'Nhân chứng đá' Thạch Động
Thắng cảnh Thạch Động, ở phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, nằm ngay cạnh quốc lộ 80 hướng ra cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và chỉ cách biên giới chừng 3km. Mặc dù giờ đây nơi này đã là một điểm du lịch nằm trong quần thể “Hà Tiên thập cảnh” nhưng ngay trước cửa di tích vẫn còn sừng sững một tấm bia chứng tích ghi lại một trang lịch sử đau thương đồng thời là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của vùng đất biên giới Tây Nam.
Bia căm thù trước cửa Thạch Động. Ảnh: TTH
Thạch Động, cái tên đã cho thấy di tích thắng cảnh bao gồm dáng núi và hang động có giá trị đặc biệt về địa chất, địa mạo góp phần giải thích sự hình thành vùng đất phương Nam. Đó là một quả núi đơn độc giữa cánh đồng phẳng trải rộng ra biên giới. Trong lòng núi có động đá rỗng rất rộng đủ không gian để đặt ngôi chùa cổ Tiên Sơn được xây dựng từ cuối thế kỷ 18. Đường lên núi và vào hang dạng bậc thang đá. Xung quanh miệng hang cây và dây leo phủ xum xuê gợi cho quang cảnh vẻ trầm mặc, cổ tích. Có hai điểm đáng lưu ý để di tích Thạch Động được chú ý và đặc biệt hơn rất nhiều những hang động trong lòng núi khác.
Trước hết, Thạch Động được xem là nơi phát tích câu chuyện cổ tích Thạch Sanh đánh chằn tinh – một câu chuyện dân gian truyền miệng. Chuyện chàng tiều phu Thạch Sanh vào hang cứu công chúa và đánh nhau với đại bàng tinh, chằn tinh được kể từ cảnh quan ngọn núi và lòng hang huyền bí với các phong hóa cổ hình dạng kỳ dị khiến người ta tưởng tượng ra những loài vật huyền ảo. Đến mức đã đặt chân tới di tích này, ai cũng nghĩ đó là bối cảnh thực sự cho câu chuyện về Thạch Sanh. Đây lòng hang thăm thẳm, mỏm đá hình chim đại bàng, kia là đường từ hang xuống lòng đất như xuống địa ngục, đường từ lòng động thông lên trời…
Đi vào di tích từ bên ngoài và đến hết các ngõ ngách lòng hang, sau đó đi ra các miệng hang trổ ra từ lưng chừng núi có thể phóng tầm mắt nhìn ra cả vùng biên cương. Chỉ một ngọn núi đá Thạch Động thôi, nhưng thập cảnh Hà Tiên như được tô điểm thêm vẻ đẹp bên cạnh bờ biển Mũi Nai, vịnh Pháo Đài, cầu Tô Châu… thêm một hướng nhìn từ trên cao và mở rộng vùng quan sát hơn ra xung quanh. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Thạch Động được bộ đội ta sử dụng như một đài quan sát tự nhiên.
Thứ hai, ngọn núi và hang động nơi có ngôi chùa cổ trong lòng nó chính là nơi ghi dấu tích về cuộc tấn công của quân Pôn Pốt qua biên giới, giết hại dân lành. Trong tháng 4 và tháng 5 năm 1978, quân Pôn Pốt tràn qua biên giới Tây Nam, gây ra vụ thảm sát người dân Ba Chúc tỉnh An Giang và nhiều tỉnh biên giới khác. Trước đó ngày 14-3, chúng tràn qua Hà Tiên và giết hại 130 người dân Mỹ Đức ở chính di tích Thạch Động này. Ở khu vực biên giới, ngôi chùa thờ Phật chính là nơi nương tựa về tinh thần của các phật tử chiếm đa số trong cộng đồng. Khi xảy ra loạn lạc, phản ứng đầu tiên là người dân chạy vào chùa nương náu. Vì vậy, hầu như các vụ thảm sát dân lành ở vùng biên giới Tây Nam đều diễn ra ở các ngôi chùa. Và Mỹ Đức cùng núi Thạch Động, chùa Tiên Sơn không phải là ngoại lệ.
Sau cuộc thảm sát trên, Thạch Động trở thành tiền đồn bảo vệ biên giới Tây Nam. Tiểu đoàn Bộ binh 207 đóng quân dưới chân núi, lấy ngọn núi làm chốt phòng thủ để chiến đấu với quân Pôn Pốt. Sau này, có thời gian đồn Biên phòng cũng đóng quân ở khu vực này và nhân dân vẫn quen gọi là đồn Thạch Động.
Ngoài di tích Thạch Động, Hà Tiên hiện còn giữ lại nguyên trạng một ngôi chùa Khmer để làm chứng tích chiến tranh ở ấp Xà Xía, tố cáo tội ác của Pôn Pốt đối với loài người khi giết hại dân lành vốn là các phật tử hiền lành tại một ngôi chùa Khmer sát biên giới Việt Nam – Campuchia.
Thắng cảnh núi và hang Thạch Động. Ảnh: TTH
Tấm bia trước cửa di tích Thạch Động không mang màu sắc bi thương mà thể hiện sự mạnh mẽ, quật cường bằng 2 phiến đá hình nắm đấm úp vào nhau và giơ lên trời. Trên bia ghi “Ngày 14-3-1978, tại xã Mỹ Đức, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã giết hại 130 người”. Trước khi vào Thạch Động, du khách thường đứng lại trước Bia căm thù, đọc lại lịch sử và cúi đầu tưởng niệm đồng bào trước tấm bia ấy. Mảnh đất vùng biên Hà Tiên tuy nhỏ bé, nhưng mỗi khi hệ thống lại lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất biên cương Tây Nam, không thể không nhắc tới tấm bia căm thù này. Thạch Động trở thành một “nhân chứng đá” cho những tháng ngày lịch sử ấy. Tấm bia còn là lời nhắc về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Từ di tích Thạch Động này, thành phố Hà Tiên hiện đang mở rộng và xây dựng thành một thành phố vùng biên tập trung cho thương mại, du lịch và dịch vụ. So với thành phố đảo Phú Quốc, thành phố bờ biển Hà Tiên có phần giàu văn hóa và muôn màu sắc đời sống.
Kiên Giang nâng niu từng di tích, từng thắng cảnh để chuẩn bị cho tương lai, trong đó có những di tích như Thạch Động hầu như nguyên vẹn từ xa xưa đến bây giờ. Trong một vài các cứ liệu lịch sử khác, ảnh chụp được lưu trữ bởi các phóng viên nước ngoài, ngọn núi Thạch Động sừng sững từ khi vùng biên Hà Tiên còn thưa thớt dân cư. Ngọn núi đóng vai trò như một dấu mốc để xác định khoảng cách đến đường biên giới giữa 2 quốc gia. Và nằm ngang con lộ thẳng tiến ra cửa khẩu Hà Tiên nên hình ảnh Thạch Động được ghi lại khá nhiều, như một hình ảnh rất xưa cũ, gắn bó với cuộc đời của nhiều thế hệ cư dân biên giới nơi đây.
Nhìn thấy Thạch Động là thấy cả Hà Tiên.
Thúy Hằng/Theo BPO
Nguồn Kiên Giang: https://kiengiangonline.com.vn/nhan-chung-da-thach-dong/