Nhân dân tệ tiếp tục giảm, chứng khoán toàn cầu 'đỏ lửa'

Sáng 13-8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ (NDT) về mức 7,0326 NDT ăn 1 đô la Mỹ, cao hơn so với mức dự báo 7,0421 ăn 1 đô la của giới phân tích nhưng thấp hơn mức ấn định vào ngày hôm trước.

 Sắc đỏ tràn ngập trên các thị trường chứng khoán châu Á vào sáng 13-8. Ảnh: AFP

Sắc đỏ tràn ngập trên các thị trường chứng khoán châu Á vào sáng 13-8. Ảnh: AFP

Đây là lần thứ tư liên tiếp PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT so với đô la ở mức yếu hơn ngưỡng tâm lý 7:1.

“Hãy quên đi ngưỡng tâm lý quan trọng này, NDT đã tiến vào kỷ nguyên mới”, Tommy Xie, Giám đốc bộ phận nghiên cứu khu vực Trung Quốc mở rộng ở Ngân hàng OCBC (Singapore) viết trong báo cáo gửi khách hàng vào sáng 13-8.

Xie cho rằng NDT có khả năng hướng đến một hệ thống thả nổi hơn, nơi các lực lượng thị trường có vai trò lớn hơn đối với tỷ giá của NDT.

“Các quan sát gần nhất cho thấy các doanh nghiệp và cá nhân ở Trung Quốc đã hạn chế các hoạt động đầu cơ ngoại tệ. Điều này có thể tạo ra không gian để Trung Quốc thử nghiệm một hệ thống quản lý tiền tệ mới”, Xie cho biết.

Tuy nhiên, Xie cho rằng điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ cho phép thả nổi hoàn toàn NDT và Bắc Kinh sẽ không ngần ngại can thiệp nếu diễn biến tỷ giá giao dịch của NDT trên thị trường đi quá chệch hướng so với mức tỷ giá tham chiếu.

Hồi đầu tuần trước, PBoC cho phép giá NDT trên thị trường vượt ngưỡng 7 NDT ăn 1 đô la lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, dẫn đến việc Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc. NDT yếu hơn sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Kể từ cuối tháng 7 đến nay, giá NDT ở thị trường Trung Quốc đã suy yếu 2,5% trong khi đó giá NDT ở thị trường nước ngoài giảm 2,81%.

Alex Wolf, Giám đốc chiến lược đầu tư ở khu vực châu Á, Ngân hàng J.P. Morgan Private Bank, cho rằng trong thời gian tới, xu hướng giảm giá của NDT sẽ phụ thuộc vào các động thái tiếp theo của Washington. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế 10% lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vào đầu tháng 9 tới, có khả năng NDT sẽ giảm giá tiếp. Ông cho rằng sự giảm giá này là do thị trường thúc đẩy, chứ không nhất thiết là do PBoC can thiệp.

Trong một diễn biến khác, thị trường chứng khoán Mỹ bị bán tháo trong phiên giao dịch 12-8 do giới đầu tư lo ngại về diễn biến của lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, các căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Chỉ số Dow Jones giảm 391 điểm, tương đương 1,49%, về mức 25.896 điểm; trong khi đó chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,23% và 1,2%.

 PBoC đã ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT so với đô la ở mức yếu hơn ngưỡng tâm lý 7:1 ở phiên thứ tư liên tiếp. Ảnh: AFP

PBoC đã ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT so với đô la ở mức yếu hơn ngưỡng tâm lý 7:1 ở phiên thứ tư liên tiếp. Ảnh: AFP

Trong phiên cuối tuần trước lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi về mức thấp nhất kể từ năm 2016, chỉ còn 1,6%. Đến phiên giao dịch hôm 12-8, mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 2 năm thu hẹp về mức chỉ 6 điểm cơ bản, tức gần mức thấp nhất kể từ năm 2007. Khi đường cong lãi suất giữa hai loại trái phiếu kỳ hạn hướng xuống mức âm, đó là dấu hiệu cảnh báo nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.

Cuộc biểu tình chiếm giữ Sân bay quốc tế Hồng Kông cũng đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư vốn đang bị tổn thương bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Hôm 9-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp theo tại Washington có thể không diễn ra như kế hoạch.

“Cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đang leo thang thành một cuộc xung đột kinh tế toàn diện”, David Kostin, nhà chiến lược trưởng phụ trách thị trường chứng khoán Mỹ ở Ngân hàng Goldman Sachs, viết trong báo cáo gửi cho khách hàng.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo lắng khi chứng khiến cú sụp đổ của thị trường chứng khoán Argentina và đồng peso của nước này vào hôm 12-8. Chỉ số chứng khoán Merval của Argentina giảm đến 38%, trong khi đó đồng peso có thời điểm giảm giá hơn 30% so với đồng đô la Mỹ khi thị trường chứng kiến kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử sơ bộ tại Argentia hôm 11-8 nhằm xác định các cặp đôi ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 10 tới.

Theo kết quả cuộc bầu cử sơ bộ này, cặp đôi Tổng thống Mauricio Macri và thượng nghĩ sĩ Miguel Angel Pichetto chỉ giành được 32,1% phiếu bầu, trong khi đó cặp đôi đối thủ của họ, cựu chánh văn phòng nội các Argentina, Alberto Fernandez và cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner giành được 47,7% phiếu bầu.

Kết quả này là một chỉ báo quan trọng cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, cho thấy Alberto Fernandez, một nhà lãnh đạo ủng hộ chủ nghĩa dân túy, có khả năng đắc cử tổng thống. Nếu điều này xảy ra, chính phủ mới sẽ hủy bỏ tất cả các chương trình nghị sự thân thiện với kinh doanh và các chính sách thắt lưng buộc bụng mà ông Mauricio Macri đã nỗ lực xây dựng. Ngoài ra, tương lai của thỏa thuận tự do thương mại đang được đàm phán giữa Argentina, Brazil, Uruguay, Paraguay và Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ bị đặt dấu chấm hỏi vì ông Fernandez phản đối thỏa thuận này.

Sáng nay, 13-8, các thị trường chứng khoán ở châu Á cũng chìm trong sắc đỏ khi đón nhận diễn biến xấu từ thị trường chứng khoán Mỹ, tình hình biểu tình căng thẳng ở Hồng Kông. Tính đến trưa nay, chỉ số Hangseng (Hồng Kông) giảm 479 điểm, tương đương 1,86%. Các chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) và chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) lần lượt giảm 0,74% và 1,27%, trong khi đó chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,7%.

Theo CNBC, Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292729/nhan-dan-te-tiep-tuc-giam-chung-khoan-toan-cau-do-lua.html