hoàn bùn cát và giúp giảm xói lở, bồi lấp bờ biển" - ông Ca thông tin. Cũng theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, nếu thực hiện tốt đánh giá tác động tới môi trường để bảo đảm không nhấn chìm vật chất không chứa chất phóng xạ và chất độc hại xuống khu vực đáy biển có đa dạng sinh học cao như đáy san hô, cỏ biển thì tác động của nhấn chìm tới môi trường là không đáng kể. "Báo cáo của Công ước OSPAR đã cho thấy ngay các sinh vật phụ thuộc vào ánh sáng như san hô, cỏ biển, tác động của độ đục do nhấn chìm là không lớn và sẽ chấm dứt ngay sau khi nhấn chìm hoàn thành. Tuy nhiên, không nên nhấn chìm bùn, cát nạo vét quá gần các khu vực có san hô, cỏ biển để giảm thiệt hại tới mức thấp nhất; chỉ nhấn chìm với vật chất không thể đổ thải, lưu trữ, xử lý trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế - xã hội" - ông Ca nói.
8 loại vật chất được nhấn chìm
Theo quy định, có 8 loại vật chất được nhấn chìm ở biển, gồm: chất nạo vét; bùn thải; các chất thải từ thủy sản hoặc các chất thải phát sinh từ hoạt động chế biến thủy sản; tàu thuyền, giàn nổi hoặc các công trình nhân tạo ở biển; các chất địa chất trơ và chất vô cơ; các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên; các vật thể lớn được tạo thành chủ yếu từ sắt, thép, bê-tông và các chất tương tự không độc hại mà trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể không có cách xử lý nào tốt hơn là nhấn chìm; carbon dioxide (CO2) được thu và lưu trữ.
P.Nhung
Cấp phép theo điều kiện thực tế địa phương
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT), cho biết theo nguyên tắc, địa điểm nhấn chìm sẽ được UBND tỉnh, TP có dự án giới thiệu cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sở hữu dự án. Trong đó, địa điểm, phạm vi, cách thức nhấn chìm phải đáp ứng các tiêu chuẩn được luật pháp quy định. Thông thường, nếu vị trí nhấn chìm trong phạm vi 3 hải lý trở về đất liền thì địa phương được phép quyết định; nếu vị trí nhấn chìm nằm ngoài giới hạn 3 hải lý thì Bộ TN-MT quyết định. Với các dự án do Thủ tướng, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ TN-MT sẽ cấp phép nhấn chìm, dù dự án đó nằm trong hay ngoài phạm vi 3 hải lý.
"Các địa phương quyết định thế nào dựa trên điều kiện thực tế của địa phương và của dự án cần cấp phép nhấn chìm. Một số địa phương đã có cảng và diễn ra hoạt động nạo vét luồng lạch từ xưa nên hoạt động nhấn chìm đã được họ triển khai. Cần lưu ý là quy định cho phép nhấn chìm vật chất như bùn, cát... được nạo vét định kỳ từ cảng chứ không phải là chất thải công nghiệp" - ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.