Nhân dân luôn là trọng tâm trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bà Kusum Jain, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam (IVSC), nhấn mạnh rằng trong mọi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân luôn được đặt vào vị trí quan trọng nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang thu hoạch vụ lúa mùa đầu tiên sau cải cách ruộng đất (1954). Ảnh tư liệu: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang thu hoạch vụ lúa mùa đầu tiên sau cải cách ruộng đất (1954). Ảnh tư liệu: TTXVN

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi, bà Kusum Jain cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của IVSC. Ủy ban này đã tổ chức nhiều hội thảo, gặp gỡ tương tác, triển lãm ảnh để truyền bá tư tưởng, quan điểm, tác phẩm của Người về văn hóa và văn học, ngoại giao nhân dân, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc tế, lòng yêu nước, sự giản dị và ý chí mạnh mẽ đấu tranh chống bất công, bất bình đẳng, chế độ phong kiến, chủ nghĩa thực dân. Bà chỉ ra rằng nhân dân luôn là trọng tâm trong tư tưởng và mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thường nói không gì mạnh hơn sức mạnh đoàn kết của nhân dân.

Theo bà Kusum Jain, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có tầm nhìn xa trông rộng. Sự lãnh đạo lôi cuốn, truyền cảm hứng và các chính sách, chiến lược hướng đến nhân dân của Người đã giúp nhân dân giải phóng Tổ quốc khỏi ách thống trị của các thế lực thực dân, phát xít và đế quốc, đồng thời đặt nền tảng vững chắc dựa trên hệ tư tưởng và nguyên tắc Xã hội chủ nghĩa để nhân dân Việt Nam được tự do, độc lập và hạnh phúc. Bà cho biết từ năm 1999 đến nay, bà đã đến thăm Việt Nam nhiều lần và lần nào bà cũng thấy sự phát triển to lớn không chỉ về mặt cơ sở hạ tầng mà còn trong đời sống của người dân. Mức sống, thu nhập, tuổi thọ không ngừng được cải thiện. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa “Đổi mới” do Đảng lãnh đạo đang gặt hái thành quả cho người dân Việt Nam, trong đó có sự đóng góp to lớn từ di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nữ Chủ tịch IVSC nhấn mạnh rằng chính sách, tư tưởng lấy dân làm gốc và tinh thần yêu nước bất khuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vun đắp sâu sắc những hạt giống đại đoàn kết dân tộc trong trái tim và khối óc của người dân Việt Nam. Tinh thần đoàn kết này đã trở thành tấm gương cho các quốc gia, nơi mà các thế lực chia rẽ khác nhau nhân danh màu da, giai cấp và tôn giáo đang lợi dụng và làm suy yếu sự thống nhất và đoàn kết dân tộc.

Về tình cảm của người dân Ấn Độ nói chung và người dân Kolkata (nơi đặt trụ sở IVSC) nói riêng, bà Kusum Jain đã hồi tưởng lại những tháng năm lịch sử vẻ vang, với nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những số đó là vào tháng 5/1970, theo sáng kiến của IVSC, sinh viên và thanh niên Kolkata đã tự phát tập trung trước Lãnh sự quán Mỹ tại phố Harrington lúc bấy giờ và hô vang khẩu hiệu để bày tỏ sự bất bình và nỗi đau của họ trước sự xâm lược tàn bạo của Mỹ ở Việt Nam. Trong cơn tức giận, họ đã xóa tên cũ của con phố và thay thế bằng tên mới là Ho Chi Minh Sarani (Phố Hồ Chí Minh).

Biển tên Hồ Chí Minh tại Khách sạn Lalit Great Eastern khi đó là Khách sạn Great Eastern (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nghỉ) đã được đặt để tưởng nhớ Người.

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tất cả tình cảm dành cho Người, bà Kusum Jain đã bày tỏ mong muốn nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam, không chỉ học cách trân trọng sự giản dị, trung thực, độc lập và tự do rất khó khăn mới có được, mà còn học cách yêu đất nước và đồng bào mình bằng tất cả sức mạnh, sự chân thành, phẩm giá và đạo đức.

Ngọc Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhan-dan-luon-la-trong-tam-trong-tu-tuong-cua-chu-tich-ho-chi-minh-20250518222328784.htm