Nhân dân tệ xuyên thủng đáy, VN-Index lao dốc

Việc tỷ giá giữa nhân dân tệ và đô la Mỹ xuyên qua mức 7 đã khiến kỳ vọng trước đây của giới đầu tư thay đổi, buộc tất cả phải có sự tính toán lại. Đồng tiền của các thị trường mới nổi khác tại khu vực châu Á cũng sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng.

 Chỉ số VN-Index tính đến 10 giờ 30 ngày hôm nay 8-8. Nguồn: Sở giao dịch chứng khoán TPHCM

Chỉ số VN-Index tính đến 10 giờ 30 ngày hôm nay 8-8. Nguồn: Sở giao dịch chứng khoán TPHCM

Tuần trước là một tuần tràn ngập các thông tin vĩ mô quan trọng của thế giới. Đầu tiên là quyết định cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất của Ủy ban Thị trường mở Mỹ (FOMC) trong cuộc họp chính sách tháng 7. Mặc dù việc cắt giảm lãi suất diễn ra đúng như kỳ vọng của giới đầu tư nhưng Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp báo cho biết việc cắt giảm lãi suất lần này không phải là sự bắt đầu của một chuỗi dài cắt giảm lãi suất.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, động thái cắt giảm lãi suất tháng 7 của Fed chỉ được coi là một “insurance cut”, tức Fed có sự điều chỉnh giữa chu kỳ bằng việc hành động sớm, nhằm ngăn ngừa rủi ro giảm tốc của kinh tế Mỹ. Còn trong thực tế, các chỉ số kinh tế chính hiện nay cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này chưa phải ở trạng thái suy giảm quá mạnh, buộc Fed phải khởi động chu kỳ giảm lãi suất quyết liệt ngay lập tức. Những phát biểu trong buổi họp báo của Chủ tịch Fed đã khiến giới đầu tư ít nhiều thất vọng, đẩy các chỉ số chứng khoán giảm sâu.

Chưa hết tác động từ cuộc họp của Fed, giới đầu tư toàn cầu lại đối mặt với rủi ro mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục leo thang xung đột thương mại với Trung Quốc bằng một loạt dòng Tweet trên mạng xã hội Twitter có nội dung Mỹ sẽ áp thuế quan 10% lên gần 300 tỉ đô la hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ 1-9-2019. Sau động thái này của ông Trump, Trung Quốc ngay lập tức cũng có nhưng phát ngôn đáp trả, thể hiện sự cứng rắn, không nhượng bộ.

Hệ quả của một loạt dòng sự kiện trên là chứng khoán thế giới có một tuần lao dốc mạnh. Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm 2-3%, chứng khoán Trung Quốc giảm 2,6%. Trong bối cảnh đó, chứng khoán Việt Nam vẫn ít nhiều “chống chịu” được khi kết thúc tuần, chỉ số VN-Index chỉ giảm 0,23% so với tuần trước đó, về mức 991 điểm. Tuy nhiên, sang đến đầu tuần này, khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh 1,3% so với đô la Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ kể từ năm 2009 cho đến nay, thì VN-Index đã không thoát khỏi xu hướng “đỏ lửa” chung của chứng khoán toàn cầu.

Việc Tổng thống Donald Trump leo thang xung đột thương mại với Trung Quốc là nguyên nhân chính kích hoạt đà giảm mạnh trở lại của nhân dân tệ. Trước khó khăn từ thương mại với Mỹ, Trung Quốc có thể cũng ít nhiều có động lực để cho đồng nhân dân tệ giảm giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu, nhưng việc lao dốc mạnh của đồng nội tệ sẽ không phải là kịch bản ưa thích của nước này. Lý do là nó có thể kích hoạt làn sóng rút vốn nước ngoài mạnh hơn nữa ra khỏi Trung Quốc, gây thêm bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời làm xói mòn dự trữ ngoại hối của nước này như đã diễn ra trong giai đoạn 2014-2015.

Trong ngắn hạn, sau phiên giảm mạnh đầu tuần, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ sớm có các biện pháp nhằm ổn định lại tâm lý, làm “mềm” lại dao động của nhân dân tệ. Các giải pháp có thể dùng đến là: sử dụng lại yếu tố “phản chu kỳ” (counter cyclical factor) nhằm thiết lập tỷ giá nhân dân tệ/đô la Mỹ tham chiếu liên ngân hàng ở mức hỗ trợ cho đồng nhân dân tệ; yêu cầu ký quỹ với các giao dịch kỳ hạn bán nhân dân tệ, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi nhân dân tệ... Nếu tình hình diễn biến xấu với làn sóng rút vốn mạnh, Trung Quốc thậm chí có thể sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát tài khoản vốn.

Như vậy, có khả năng Trung Quốc sẽ sớm có các động thái để thiết lập lại kỳ vọng cho thị trường, tránh để nhân dân tệ tiếp tục rơi sâu. Tuy vậy, việc tỷ giá giữa nhân dân tệ và đô la Mỹ xuyên qua mức 7 đã khiến kỳ vọng trước đây của giới đầu tư thay đổi, buộc tất cả phải có sự tính toán lại. Đồng tiền của các thị trường mới nổi khác tại khu vực châu Á sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ việc giảm giá của nhân dân tệ.

Với Việt Nam, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái, nên Ngân hàng Nhà nước vẫn đang còn khá nhiều “dư địa” để điều hành trước diễn biến mới của đồng nhân dân tệ. Dù có thể sẽ chịu sức ép giảm giá theo nhân dân tệ nhưng nhà điều hành nhiều khả năng sẽ không để tiền đồng giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh cho Việt Nam gặp rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ.

Bình An

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292465/nhan-dan-te-xuyen-thung-day-vn-index-lao-doc-.html