Nhân dân Thanh Hóa thi đua sản xuất và chiến đấu 'Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa'
Các phong trào của nhân dân Thanh Hóa đã kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết, thi đua sản xuất, chiến đấu và tình kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam. Đồng thời phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết thắng của nhân dân trong tỉnh, góp phần đem lại thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Hưởng ứng phong trào “3 đảm đang”, phụ nữ Thanh Hóa trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: tư liệu
Với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”, qua các giai đoạn lịch sử, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã liên tục phát động các phong trào thi đua tạo nên khí thế sản xuất và chiến đấu sôi nổi rộng khắp trong toàn tỉnh.
Để động viên chị em phụ nữ góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ngày 2-4-1965, tại Nhà máy điện Hàm Rồng, Hội Phụ nữ tỉnh đã phát động phong trào “3 đảm đang”: Đảm đang sản xuất và công tác xã hội thay thế nam giới đi chiến đấu; đảm đang gia đình, động viên chồng, con, em ra chiến trường; đảm đang chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ hậu phương, chi viện cho tiền tuyến. Do đó, chị em đã không ngừng nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, cải tiến kỹ thuật canh tác, ứng dụng giống mới, làm thủy lợi... Phụ nữ HTX Đông Phương Hồng (Thọ Xuân) mở đầu phong trào cấy thẳng hàng. Phụ nữ huyện Vĩnh Lộc mở hội thi “cày tài, cấy giỏi”. Phụ nữ các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Hoằng Hóa... mở rộng phong trào “5 tấn thóc, 2 con lợn trên 1 ha gieo trồng”. Nhiều nhóm cấy của các cấp hội cơ sở đã được thành lập mang tên chị Út Tịch, hoặc nhóm cấy Quảng Nam, với khẩu hiệu: “Quảng Nam anh dũng đấu tranh/ Phụ nữ tỉnh Thanh cấy nhanh, cấy khéo”. Thực hiện khẩu hiệu trên, chị em trong tỉnh đã thành lập được 16.476 đội cấy Quảng Nam. Trong hai năm 1975 và 1976, phong trào mở hội thi cấy được mở rộng cả về tốc độ cấy, thời vụ, kỹ thuật và diện tích. Những nơi phát động được phong trào thì quần chúng phụ nữ được tham gia bàn bạc xây dựng kế hoạch gieo cấy, từ đó chị em phát huy được tinh thần làm chủ trên đồng ruộng, sản xuất có kỹ thuật, năng suất, đảm bảo thời vụ gieo cấy, tăng năng suất, sản lượng lương thực.
Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng dân quân nữ đã phối hợp với bộ đội và độc lập chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay, bắn cháy nhiều tàu chiến của giặc Mỹ. Tiêu biểu là Trung đội dân quân nữ Hàm Rồng - Nam Ngạn, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc... Trong công tác xã hội, hàng trăm chị em đã đảm nhận các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền, đoàn thể và HTX. Chị em phụ nữ trong tỉnh đã tỏ rõ khí phách anh hùng, trung hậu, đảm đang, lập nên những thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu và công tác.
Bên cạnh phong trào “3 đảm đang” của phụ nữ, lực lượng thanh niên trong tỉnh cũng phát động phong trào thi đua “3 sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu, nhập ngũ; sẵn sàng vượt mọi khó khăn, đẩy mạnh công tác sản xuất, chiến đấu và học tập; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến. Chỉ sau 6 ngày phát động, thanh niên khắp nơi đã tuyên thệ “3 sẵn sàng”. 30 vạn lá đơn tình nguyện, nhiều đơn viết bằng máu gửi về ban chấp hành Tỉnh đoàn. Ở nông thôn dấy lên phong trào “Giỏi tay cày, hay tay súng”, phong trào “5 tấn thắng Mỹ” lan rộng trong toàn tỉnh, từng bước tạo ra năng suất mới trong sản xuất nông nghiệp. Trong công, nông, lâm trường, xí nghiệp tổ chức phong trào “2 mũi tiến công thắng Mỹ”. Hàng loạt công trình, sản phẩm mang tên: “Xe thanh niên”, “Máy thanh niên”, “Ngày thanh niên”... Ở vùng biển xuất hiện phong trào “Thanh niên bám biển, giữ làng, bắn rơi máy bay, bắn chìm tàu chiến địch”. Trong thanh niên, học sinh có phong trào “Đội bom đi học”... Tấm gương Nguyễn Thị Hương – nữ thanh niên xung phong một đêm bốc dỡ 21 tấn hàng; 3 đoàn viên gái xã Hoằng Châu anh dũng phá bom từ trường của giặc; 70% lực lượng làm thủy lợi trên đồng ruộng trong tỉnh là thanh niên... 8 năm thực hiện phong trào “3 sẵn sàng” đã có hàng chục vạn đoàn viên thanh niên ra trận, 26 đoàn viên được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, 75 thanh niên Yên Vực được tuyên dương là Dũng sĩ đánh Mỹ kiên cường...
Tháng 6-1965, máy bay Mỹ ném bom vào khu vực xã Hải Lĩnh (Tĩnh Gia) tạo thành một hố sâu gây ách tắc giao thông giữa Quốc lộ 1A. Nhân dân xã Hải Lĩnh đã mưu trí nghĩ ra cách san lấp hố bom, thông qua phong trào “Hòn đá chống Mỹ”. Từ cụ già đến em nhỏ đã góp từng hòn đá để vá đường, thông xe ra tiền tuyến. Phong trào “Hòn đá chống Mỹ” được nhân rộng ra toàn huyện Tĩnh Gia. Tỉnh ủy xem đây là biện pháp tích cực đảm bảo giao thông nên đã nhân rộng ra toàn tỉnh. Cứu xe, sửa đường, bảo vệ hàng hóa của Nhà nước được nhân dân trong tỉnh xem là nhiệm vụ quan trọng cần làm ngay.
Tại Đại hội công - nông - binh toàn tỉnh được tổ chức tại huyện Thọ Xuân, ngày 3-4-1966, Tỉnh ủy phát động phong trào thi đua “3 giỏi”: Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, giao thông vận tải giỏi. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp đã cụ thể hóa thành mục tiêu thi đua trong từng lĩnh vực. Về sản suất và chiến đấu xuất hiện phong trào “Tay cày tay súng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tay búa tay súng”, “Luyện giỏi đánh hay”... Về giao thông vận tải có phong trào “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, “Địch đánh ta cứ đi”.
Thi đua thực hiện chiến dịch Đông Xuân Thanh Hóa - Quảng Nam quyết thắng, hàng chục vạn dân quân tự vệ toàn tỉnh đã hăng hái tham gia trên khắp các mặt trận: Làm phân bón, thủy lợi, khai hoang, gieo cấy, cải tiến công cụ... Ngành thương nghiệp Thanh Hóa đã phát động phong trào thi đua “5 nhất”, cung cấp hàng trăm tấn lạc giống, hàng chục nghìn con giống cho các HTX. Các hoạt động thi đua đều vượt mức kế hoạch quý I trước thời hạn 20 ngày...
Trong công tác thông tin tuyên truyền phục vụ sản xuất và chiến đấu, Tỉnh ủy ra khẩu hiệu nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ của địa phương, như: “Hướng về cách mạng miền Nam/ Càng tô thắm sáu chữ vàng trong tim”. Thư viện Thanh Hóa và Thư viện Quảng Nam đã tổ chức 2 buổi giới thiệu sách “Từ tuyến đầu Tổ quốc” và “Bạn bè ta khắp năm châu”; tổ chức triển lãm sách báo về miền Nam và Quảng Nam lấy tên là “Thanh Hóa hăng say sản xuất, Quảng Nam anh dũng đấu tranh”. Những hình ảnh thi đua sản xuất và công tác vì miền Nam, hình ảnh kết nghĩa tại các công trường, nông trường, xí nghiệp, cơ quan, trường học và HTX đã được ghi lại để làm lưu niệm và gửi vào miền Nam và Quảng Nam. Các chiến thắng lớn và gương chiến đấu anh dũng của quân dân Quảng Nam đã được giới thiệu sâu rộng đến nhân dân Thanh Hóa qua các tranh, ảnh, sách, bản tin... Các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân còn có sáng kiến dựng những “bảng vàng 5 tấn” để cổ động phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp. Huyện Hoằng Hóa có sáng kiến vẽ cờ của quân dân huyện Điện Bàn tặng để động viên tinh thần học tập và thi đua với Quảng Nam anh hùng...
Các phong trào của nhân dân Thanh Hóa đã kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết, thi đua sản xuất, chiến đấu và tình kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam. Đồng thời phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết thắng của nhân dân trong tỉnh, góp phần đem lại thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong chiến tranh ác liệt, mối tình đoàn kết của quân dân hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam ngày càng keo sơn gắn bó. Từng giờ, từng phút, Thanh Hóa luôn dõi theo cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam ruột thịt, của nhân dân Quảng Nam trung dũng, kiên cường. Thanh Hóa luôn lấy thắng lợi của đồng bào miền Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng để cổ vũ tinh thần lao động sáng tạo, cũng như khắc sâu và biến lòng căm thù giặc thành sức mạnh thi đua. Những thành tích của nhân dân Thanh Hóa hướng về miền Nam, hướng về Quảng Nam chính là biểu hiện rõ nét nhất của mối tình sâu nặng Thanh Hóa - Quảng Nam - nghìn thu không mờ.