Nhân dân tệ suy yếu, áp lực đè lên nhiều đồng tiền khác ở châu Á
Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc giảm về mức thấp nhất trong 11 năm qua, vượt ngưỡng 7 NDT ăn 1 đô la Mỹ, đã châm ngòi cho làn sóng giảm giá của các đồng tiền khác ở khu vực châu Á.
Sáng 5-8, tỷ giá NDT tại Trung Quốc, vốn được kiểm soát trong biên độ giao động tăng giảm tối đa 2%, đã có lúc giảm 1,3% xuống mức 7,0297 NDT ăn 1 đô la sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng tiền này ở mức thấp nhất từ tháng 12 năm ngoái với mức 6,9225 NDT ăn 1 đô la.
Đây là lần đầu tiên tỷ giá NDT so với đồng đô la vượt qua ngưỡng 7:1 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tỷ giá NDT ở thị trường nước ngoài, vốn ít bị kiểm soát hơn, cũng giảm mạnh, có lúc giảm đến 1,9% về mức 7,1114 ăn một đô la.
Ngưỡng 7:1 được xem là “lằn ranh đỏ” đối với các thị trường trên thế giới mà nếu bị phá vỡ, sẽ kích hoạt các phản ứng tiêu cực vì giới đầu tư sẽ hành động để phản ánh tác động lớn hơn từ một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài và gay gắt hơn.
NDT giảm giá giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp vòng thuế mới 10% lên 300 tỉ đô la hàng hòa Trung Quốc. Trong tuyên bố đưa ra sáng nay, PBoC đổ lỗi cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các biện pháp áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc khiến NDT suy yếu nhưng không nêu đích danh Mỹ. Tuyên bố khẳng định PBoC “có kinh nghiệm, sự tự tin và năng lực để duy trì tỷ giá NDT ổn định ở mức hợp lý và cân bằng”.
Từ đầu năm đến nay, NDT đã giảm giá 2,4% so với đồng đô la. Christy Tan, Giám đốc nghiên cứu và chiến lược thị trường châu Á ở Ngân hàng quốc gia Úc (NAB), cho rằng động thái cho phép NDT rơi qua ngưỡng 7:1 của PBoC dường như là một phần trong nỗ lực đáp trả vòng áp thuế mới của Tổng thống Trump.
Bà cho rằng NDT không phải là công cụ yêu thích của Bắc Kinh để ứng phó chiến tranh thương mại nhưng Trung Quốc “rõ ràng đã hết hàng hóa Mỹ để áp thuế trả đũa và NDT giờ đây trở thành một trong những phương án để trả đũa”.
“Ngưỡng tỷ giá 7:1 bị phá vỡ do nhiều yếu tố: chiến tranh thương mại leo thang, nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và sự sẵn sàng của PBoC cho phép NDT biến động mạnh hơn”, Larry Hu, nhà kinh tế ở công ty chứng khoán Macquarie Securities (Hồng Kông) nhận định.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế của công ty tư vấn Capital Economics, cho rằng bằng cách liên hệ sự giảm giá của NDT với vòng áp thuế mới của Mỹ, PBoC đang “vũ khí hóa tỷ giá”. “Việc Trung Quốc không bảo vệ ngưỡng tỷ giá 7:1 của NDT so với đô la Mỹ cho thấy nước này có thể đã từ bỏ các hy vọng về một thỏa thuận thương mại với Mỹ”, Julian Evans-Pritchard nói.
NDT suy yếu sẽ gây áp lực cho các đồng tiền khác ở các nước châu Á có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Sau khi tỷ giá NDT vượt ngưỡng 7:1 vào sáng nay, đồng won của Hàn Quốc giảm về mức thấp nhất trong 3 năm qua 1.217,3 won ăn 1 đô la, trong khi đó đồng đô la Đài Loan giảm 0,7%. Đồng rupee của Ấn Độ cũng giảm 1,4% so với đồng đô la Mỹ. Đồng ringgit (Malaysia), peso (Philippines) và rupiah (Indonesia), baht (Thái Lan), đô la Singapore đều đồng loạt giảm giá.
Hao Zhou, nhà kinh tế ở Ngân hàng Commerzbank (Đức) nói: “Các hệ lụy thị trường khi tỷ giá NDT vượt qua 7:1 là rất lớn. Chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng giám giá tiền tệ ở châu Á trong tương lai gần và có thể có những chuyển động giảm rủi ro trên các thị trường toàn cầu. Điều này giống như một cơn sóng thần đang ập đến”.
Gãy ngưỡng 7:1, ngưỡng tỷ giá quan trọng về mặt tâm lý của NDT đối với người dân Trung Quốc, là điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2008.
Để bảo vệ ngưỡng 7:1 này, năm 2016, chỉ trong vòng một tháng, PBoC đã buộc phải bán ra 107 tỉ đô la Mỹ từ kho dự trữ ngoại hối sau quyết định phá giá NDT gây sốc hồi tháng 8-2015 của PBoC. Động thái phá giá NDT vào năm 2015 dù giúp thúc đẩy nền kinh Trung Quốc trong ngắn hạn nhưng khiến các dòng vốn lớn tháo chạy khỏi Trung Quốc và vấp phải các sự chỉ trích của Washington nói rằng Bắc Kinh thao túng tiền tệ.
Đồng nhân tệ suy yếu giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn, từ đó giúp giảm các tác động từ các đòn thuế của Mỹ. Tuy nhiên, Wang Tao, nhà kinh tế ở Ngân hành UBS (Thụy Sĩ) cho rằng tổn hại lớn nhất của chiến tranh thương mại là làm gia tăng bất ổn gây tổn thương niềm tin và các hoạt động kinh doanh, do vậy NDT suy yếu chẳng giúp ích gì nhiều cho việc giảm bớt tác động của các đòn thuế.
Christy Tan cho rằng dù PBoC để tỷ giá NDT vượt qua ngưỡng 7:1 nhưng ngân hàng này sẽ can thiệp để ngăn chặn các dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc nếu cần thiết. Bà nhận định Trung Quốc sẽ cho phép NDT giảm giá từ từ và có trật tự nhưng sẽ không chấp nhận các hoạt động đầu cơ bán khống NDT, khiến NDT giảm giá nhanh hơn.
Masahiro Ichikawa, nhà chiến lược ở công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS Asset Management (Nhật Bản) nói: “Tôi không nghĩ Trung Quốc đang tìm cách giảm giá NDT. Chúng ta cần chờ xem liệu PBoC có tiếp tục ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT ở mức thấp hơn trong những ngày tới hay không”.
Theo Financial Times, Bloomberg
Chánh Tài