Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển

Bác sý quân y Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thăm khám, tư vấn sức khỏe cho đồng bào dân tộc Mông bản Mỹ Á, xã Thu Cúc huyện Tân Sơn.

Bác sý quân y Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thăm khám, tư vấn sức khỏe cho đồng bào dân tộc Mông bản Mỹ Á, xã Thu Cúc huyện Tân Sơn.

PTĐT - Phú Thọ là tỉnh miền núi có nhiều thuận lợi và tiềm năng để sản xuất kinh doanh, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế cả trong và ngoài nước, với 51 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 4 dân tộc thiểu số (Mường, Dao, Cao Lan (Sán Chay) và dân tộc Mông) sống tập trung thành làng bản, phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy. Mỗi dân tộc có truyền thống, sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự giao thoa văn hóa đặc sắc, riêng có vùng trung du miền núi phía Bắc.
Nhiều năm qua, bằng những chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời của Nhà nước, của tỉnh, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái thi đua, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước.

Thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Phú Thọ lần thứ hai - năm 2014 và thông qua các chính sách hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh, sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đã có bước chuyển vượt bậc. Kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi từng bước ổn định và phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các hộ DTTS nghèo được tiếp cận chính sách vay vốn để phát triển sản xuất; các hộ thiếu đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt được hỗ trợ để đảm bảo tối thiểu về nhu cầu ở và sinh hoạt của người dân vùng khó khăn của tỉnh. Nhiều nông sản, sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi được cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ phát triển thương hiệu, phát triển thị trường, đăng ký sở hữu trí tuệ, như: Bưởi quả Đoan Hùng, nếp gà gáy xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, chè xanh, thịt chua Thanh Sơn, gà nhiều cựa Tân Sơn,... qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm nông sản; giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững và từng bước làm giầu.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS ước đạt 21.1triệu đồng/người/năm, bằng 51,78% so với mức bình quân chung của tỉnh; số hộ nghèo dân tộc thiểu số năm sau đều giảm hơn so với năm trước (giai đoạn 2014- 2019 tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm bình quân 4%/năm), trong đó: Năm 2016 giảm 1.773 hộ, năm 2017 giảm 2.042 hộ, năm 2018 giảm 2.406 hộ. Tại huyện nghèo Tân Sơn thu nhập bình quân đầu người đạt 20,2 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2014 và là 1 trong 8 huyện nghèo trên toàn quốc được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018-2020.

Đến nay 100% xã đã có đường giao thông kiên cố, trạm BTS, sóng di động 3G-4G, Internet băng rộng cáp quang; 100% các thôn bản đều đã có đường giao thông, trong đó đường giao thông được kiên cố hóa đạt 62,8%; 100% khu dân cư đã có nhà văn hóa; trên 90% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 85% số lao động trong độ tuổi là người DTTS có việc làm…

Với chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã phát huy sức mạnh của toàn xã hội, huy động nguồn lực để xây dựng, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có trên 93/247 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã thuộc huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm các xã: Hưng Long, Nga Hoàng, Ngọc Lập huyện Yên Lập; xã Địch Quả, Lương Nha, huyện Thanh Sơn; xã Minh Đài, huyện Tân Sơn; hai xã Phượng Mao, Yến Mao, huyện Thanh Thủy; xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng. Ngoài ra còn có 151 khu dân cư tại các xã miền núi, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS cũng được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, 100% các xã vùng dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh có đủ hệ thống trường học các cấp từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở, tất cả các xã ĐBKK đều có các lớp cắm bản để học sinh đi học được thuận tiện. Các chương trình dạy tiếng dân tộc cho học sinh DTTS tiếp tục được quan tâm, mở rộng và xây dựng kế hoạch thực hiện tốt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025”. Sự nghiệp y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư; hệ thống bệnh viện huyện và trạm y tế xã vùng dân tộc và miền núi được củng cố với 100% các xã đã có trạm y tế, có bác sỹ phục vụ, 100% thôn, bản có nhân viên y tế. Văn hóa truyền thống các DTTS được quan tâm giữ gìn và phát triển, đời sống văn hóa tinh thần đồng bào miền núi được nâng lên. Một số lễ hội thuộc vùng đồng bào DTTS như: Tết nhảy của dân tộc Dao xã Nga Hoàng, Lễ hội dân gian của dân tộc Mường xã Thượng Long, múa trống đu của dân tộc Mường xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập; Đâm đuống, cồng chiêng của dân tộc Mường xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn; Tết Doi của đồng bào các dân tộc xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn... đã được tổ chức phục dựng, đầu tư xây dựng thành điểm du lịch và đưa vào phục vụ du khách... Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội DTTS tỉnh Phú Thọ lần thứ III năm 2019 nhằm thống nhất ý chí và hành động, phát huy sức mạnh của các dân tộc vì mục tiêu xây dựng tỉnh ngày một giàu mạnh. Đồng thời qua đó tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc của cộng đồng các DTTS tham gia đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay… Đại hội đề ra mục tiêu đến năm 2024 thu nhập bình quân người DTTS tăng gấp 1,8 lần so với hiện nay, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm giảm 4-5%; giảm 30% số xã ĐBKK; 50% số thôn ĐBKK so với hiện nay; Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70%, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định trên 90%; Trên 90% số xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 80% đường ở thôn, bản được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; trên 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 99% gia đình được sử dụng điện lưới; 75% gia đình vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào các DTTS trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ, lồng ghép các nguồn lực để triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với vùng dân tộc và miền núi; trong đó tập trung và chủ động triển khai tổ chức thực hiện: Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS giai đoạn 2019 - 2024 sẽ đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, phát triển kinh tế phục vụ du lịch, dịch vụ, phát triển cây lương thực; hình thành các sản phẩm mũi nhọn và vùng động lực tạo bước chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững đồng thời quy hoạch, sắp xếp bố trí các khu dân cư hợp lý.Cùng với đó, tỉnh sẽ duy trì tốt chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở và các chương trình giáo dục miền núi, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh cho người dân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình; tăng cường các hoạt động văn hóa thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường phát triển đảng viên là người DTTS. Tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng dân tộc và miền núi. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn; thực hiện tốt chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc.

Đinh Ngọc Thanh
Trưởng ban Dân tộc tỉnh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/201911/nhan-dan-cac-dan-toc-trong-tinh-doan-ket-phat-huy-noi-luc-hoi-nhap-va-phat-trien-167945