Nhân dân tệ thấp nhất 7 tháng
Bắc Kinh đã vào cuộc sau khi nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, nhưng đồng tiền này vẫn tiếp tục trượt giá trong ngày thứ hai đầu tuần.
Bloomberg đưa tin hôm 23/6, đồng nhân dân tệ trên thị trường nước ngoài đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Nguyên nhân là đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc giảm tốc, và các biện pháp hỗ trợ từ phía Bắc Kinh được cho là không đủ mạnh.
Giới chức Trung Quốc đã vào cuộc để ngăn chặn phần nào đà giảm tốc của đồng tiền nước này. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng nhân dân tệ cao hơn dự kiến, ở mức 7,2056 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Đà giảm nghiêm trọng
PBoC có một số cách để ghìm đà giảm nếu đồng nhân dân tệ trượt giá quá mạnh. Nhưng cách phổ biến nhất là tác động vào tỷ giá tham chiếu để thay đổi kỳ vọng của thị trường. Biên độ dao động của đồng nhân dân tệ trong nước được giới hạn là 2% ở cả hai chiều.
Dù vậy, mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 2 ngày tại Trung Quốc, tại Thượng Hải, nhân dân tệ vẫn giảm 0,5% xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng là 7,21 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Theo dự đoán của giới quan sát, đồng nhân dân tệ có thể vẫn chịu sức ép lớn trong thời gian tới do sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bắc Kinh liên tục cắt giảm lãi suất trong thời gian qua để vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm kiên quyết đối phó với đại dịch Covid-19. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tuyên bố cắt giảm lãi suất mua lại kỳ hạn 7 ngày 10 điểm cơ bản, từ 2% xuống 1,9%, khi cơ quan này bơm 2 tỷ nhân dân tệ (279,97 triệu USD) thông qua công cụ trái phiếu ngắn hạn.
PBoC cũng đã hạ lãi suất MLF - đối với các khoản vay kỳ hạn một năm dành cho ngân hàng thương mại - 0,1 điểm phần trăm từ 2,75% xuống 2,65%.
Ngân hàng trung ương cũng cắt giảm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay kỳ hạn một năm từ 3,65% xuống 3,55%; và hạ lãi suất cơ bản đối với khoản vay 5 năm từ 4,3% xuống 4,2%. Nhưng động thái này được giới quan sát cho là không đủ mạnh mẽ.
Trước đó, hơn 50% chuyên gia được Reuters khảo sát tin rằng PBoC sẽ cắt giảm ít nhất 15 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm.
Hầu hết khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp của Trung Quốc đều dựa trên lãi suất cơ bản một năm của PBoC. Còn lãi suất cho vay 5 năm sẽ ảnh hưởng đến lãi vay mua nhà.
Những sức ép lớn
Ở chiều ngược lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. USD Index vọt lên mức cao nhất 20 năm trong năm ngoái nhờ các đợt nâng lãi suất dồn dập của ngân hàng trung ương.
Trong cuộc họp chính sách tháng 6, Fed giữ nguyên lãi suất nhưng phát đi tín hiệu sẽ tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm.
Mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định rằng sẽ còn có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa, cho đến khi lạm phát hạ nhiệt. Ông nhấn mạnh việc giữ nguyên lãi suất chỉ là quãng thời gian tạm nghỉ ngắn ngủi, chứ không phải dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương đã dừng tăng lãi suất.
Trong khi đó, các dữ liệu từ sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và thương mại, đến đầu tư tài sản cố định của nền kinh tế thứ hai thế giới đều thấp hơn kỳ vọng. Trung Quốc đang mấp mé bờ vực giảm phát. Và triển vọng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch đã tan thành mây khói.
Các ngân hàng đầu tư hàng đầu, từ Goldman Sachs đến JPMorgan, đều cắt giảm ước tính tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc. Những tổ chức nước ngoài này cùng cảnh báo về các thách thức ở phía trước.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-dan-te-thap-nhat-7-thang-post1442917.html